Thuở đi trọ học trường huyện, chiều thứ 7 mới được về nhà mà chỉ toàn đi bộ, cách xa mấy cây số nhìn thấy tán đa vươn cao, tỏa rộng giữa làng, trong tôi đã rộn rã niềm vui trở về. Sau này, cảm xúc vẫn nguyên vẹn thế mỗi lần đi xa lâu ngày, có khi đến vài năm mới về quê. Cây đa đó đã trở thành biểu tượng của nỗi nhớ khi xa và niềm vui khi trở về.
Cái cây đa mà tôi nhắc tới ở đây từ khi tôi còn bé nó đã là đại thụ, tuổi đời đã mấy trăm năm.
Cây mọc ở nơi cao nhất, trung tâm xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Đó không chỉ là một cây đơn lẻ mà trở thành một “quần thể” nối kết nhau bằng cành, cành vươn tới đâu, rễ buông tới đó, trở thành cây đỡ cành, cứ thế, cây đa có hàng chục “cột chống” đỡ chòm lá sum suê, rộng đến vài sào Bắc bộ, che mát cả một vùng.
Dưới tán đa đó, hồi chiến tranh phá hoại thì người ta họp chợ, chứa hàng trăm con người, chẳng máy bay nào nhìn thấy. Các cuộc vui chơi, cắm trại của thiếu nhi, mít tinh, hội họp của người lớn đều diễn ra ở đây, có thần mộc chở che cho.
Trở lại một thời xa hơn, năm 1945, Cách mạng Tháng Tám, cờ đỏ sao vàng lần đầu xuất hiện nơi đây, tung bay trên ngọn đa này, như một lời hiệu triệu khởi nghĩa cả một vùng sơn cước đều nhìn thấy.
Xa hơn nữa, dưới tán đa là ngôi miếu thiêng thờ sơn thần, thổ địa. Ngôi miếu đã bị phá từ lâu nhưng cho đến bây giờ thỉnh thoảng lại xuất hiện một cái lư hương sứt mẻ hoặc thanh gỗ song cửa sổ hay một thứ gì đó đặt dưới gốc đa.
Đó là những gì còn sót lại của ngôi miếu mà có người mang về nhà mình rồi gặp chuyện không hay như bị tâm thần, què quặt,… họ tự động vứt trả lại chỗ mà cha ông họ từng lấy mang về.
Thế rồi, cây đại thụ vài trăm tuổi đó không được ai chăm sóc, cư dân làm nhà sát cạnh, buộc trâu bò, làm đường đi, chặt cả rễ cái, rễ con,… làm tán đa không còn liền khối sum suê nữa. Người ta còn dựng cả một cái sân khấu bằng xi măng, 4 cột đúc chĩa lên trời ngay dưới tán đa. Nhìn cây đa xơ xác ngay cả khách nơi xa đến cũng động lòng nuối tiếc.
Bạn tôi, một Tiến sĩ sử học về chơi, ngắm cây mà thở dài, nói rằng vượng khí của làng đã bị tổn hại nhiều rồi! Không biết có phải thế không nhưng so với các xã bên cạnh thì xã tôi – một thời là trung tâm của vùng thượng huyện, nay không còn gì!
May thay, gắn với lịch sử của một vùng trước từng là đại bản doanh của tướng Cần vương Nguyễn Quang Bích, cây đa được vinh danh Cây di sản Việt Nam. Một đồng nghiệp khi xưa của tôi, nguyên Bí thư huyện ủy Yên Lập, nay giữ chức Chủ tịch Hội sinh vật cảnh, có công lớn trong việc vinh danh cây đa thành Cây di sản, xúc động mà làm thơ: “Thời gian còn lắm đổi thay/ Mong đa vẫn đứng vững cây, vươn cành/ Lá vàng rụng, nảy chồi xanh/ Cây cao, bóng cả chuyền cành chim ca”.
Rồi đây với ý thức giữ gìn di sản và lòng tôn kính với cổ thụ được coi như là linh mộc, thần mộc này, cây đa sẽ được chăm sóc để lấy lại dáng vóc như xưa, tỏa bóng tâm linh xuống mà lưu giữ hồn quê. Có thể, một cái miếu nhỏ sẽ dựng dưới gốc đa, giữ gìn “cổ vật” còn sót lại. Có thể du khách trước khi lên với khu di tích lịch sử văn hóa Tôn Sơn dừng chân nơi đây thắp hương mà tưởng nhớ tới hình bóng của tác giả “Ngư Phong thi văn tập”, phải chăng, hơn 100 năm trước (1889), tướng quân – thi nhân Nguyễn Quang Bích đã ngồi dưới tán đa này mà viết bài “Xuân nhật tức sự” đưa cả địa danh 10 xã của châu Yên Lập vào trong thơ?
Có thể, cái giếng cổ không bao giờ cạn dưới tán đa này sẽ được khơi thông trở lại, trong mát hồn quê!
Bình Sơn