Đại án ở OceanBank: Tại sao trước đó Nguyễn Xuân Sơn không bị truy tố về tội tham ô?

Hà Văn Thắm khẳng định việc chi lãi ngoài không ảnh hưởng gì đến hoạt động của OceanBank
Hà Văn Thắm khẳng định việc chi lãi ngoài không ảnh hưởng gì đến hoạt động của OceanBank
(PLO) - Sau gần 2 năm hoàn tất các giai đoạn điều tra, truy tố được thực hiện bởi cơ quan tiến hành tố tụng cao cấp thuộc Bộ Công an và VKSNDTC, tại sao vấn đề tội danh “Tham ô tài sản” không được đặt ra đối với Nguyễn Xuân Sơn? Phải chăng việc bổ sung tội danh “Tham ô tài sản” đối với Nguyễn Xuân Sơn sau này là chưa thuyết phục?

Nguyễn Xuân Sơn không chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng từ OceanBank?

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn bản chất vụ án, báo Pháp luật Việt Nam điện tử xin diễn giải lại một số thông tin. Đại án OceanBank được khởi tố vào ngày 21/10/2014, theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 116/C46-P11 về hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Ngày 20/7/2015, Cơ quan Điều tra ra Quyết định khởi tố bị can số 263/C46-P11 đối với Nguyễn Xuân Sơn về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo tài liệu của cơ quan thực thi tố tụng, riêng với số tiền trên 246 tỷ đồng mà Hà Văn Thắm cùng đồng phạm chi cho Nguyễn Xuân Sơn trong thời gian Sơn đã chuyển về làm Phó Tổng Giám đốc VPN (từ tháng 1/2011 đến tháng 6/2014), Cáo trạng ngày 14/12/2016 của VKSNDTC đã truy tố Nguyễn Xuân Sơn về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, trong Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung ngày 8/3/2017, TAND TP Hà Nội nhận định: “Trong số đó ít nhất có 20% là phần đóng góp của tập đoàn dầu khí Việt Nam, nhưng Cáo trạng truy tố về tội ‘Cố ý làm trái” là chưa chính xác. Vì vậy, cần thiết phải điều tra làm rõ, xác định đúng tội danh của bị cáo theo quy định của pháp luật”.

Ngày 19/5/2017, lần đầu tiên tội danh “Tham ô tài sản” được xác định đối với Nguyễn Xuân Sơn theo Quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 24/C46-P11 của Cơ quan Điều tra.

Như vậy, sau gần 2 năm hoàn tất các giai đoạn điều tra, truy tố được thực hiện bởi cơ quan tiến hành tố tụng cao cấp thuộc Bộ Công an và VKSNDTC, tại sao vấn đề tội danh “Tham ô tài sản” không được đặt ra đối với Nguyễn Xuân Sơn? Phải chăng việc bổ sung tội danh “Tham ô tài sản” đối với Nguyễn Xuân Sơn sau này là không thuyết phục?

Điều 278 Bộ luật Hình sự mô tả tội Tham ô tài sản: “Người nào lợi dụng chức vụ , quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý...”, điều luật này cho thấy việc chiếm đoạt tài sản là yếu tố cấu thành bắt buộc của tội danh này.

Ngày 30/8/2017, tại phần xét hỏi của Tòa, Nguyễn Xuân Sơn bất ngờ thừa nhận việc đã nhận từ Hà Văn Thắm số tiền hơn 200 tỷ đồng sau khi Sơn đã rời khỏi OceanBank để về PVN. Lời khai này phù hợp với cáo buộc của VKS về cùng nội dung. Tuy nhiên, ông Sơn vẫn một mực phủ nhận việc bản thân đã chiếm đoạt số tiền đó. Theo ông Sơn, số tiền được ông sử dụng hết vào mục đích “chăm sóc khách hàng” như đã thống nhất với Hà Văn Thắm.

