Lãnh đạo tỉnh làm việc với huyện Đam Rông. |
Khi mới thành lập vào cuối năm 2004, một số địa phương của huyện Đam Rông chưa có tổ chức cơ sở Đảng, nhiều thôn, buôn chưa có đảng viên. Thực trạng này đã gây nhiều khó khăn cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo huyện đối với các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác phát triển Đảng. Điều đó cũng đặt ra cho Huyện ủy phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, làm chuyển biến mọi mặt của đời sống xã hội, trước hết là đối với bà con các dân tộc thiểu số ở thôn, buôn, phấn đấu tất cả các thôn đều có đảng viên làm hạt nhân lãnh đạo. Huyện ủy Đam Rông cũng xác định, việc xét chọn đoàn viên, quần chúng ưu tú vào Đảng chính là góp phần tăng cường thêm sức chiến đấu và bảo đảm tính kế thừa, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, nhất là ở khu vực thôn, buôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng vũ trang, trường học, đáp ứng sự nghiệp đổi mới diễn ra ở tất cả các xã, cơ quan đơn vị, trường học trên địa bàn huyện.
Nhận thức tầm quan trọng đó, Đảng bộ huyện Đam Rông đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc giáo dục, rèn luyện, nâng cao trình độ dân trí và giác ngộ chính trị cho quần chúng. Thông qua việc đưa quần chúng vào sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể, tham gia các phong trào hành động cách mạng ở địa phương để tạo môi trường học tập, rèn luyện, định hướng quần chúng phấn đấu trở thành đảng viên. Ban thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các tổ chức đoàn thể phát động nhiều phong trào thi đua, qua đó phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu cho tổ chức cơ sở Đảng những cán bộ, đoàn viên ưu tú để tạo nguồn cho công tác phát triển đảng viên; chỉ đạo các ban Đảng thực hiện nhanh chóng, kịp thời, đúng quy trình, Điều lệ trong việc phát triển đảng viên. Đồng thời, phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ phụ trách từng cụm xã, để vừa chỉ đạo giải quyết ngay mọi khó khăn vướng mắc cho cơ sở, vừa trực tiếp tham gia mở các lớp đối tượng Đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho những quần chúng ưu tú theo học. Cách làm này không những giúp các đoàn viên, thanh niên, học sinh sau khi tốt nghiệp THPT có chí tiến thủ tình nguyện ở lại phục vụ quê hương được cử đi học, mà còn có nhiều quần chúng tốt ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, các lực lượng quần chúng, bộ đội phục viên xuất ngũ, các thầy giáo, cô giáo, y bác sĩ đều được quan tâm giới thiệu đi học các lớp nhận thức về Đảng.
Quý nào, tháng nào, các cơ sở Đảng ở Đam Rông cũng giao chỉ tiêu cụ thể cho Bí thư Chi bộ và từng đảng viên để rà soát, chọn lựa, giới thiệu quần chúng ưu tú đi học các lớp đối tượng Đảng và phân công kèm cặp bồi dưỡng. Hàng tháng, các đảng viên báo cáo trước Chi bộ về hướng phấn đấu, nhận thức về Đảng của đối tượng mà đảng viên được phân công theo dõi. Khi có nguồn từ các Đảng bộ gửi lên, Trung tâm Chính trị huyện bố trí những giảng viên có kinh nghiệm, từng được đào tạo ở các trường Đảng, trực tiếp lên lớp theo từng chuyên đề, đồng thời, cung cấp đầy đủ tài liệu để các học viên tham khảo. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra lý lịch cũng được các tổ chức cơ sở Đảng tiến hành kịp thời, đúng nguyên tắc. Khi các đối tượng đã đảm bảo các tiêu chuẩn, các tổ chức cơ sở Đảng báo cáo kịp thời cấp trên để chuẩn y và tiến hành các thủ tục kết nạp. Huyện Đam Rông chủ trương, kết nạp đảng viên đến đâu chắc đến đấy, kết nạp đảng viên gắn liền với phát triển đảng viên ở các thôn, buôn chưa có đảng viên.
Bằng việc chỉ đạo quyết liệt, sát với tình hình thực tế của địa phương và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức cơ sở Đảng mà 6 năm qua, Đảng bộ huyện Đam Rông đã kết nạp được hơn 500 đảng viên, chỉ tiêu kết nạp đảng viên của huyện hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Riêng năm 2010, toàn Đảng bộ huyện Đam Rông đã kết nạp được 127 đảng viên, nâng tổng số đảng viên lên 924 đồng chí, tham gia sinh hoạt ở 38 tổ chức cơ sở Đảng; xóa được 24 Chi bộ thôn sinh hoạt ghép và hiện chỉ còn 4/51 Chi bộ thôn sinh hoạt ghép, không còn thôn, buôn trắng đảng viên. Hàng năm, có trên 60% tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh, không có tổ chức Đảng yếu kém, trên 75% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có trên 25% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụï; bộ máy chính quyền và các tổ chức đoàn thể chính trị- xã hội không ngừng vững mạnh, được quần chúng nhân dân tin tưởng, đồng tình ủng hộ.
Điều đáng nói trong công tác phát triển đảng ở Đam Rông là các Chi bộ, Đảng bộ đều quan tâm, chú trọng đến chất lượng đảng viên. Chính vì thế, hầu hết số đảng viên được kết nạp Đảng trong sáu năm qua đều gương mẫu, xốc vác trong mọi mặt công tác, phát huy được năng lực lãnh đạo, là hạt nhân chính trị, góp phần nâng cao sức chiến đấu của Đảng ở cơ sở. Nhiều đảng viên có năng lực, được dân tín nhiệm bầu vào HĐND các cấp, giữ các chức danh ở xã, ở thôn, được đề bạt làm trưởng, phó phòng, ban ở các cơ quan, đoàn thể của huyện, trong đó có nhiều đảng viên là dân tộc thiểu số.
Nói về kinh nghiệm công tác phát triển Đảng ở Đam Rông, đồng chí Vũ Kim Sinh- Bí thư Huyện ủy, cho biết: Trước hết, phải làm tốt công tác xây dựng các tổ chức đoàn thể vững mạnh, tập hợp quần chúng, đoàn thanh niên tích cực tham gia các phong trào thi đua. Đặc biệt, tổ chức đoàn phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đáp ứng nhiệm vụ, làm nòng cốt trong các phong trào ở cơ sở. Bên cạnh đó, phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, giao việc làm, tạo cơ hội cho đoàn viên, thanh niên rèn luyện. Thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng lý luận chính trị,nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân và đoàn viên, thanh niên. Nâng cao chất lượng sinh hoạt của Chi bộ cơ sở, tích cực đổi mới nội dung sinh hoạt và quan tâm lãnh đạo các hoạt động của các tổ chức đoàn thể, xác định việc phát triển đảng viên, nhất là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, lực lượng vũ trang, giáo viên, y bác sĩ là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng.
NGUYỄN VĂN HIẾU