Ông Tô Hoài Nam. |
Thưa ông, dịch COVID-19 tác động như thế nào đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam?
- Có quá nhiều bằng chứng cho thấy, đại bộ phận các DN đang đuối sức, đặc biệt là các DNNVV, hộ kinh doanh. Đại dịch khiến đại bộ phận các DN trong các lĩnh vực ngành nghề đều sụt giảm nguồn thu, lợi nhuận âm hoặc thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu, thiếu nguồn lao động do chính sách giãn cách xã hội, nhưng có nơi lại thừa nguồn lao động do doanh thu giảm, DN không thể duy trì hoạt động.
Trong 8 tháng đầu năm 2021, cả nước có hơn 85.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể. Cũng có nghiên cứu khác cho rằng, tổng cầu trong các DN giảm trên 50%. Trong đó, ngành Du lịch, lưu trú, ăn uống giảm rất mạnh khoảng 87%, các DN nhỏ và siêu nhỏ doanh thu giảm khoảng 72%.
Chúng ta thực hiện mục tiêu kép, có nghĩa vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch mà công cụ thực hiện 2 mục tiêu này ngược nhau. Đây là vấn đề phải chấp nhận, bới nếu “mở” ra thì tình hình rất phức tạp trong điều kiện vắc xin chưa được bao phủ. Cộng đồng kinh doanh hiểu điều đó.
Tính chất linh hoạt, mềm dẻo có thể là lợi thế của các DNNVV trong một trường kinh doanh bình thường, nhưng trong môi trường kinh doanh thực hiện các biện pháp chống dịch (chi phí phòng chống dịch, test COVID-19, thực hiện “3 tại chỗ”...), với quy mô nhỏ, địa bàn nhỏ, vốn tích lũy không nhiều, sau gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh, nguồn lực đã cạn kiệt trong khi khả năng tiếp cận vốn mới khó khăn.
Như vậy, đại dịch chính là cơ hội để DN, doanh nhân có thể nhìn lại mình, thưa ông?
- Như tôi đã nói, con số hơn 85.000 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể là rất lớn. Nhưng cũng phải nói rằng, trong số đó có không ít DN đã hoạt động sa sút từ trước mà dịch COVID-19 chỉ thúc đẩy nhanh hơn quá trình ngừng hoạt động, giải thể. Tất nhiên, điều này còn mang tính quy luật sàng lọc của thị trường. Bây giờ đặt vấn đề này có vẻ là vô cảm nhưng đó là sự thực, các DN cần nhìn lại chính mình.
Về phía DN, điều quan trọng đầu tiên là DN cần phải thích ứng với tình hình mới. Để làm được điều đó, trước hết DN cần cơ cấu lại, không làm tràn lan, phải số hóa những gì cần số hoá để nâng cao khả năng cạnh tranh hơn, bởi thị hiếu của người tiêu dùng, của bạn hàng cũng bắt đầu thay đổi theo chiều hướng số hóa nhiều hơn. Thứ hai, DN không thể không thực hiện tốt các quy định về phòng dịch, bởi chỉ cần một ca F0 trong DN thì DN đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Đặc biệt, DN phải hết sức chú trọng giữ chân người lao động, bằng tình cảm bằng sự chia sẻ, để làm sao họ cảm thấy được sự quan tâm, có thu nhập ổn định để vững tin ở lại.
Một lưu ý nữa là, DN cần phải nghiên cứu kỹ để có thể tiếp cận tối đa các chính sách hỗ trợ của nhà nước để vượt qua đại dịch. Đây cũng là lúc các DN cần phải liên kết với nhau để cùng nhau vượt qua những tác động bất lợi của đại dịch. Thực tế cho thấy, DN nhỏ, yếu nhưng liên kết tốt với nhau sẽ tạo quy mô đủ lớn chống chọi với khó khăn.
Trân trọng cám ơn ông!