Nguyễn Xuân Sơn không chứng minh được việc mình sử dụng tiền để “chăm sóc khách hàng” như thế nào, vì tính chất đặc biệt của giao dịch dẫn đến việc giao tiền không hề có chứng từ hay văn bản xác nhận và những người nhận tiền (theo lời khai của ông Sơn, như trường hợp ông Ninh Văn Quỳnh) không thừa nhận việc này.

Song như cáo trạng đã công bố, VKS cũng không làm rõ được Nguyễn Xuân sơn đã sử dụng số tiền đó vào những việc gì. Vì vậy, việc bị cáo Sơn chiếm đoạt số tiền đó trên thực tế chỉ đang được nhìn nhận như một khả năng và VKS đã cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn dựa trên suy đoán về khả năng này – đây là suy đoán hoàn toàn bất lợi cho bị cáo.

Đến thời điểm hiện tại, việc Nguyễn Xuân Sơn có chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng nhận từ Hà Văn Thắm hay không? Số tiền đó đã đi về đâu? Vẫn là những dấu hỏi lớn mà các cơ quan thực thi tố tụng chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Nói đến khả năng có hay không việc Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng, trong đó có 49 tỷ đồng thuộc sở hữu nhà nước, dẫn đến cáo buộc về tội danh “Tham ô tài sản”, cần thiết phải điểm lại những vấn đề sau:

- Chủ trương chi lãi ngoài, lãi vượt trần, chăm sóc khách hàng của OceanBank là có thật, được áp dụng rộng rãi cho khách hàng gửi tiền trong thời gian dài. OceanBank đã chi đến 1.576 tỷ đồng cho chủ trương này, để thu hút các nguồn tiền gửi và giữ chân khách hàng. CQĐT xác định có hơn 51.000 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế nhận tiền lãi ngoài sai quy định từ Ocean Bank. Cơ quan công an đã gửi yêu cầu giải trình, cung cấp tài liệu tới các tổ chức kinh tế nói trên nhưng đến nay mới có 143 tổ chức trả lời. Trong đó, có 19 tổ chức kinh tế khẳng định có nhận lãi ngoài từ Ocean Bank và trả lại hơn 3 tỷ, 124 tổ chức trả lời không nhận tiền lãi ngoài.

- Vào năm 2011, OceanBank có thời gian dừng việc chi lãi ngoài, dẫn đến việc Ngân hàng này rơi vào tình trạng nguy cấp, sau đó OceanBank buộc phải chi lãi ngoài trở lại (lời khai của bị cáo Hoài Nam tại Tòa ngày 31/8/20170). Còn Hà Văn Thắm khẳng định: “Nếu bị cáo không làm thì ngân hàng đổ bể, có lúc bị cáo có ra chỉ thị dừng chi lãi ngoài nhưng sau đó ngân hàng gần như bị tê liệt, bị cáo làm như vậy là giữ chính sách tiền tệ chứ không phải phá như cáo trạng”.

- Nguồn tiền gửi lớn nhất của OceanBank xuất phát từ nhóm khách hàng thuộc PVN. Đến cuối năm 2011, quy mô tiền gửi của PVN tăng lên 21.098 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54,7% tổng huy động của Ocean Bank. Rất khó tin khi cho rằng nhóm khách hàng này không hưởng lợi gì từ chủ trương “chăm sóc khách hàng” của OceanBank. Trong khi đó, theo Hà Văn Thắm thì việc “chăm sóc khách hàng” đối với PVN chỉ duy nhất thực hiện qua Nguyễn Xuân Sơn.

- Năm 2016, Cơ quan Điều tra, đối với các khách hàng đã nhận khoản tiền ngoài lãi suất huy động từ OceanBank, tài liệu điều tra xác định khoản tiền này xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của bị can Hà Văn Thắm và đồng bọn. Trong số khách hàng này, có nhiều khách hàng là tổ chức kinh tế lớn, có nhiều vốn nhà nước, nhất là nhóm khách hàng thuộc PVN. Cơ quan Điều tra nhận thấy có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên OceanBank về khoản chi ngoài để sử dụng cá nhân, hưởng lợi bất chính.

