"Cưới nhau" không thành
Ngày 6/11/2003, Công ty Phát triển và Dịch vụ nhà quận 1 (Cty nhà quận 1), doanh nghiệp Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện Dự án xây dựng chung cư Ða Kao 1 Bis - 1 Kép Nguyễn Ðình Chiểu, Phường Ða Kao, Quận 1, TP HCM (Dự án), đã ký với Công ty TNHH Ðông Đông (Cty Đông Dương) Hợp đồng hợp tác kinh doanh số 04 nhằm liên doanh thực hiện Dự án này (Hợp đồng 04).
Thời hạn thực hiện dự án bắt đầu từ ngày Hợp đồng có hiệu lực cho đến khi kết thúc việc bán nhà, các tiện ích dịch vụ, các tiện ích công cộng khác. Tổng vốn đầu tư ước khoảng 584 tỷ đồng. Vốn góp của hai bên tương đường 20% tổng vốn đầu tư là 116,8 tỷ đồng, mỗi bên phải góp 58,4 tỷ đồng.
Trước đó, tính đến 30/10/2003 Cty nhà quận 1 đã đầu tư 31.610.905.000 đồng. Ngày 06/11/2003, hai bên lập biên bản xác nhận những khoản đầu tư này trước khi ký Hợp đồng. Theo Hợp đồng, hai bên cam kết góp vốn bằng nhau, theo tiến độ và nhu cầu của Dự án và trong vòng tối đa 30 ngày, Cty Ðông Dương phải góp vào tài khoản của Cty nhà quận 1 khoản tiền bằng 50% chi phí Cty nhà Q 1 đã chi. Tuy nhiên, thời hạn đã hết từ lâu nhưng Cty Đông Dương vẫn không góp đủ vốn theo quy định.
Ngày 13/10/2005 Cty Nhà Q.1 và Cty Ðông Dương gặp nhau thảo luận và ký biên bản: Cty Đông Dương xin rút khỏi Hợp đồng đã ký kết, đồng thời xác định Cty nhà Q.1 là chủ đầu tư tự thực hiện dự án.
Trước tình thế như vậy, Cty nhà Q.1 buộc phải thanh lý Hợp đồng theo quy định. Thế nhưng, Cty Đông Dương lại không hợp tác. Về phần mình. Cty nhà quận 1 đã bỏ ra hơn 500 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện Dự án. Cho tới thời điểm hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư đã cơ bản hoàn thành.
Một góc dự án đã được giải phóng mặt bằng
Tòa vẫn ép "ở chung"
Ngày 28/2/2008, Cty Đông Dương khởi kiện yêu cầu được tiếp tục thực hiện Hợp đồng. Tại Bản án sơ thẩm ngày 28/4/2009, TAND TPHCM đã tuyên Cty Đông Dương thua kiện. Thế nhưng, sau khi kháng cáo, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM lại tuyên buộc Cty nhà Q 1 tiếp tục thực hiện Hợp đồng.
Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm này đã bộc lộ nhiều sai sót. Thứ nhất, về số tiền góp vốn tính đến ngày 24/11/2003, Cty Đông Dương cho rằng đã góp 14 tỷ đồng, nhưng Cty Nhà Q.1 chỉ thừa nhận có 6 tỷ và có đủ bằng chứng để xác định. Đối với 8 tỷ đồng còn lại, Cty Đông Dương không xuất trình được bằng chứng. Thế nhưng, Tòa Phúc thẩm đã không làm rõ số tiền này mà hồn nhiên nhận định Cty Đông Dương đã góp 14 tỷ đồng.
Thứ hai, việc Cty Đông Dương lấy lý do không thể thu xếp tài chính cho dự án, lãi suất ngân hàng chi phí xây dựng tăng cao... để xin rút khỏi Hợp đồng là bằng chứng thể hiện ý chí đích thực, sự tự nguyện của công ty này. Phía Cty Nhà Q.1 cũng đã có văn bản chính thức tuyên bố chấm dứt hợp đồng. Theo Bộ Luật Dân sự, Tòa Phúc thẩm phải tuyên hợp đồng đã bị chấm dứt theo thoả thuận của các bên.
Thế nhưng, lấy cớ sau khi tuyên bố hủy hợp đồng, hai bên vẫn còn ngồi lại để thương thảo nên Tòa Phúc thẩm cho rằng hợp đồng vẫn đang có hiệu lực, nên buộc hai bên phải “cưới nhau” dù “cơm không lành, canh không ngọt”. Thực chất, các bên sau việc ký biên bản ngày 13/10/ chỉ gặp nhau để xử lý yêu cầu tính lãi suất đối với khoản tiền 6 tỷ mà Cty Đông Dương đã góp và để thanh lý Hợp đồng.
Thứ ba, sau khi góp được 6 tỷ, tính đến nay Cty Đông Dương đã không đóng góp gì thêm. Trong khi đó, Cty nhà Q.1 vẫn tiếp tục thực hiện dự án, tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 500 tỷ đồng. Tòa Phúc thẩm đã không xem xét trách nhiệm của Cty Đông Dương đối với các hậu quả pháp lý do hành vi rút khỏi hợp đồng gây thiệt hại cho Cty nhà Q.1; Nay buộc Cty nhà Q.1 phải hợp tác kinh doanh với Cty Đông Dương mà không xem xét khoản chênh lệch quá lớn giữa số tiền góp vốn của hai bên.
Được biết, Dự án đã kéo dài nhiều năm so với tiến độ. Nay vừa được Cty Nhà quận 1 khắc phục các khó khăn để tiến hành xong việc bồi thường, giải phóng thì xay ra tranh cháp. Đáng nói là Tòa Phúc thẩm đã không xem xét tường tận, đưa ra nhận định chưa đảm bảo quy định pháp luật không chỉ gây thiệt hại cho dương sự mà còn anh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật.
Do đó, việc xem xét lại các bản án theo thủ tục giám đốc thẩm là cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện Dự án mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt được tốt đẹp.
Tại đơn khởi kiện, Cty Đông Dương yêu cầu được tiếp tục thực hiện Hợp đồng mà mình từng xin rút trước đó. Việc Toà Phúc thẩm buộc Cty nhà Q.1 tiếp tục thực hiện hợp đồng chẳng khác nào dành cho mình quyền ép các bên thực hiện các giao dịch thương mại trái với ý muốn của họ, trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật hợp đồng. Rõ ràng, Cty nhà quận 1 đã nhiều lần tuyên bố không còn bị ràng buộc bởi Hợp đồng. Nhưng Toà Phúc thẩm đã làm một điều rất đáng ngạc nhiên: Hồi tố quyền của bên vừa vi phạm Hợp đồng đã ký, vừa tự ý chấm dứt Hợp đồng đó và buộc bên bị vi phạm thực hiện một Hợp đồng đã không còn hiệu lực. |
Nhân Việt