[links()] Sưu tầm đồng hồ vô cùng tốn kém, đòi hỏi phải công phu, có tiền. Đất Hà thành có rất nhiều “đại gia” với những bộ sưu tập lên đến vài trăm chiếc. Dẫu nhiều người chơi bình lặng, kín tiếng, nhưng trong vài năm trở lại đây một số người trẻ đã tạo ra các điểm giao lưu, trao đổi, giúp cho giới sưu tầm đồng hồ cổ sôi động hơn.
|
“Đại gia” Đào Văn Đạt và những chiếc đồng hồ quý. |
Những bộ sưu tập “khủng”
Giới chơi đồng hồ cổ Hà Nội rất nể anh Trần Việt Hà (21 Thợ Nhuộm) bởi anh có trong tay nhiều món đồ độc đáo và hơn thế, anh coi đồng hồ như những người bạn tri âm, tri kỷ. Hàng ngày, anh sống bên đồng hồ, nghe những tiếng ca của các “nàng” ngân lên khi điểm giờ. Từ chân cầu thang của ngôi nhà tới phòng khách, phòng ngủ, đâu đâu cũng treo kín đồng hồ. Tại mọi ngõ ngach ngôi nhà, chúng tôi cũng đều cảm nhận được sự trôi đi của thời gian.
Đồng hồ nhiều đến nỗi, chủ nhân của cái gia tài ấy cũng không nhớ nổi mình có bao nhiêu cái đồng hồ trong nhà nữa. Thế nhưng chỉ vào chiếc đồng hồ nào, anh đều nói vanh vách từ lịch sử cho đến xuất xứ, giống như một chuyên gia vậy.
Trần Việt Hà chia sẻ: “Chơi đồng hồ phải có cái duyên, có đam mê và phải làm sao hiểu tường tận, nếu không khi mua dễ bị hớ. Và khi đã chơi giỏi rồi, rất dễ bị đồng hồ mê hoặc. Sưu tầm đồng hồ cổ là thú chơi lớn nhất của tôi và nếu không chơi, tôi chẳng biết chơi thứ gì khác.
Trong ngôi nhà của anh Nguyễn Đức Năng trên phố Kim Đồng (Giáp Bát, Hà Nội) cũng có hàn trăm chiếc đồng hồ treo tường, để bàn độc đáo. Ông chủ của bộ sưu tập hơn 400 chiếc này cho biết, ngay từ khi học lớp 9 đã bị những tiếng chuông đồng hồ “tình tính tính tinh tính tình…” mê hoặc rồi từ đó phát triển thành niềm đam mê sưu tầm. Bố anh Năng xưa kia biết sửa chữa, anh thừa kế vốn hiểu biết của gia đình, rồi khi từ Nghệ An ra Hà Nội lập nghiệp, anh đã mang theo cả tình yêu, lòng đam mê đi theo. Theo thời gian, với sự săn tìm miệt mài, gia tài đồng hồ của anh tăng lên.
Treo trong nhà, những “cỗ máy thời gian” ấy cứ bền bỉ đếm từng phút từng giờ qua hàng thế kỷ. Nó còn là hiện thân của lịch sử, của văn hóa... Trong bộ sưu tập của anh Năng và gia đình có những chiếc được làm bằng sứ, có chiếc bằng đồng, có những chiếc đồ sộ nhưng cũng có những chiếc rất nhỏ. Mặc dù hình dáng khác nhau, tiếng chuông khác nhau nhưng chúng đều mang trong mình những giá trị nghệ thuật và hội họa rất rõ nét.
Ở Hà Nội còn nhiều người sưu tầm đồng hồ khác nữa như chủ quán cà phê Junghans trên phố Hòa Mã, ông Đào Văn Dư trên phố Lý Nam Đế, anh Đào Văn Đạt ở phố Lò Đúc, ông Nguyễn Đức Vinh ở phố Hàng Bún… Trong đó, bộ sưu tập của chủ quán cà phê Junghans vẫn chưa hài lòng với những gì mình có, là 800 chiếc. Anh cho biết, sẽ triển lãm và công bố trên mặt báo khi có đủ 1.200 chiếc.
Đồng hồ, linh hồn của cuộc sống
Theo những người sưu tầm, mỗi chiếc đồng hồ dường như đều có một linh hồn, một cuộc sống thật sinh động và đầy ý nghĩa. Và, cũng giống như con người, dù xuất thân của chúng từ châu Á hay châu Âu, đều có một giá trị ngang nhau. Nếu có sự khác biệt nào, thì đó chỉ là khác biệt trong quan niệm của người sở hữu. Các “đại gia” này cho biết thêm, đồng hồ của Pháp, Đức, Hà Lan, Nga có mẫu mã rất đẹp.
Từ hàng trăm năm, những chiếc đồng hồ treo tường, để bàn, đồng hồ tủ được chế tạo tinh xảo, chính xác, mẫu mã đẹp và luôn là thứ thể hiện “đẳng cấp” của ông chủ. Vì thế, với người sưu tầm, họ luôn nhanh nhạy, tìm những mẫu mới, đẹp, độc đáo. Sự kết hợp của người kỹ sư máy, thợ mộc, thợ đúc đồng…và tất cả đều được làm thủ công, nhưng độ chính xác lại như được lập trình trên máy tính. Với tuổi đời hàng chục thập kỷ, đồng hồ cần mẫn chạy, điểm thời gian mà vẫn chính xác. Đó là một điều kỳ diệu mà những người sưu tầm luôn nhắc đến để nhớ ơn thợ chế tạo đồng hồ.
Trong giới chơi đồng hồ, vật giá trị nhất là đồng hồ Odo 36.10 (sản xuất năm 1936, có 10 gông nhạc) ngân được bản Westminter. Một chiếc đồng hồ như vậy có giá bình thường 60 triệu đồng. Và nếu cả 10 gông phát nhạc đều còn “zin”, không chiếc nào bị thay hay phục chế, mặt kính chắn nguyên bản, hộp gỗ nguyên bản có thể giá cao gấp ba lần. Đồng hồ loại này còn quý hơn, nếu nó còn nguyên giấy tờ mua bán bằng chữ quốc ngữ hay chữ Pháp.
Anh Đào Văn Đạt, người sưu tầm lâu năm cũng là thợ sửa chữa đồng hồ cho biết: “Ai cũng có thể chơi đồng hồ, nhưng dứt khoát không phải ai cũng biết chơi sang. Có những người chơi đồ đắt tiền, một chiếc bằng cả chục chiếc khác. Dẫu vậy, tôi cũng muốn tất cả người chơi đều có hiểu biết để khỏi bị lừa và nên mở rộng giao lưu để có thể học hỏi lẫn nhau, giúp tìm ra những mẫu mới…”
Nói gì thì nói, đồng hồ không chỉ là một cỗ máy được chế tạo, chạm khắc cầu kỳ bởi bàn tay con người, mà nó còn là người bạn luôn nhắc nhở chúng ta hãy biết quý trọng thời gian. Bởi thời gian được ví như vàng, bạc. Và dù có nhiều loại với những tiếng chuông khác nhau, nhưng đều là tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Sơn Bình