Tuy nhiên, do số lượng khách hàng lớn, thời hạn điều tra đã hết nên cơ quan điều tra đang tiếp tục phân loại và đề nghị tách xử lý thành vụ án khác để đảm bảo tính khách quan, toàn diện, nghiêm minh của pháp luật. Đề nghị của Cơ quan Điều tra cho thấy khả năng việc Nguyễn Xuân Sơn chi tiền “chăm sóc khách hàng” giúp Hà Văn Thắm hoàn toàn là khả năng thực tế và danh sách người nhận tiền từ Nguyễn Xuân Sơn đến nay vẫn còn để ngỏ.

- Ngày 09/2/2012, theo chỉ đạo của Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Xuân Thắng nhận từ OceanBank số tiền 10 tỷ đồng, sau đó làm thủ tục mua đất đứng tên Đỗ Mạnh Hùng (con trai ông Đỗ Văn Hậu, nguyên Tổng Giám đốc PVN) hết 7,125 tỷ đồng.

- Ngày 30/8/2017, tại Tòa án, bị cáo Nguyễn Xuân Thắng khai nhận có ít nhất hai lần giúp Nguyễn Xuân Sơn mang tiền lên phòng làm việc của ông Ninh Văn Quỳnh, mỗi lần 5 tỷ đồng.

- Ngày 31/8/2017, khi được Tòa đặt câu hỏi về khoản tiền hàng trăm tỷ đồng chi cho Nguyễn Xuân Sơn để chăm sóc khách hàng, gây thiệt hại cho OceanBank, bị cáo Hà Văn Thắm trình bày: Việc này được Sơn và Thắm bàn bạc với nhau để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng. Đồng thời, bị cáo Thắm cho rằng, Nguyễn Xuân Sơn không chiếm đoạt số tiền này mà chủ yếu sử dụng để chăm sóc khách hàng. “Việc chi tiền cho anh Sơn thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho Ngân hàng” – bị cáo Thắm khẳng định.

Trường hợp Nguyễn Xuân Sơn, nếu bị Tòa buộc tội “Tham ô tài sản” do chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà Sơn đã nhận của OceanBank, thì sẽ khép lại vĩnh viễn khả năng truy cứu trách nhiệm của những người hưởng lợi bất chính từ OceanBank thông qua Sơn. Khi cáo buộc Nguyễn Xuân Sơn tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản” dựa trên suy đoán khả năng Sơn đã chiếm đoạt số tiền, liệu VKS có cân nhắc đến khả năng này và khả năng oan sai cho một con người?

Ai quản lý tiền của OceanBank?

Điều 278 Bộ luật Hình sự về tội “Tham ô tài sản” đòi hỏi chủ thể của tội danh này phải là người “lợi dụng chức vụ quyền hạn” và tài sản bị chiếm đoạt phải là “tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý”.

Như đã đề cập trong các số báo trước, Nguyễn Xuân Sơn được PNV cử sang giữ chức vụ Tổng Giám đốc OceanBank từ ngày 01/12/2008 đến ngày 27/12/2010. Thời gian Nguyễn Xuân Thắng và Nguyễn Việt Trung khai nhận tiền từ OceanBank để chuyển cho Sơn là từ tháng 1/2011 đến tháng 6/2014.

Thời gian này Sơn đã chuyển về làm Phó Tổng Giám đốc PVN, không còn chức vụ, quyền hạn gì ở OceanBank nữa. Vậy số tiền 246 tỷ đồng Hà Văn Thắm chuyển cho Nguyễn Xuân Sơn phải thuộc quyền quản lý của Thắm và OceanBank chứ không thể thuộc trách nhiệm quản lý của bị cáo Sơn.

Trên thực tế, Nguyễn Xuân Sơn nhận số tiền 246 tỷ đồng với tư cách cá nhân của mình và theo đề nghị của Hà Văn Thắm. Tại Tòa ngày 30/8/2017, Thắm khai: “Khi anh Sơn được bổ nhiệm Phó TGĐ PVN, bị cáo có nói đây là cơ hội tốt cho anh Sơn nhưng khi sang PVN đề nghị anh Sơn tiếp tục giúp chăm sóc khách hàng” và “Thời điểm về PVN, bị cáo vẫn coi anh Sơn như người của OceanBank. Anh Sơn cũng đảm bảo giúp trên tư cách cá nhân. Đấy là lý do sau khi không còn làm Tổng Giám đốc, là Phó Chủ tịch hay sau đó không làm Phó Chủ tịch nữa thì anh Sơn vẫn giúp OceanBank chăm sóc khách hàng”.

Như vậy, bị cáo Sơn không có chức vụ, quyền hạn ở OceanBank, nhưng có chức vụ, quyền hạn ở PVN. Giả sử Sơn có đề nghị chi “chăm sóc khách hàng” vì PVN và các công ty con của PVN là những khách hàng lớn và chịu ảnh hưởng của Sơn, rồi sau đó chiếm đoạt số tiền này, thì theo một luật sư quan tâm đến vụ án, hành vi của Sơn có dấu hiệu “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi”, “Chứ không thể là tham ô, vì chức vụ, quyền hạn của Sơn không liên quan gì đến trách nhiệm quản lý tài sản của OceanBank” – Luật sư này nhận định.

Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi không khẳng định mà chỉ đưa ra giả thiết về lý do tại sao trước khi vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần đầu tiên, trải qua gần hai năm điều tra và truy tố, các cơ quan tố tụng không cáo buộc Nguyễn Xuân sơn tội “Tham ô tài sản”. Phải chăng, theo như kiến giải ở trên, việc trước đây các cơ quan tố tụng không khởi tố và truy tố Nguyễn Xuân Sơn tội “Tham ô tài sản” là do không có căn cứ pháp lý rõ ràng?

Mặc dù sau khi Tòa sơ thẩm lần một ra Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, kết quả điều tra bổ sung không làm sáng tỏ được điều gì mới, nhưng các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, Hà Văn Thắm lại bị cáo buộc thêm tội danh “Tham ô tài sản”. Phải chăng, cáo buộc bổ sung này của các cơ quan tiến hành tố tụng mâu thuẫn với chính quan điểm của mình trước đó và ẩn chứa những điều bất thường?

Đọc thêm

Vụ án Ban quản trị chung cư Miếu Nổi “tham ô”, “lợi dụng chức vụ”: Tự ý tiêu xài nhiều tỉ đồng đóng góp của cư dân

Đối tượng Phương và Đại khi bị bắt. (Ảnh: Công an cung cấp)
(PLVN) - Cơ quan CSĐT Công an TP HCM vừa ban hành kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung vụ án xảy ra tại chung cư Miếu Nổi (quận Bình Thạnh). CQĐT đề nghị truy tố Phạm Phương, Đinh Việt Cường cùng về tội "Tham ô tài sản", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Phan Dương Đại, Lê Văn Bình, Nguyễn Phước Nguyên tội "Tham ô tài sản"; Tôn Ngọc Bạch, Nguyễn Thị Đào về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Tuyên án vụ Xuyên Việt Oil

Các bị cáo tại phiên xử. (Ảnh: Quỳnh Trần)
(PLVN) - Hôm qua (29/11), TAND TP HCM công bố bản án với cựu Bí thư tỉnh Bến Tre Lê Đức Thọ; cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải; Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh; cùng 12 bị cáo khác.

Đánh người suýt mất mạng, 4 thanh niên lĩnh 31 năm tù

Các bị cáo tại phiên tòa.
(PLVN) - Ngày 27/11, TAND tỉnh Kiên Giang đã tuyên phạt 4 bị cáo: Nguyễn Tấn Tường (21 tuổi), Trần Xuân Tuyến (23 tuổi), Trần Hữu Tèo (29 tuổi); Nguyễn Văn Khanh (23 tuổi), tổng cộng 31 năm tù về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án này là N.T.D (18 tuổi, ngụ TP Phú Quốc), hiện bị tổn thương cơ thể do các bị cáo gây ra là 44%.