'Đại án' NH Xây dựng Việt Nam: 9.000 tỷ đồng bị 'bốc hơi'” như thế nào?

Bị cáo đầu vụ Phạm Công Danh vẫn bình thản trước vành móng ngựa.
Bị cáo đầu vụ Phạm Công Danh vẫn bình thản trước vành móng ngựa.
(PLO) - Hôm qua (19/7), TAND TP HCM đã đưa “đại án” làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) ra xét xử. Phạm Công Danh cùng đồng phạm bị đưa ra xét xử về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng bị truy tố với Phạm Công Danh trong vụ án này còn có Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc); Mai Hữu Khương (33 tuổi, nguyên TV HĐQT, Hoàng Đình Quyết (33 tuổi, nguyên Giám đốc và Phó Giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn) với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho Danh. Ngoài ra, còn có 32 bị cáo khác nguyên là cán bộ VNCB và lãnh đạo, nhân viên nhiều công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và các công ty đối tác của VNCB cũng bị truy tố trước tòa.

Ngoài 36 bị cáo bị truy tố vì gây thiệt hại cho VNCB, còn có 158 cá nhân, tổ chức là người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng được triệu tập. Tuy nhiên, chỉ có 98/130 cá nhân, tổ chức có mặt để tham gia phần thủ tục. 45 luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan có mặt đầy đủ.

Bị cáo chủ mưu của vụ án là Phạm Công Danh tỏ ra thoải mái khi được dẫn giải tới tòa. Bị cáo Danh ngồi hàng ghế đầu tiên với vẻ mặt khá bình thản, nhưng khi được HĐXX gọi thẩm tra lý lịch, Danh trả lời chậm rãi và xin được trả lời từ từ vì đầu óc kém, không nhớ kịp. Nhiều bị cáo khi được gọi hỏi đến đã bật khóc, trả lời HĐXX trong tiếng nấc dài.

Theo cáo trạng được đại diện Viện kiểm sát công bố, trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT VNCB, Phạm Công Danh là Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh. Danh nhận tái cấu trúc lại Ngân hàng TrustBank và đổi tên thành VNCB. Sau khi được chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu, VNCB bị đặt vào tình trạng kiểm soát, mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên đều phải có ý kiến của Tổ giám sát - Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 

Tuy nhiên, với vai trò lãnh đạo cao nhất của VNCB, Danh nắm giữ và chi phối mọi hoạt động của ngân hàng này. Khoảng tháng 5/2013, Danh chỉ đạo Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và nhiều thuộc cấp khác tạo hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỷ đồng, nâng tỷ lệ mua sắm tài sản của ngân hàng vượt quá 50% vốn điều lệ, rút tiền trên 5 tỷ đồng mà không báo cáo Tổ giám sát.

Ngoài ra, Danh chỉ đạo cấp dưới, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh (quận 10, TP HCM) để chuyển 581 tỉ đồng từ VNCB trả cho các hợp đồng khống này để trả lãi cho các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và một số khoản nợ khác.

Sau đó, Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ phát hành 2.500 trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh và bán 900 trái phiếu (trị giá 900 tỉ) này cho 3 công ty từ nguồn tiền của VNCB rồi chuyển tiền cho Danh sử dụng. Ngoài ra, Phạm Công Danh còn rút 5.490 tỉ đồng từ tiền gửi của khách hàng vào VNCB mà không có chữ ký của khách hàng là bà Trần Ngọc Bích, gây thiệt hại cho VNCB. Tổng thiệt hại ở các hành vi trên của Phạm Công Danh là hơn 7.000 tỉ đồng.

Ngoài khoản thiệt hại trên, từ ngày 28/12/2012 đến 11/3/2014, do cần tiền trả nợ và sử dụng cá nhân, Danh chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và hai pháp nhân của công ty đối tác làm hồ sơ mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống; lập các biên bản họp HĐQT khống, định giá nâng giá các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất tại TP Đà Nẵng lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo vay 5.000 tỷ đồng của VNCB.

Danh chỉ đạo cho 15 nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh rút 4.700 tỷ đồng tiền vay để trả nợ. Số còn lại hơn 1.465 tỷ đồng Danh khai chi cho việc chăm sóc khách hàng nhưng không giải trình được cụ thể. Sau khi thẩm định lại giá trị hai lô đất mà Danh sử dụng để vay thế chấp 5.000 tỷ đồng và cấn trừ, VNCB xác định bị thiệt hại thêm khoảng hơn 2.000 tỷ. Như vậy, chỉ tính riêng trong vụ án này, Phạm Công Danh và các bị cáo đã gây ra thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng cho VNCB.

Dự kiến, phiên tòa sẽ được đưa ra xét xử kéo dài đến 18/8. Phiên tòa do Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM làm chủ tọa./.

Đọc thêm

Khởi tố 17 đối tượng dùng hung khí gây thương tích cho một thanh niên

Các bị can bị khởi tố, bắt tạm giam
(PLVN) - Ngày 24/11/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết, đơn vị vừa tống đạt các Quyết định Khởi tố vụ án, Khởi tố bị can và Lệnh bắt tạm giam đối với 9 bị can, đồng thời Cấm đi khỏi nơi cư trú 8 bị can để tiếp tục điều tra về tội "Cố ý gây thương tích".

Hành trình gây án kinh hoàng của nam sinh viên một ngày trộm 2 xe ô tô, gây sát thương 2 người

Đối tượng Ma Vũ Duy. (Ảnh: Công an TP Hà Nội).
(PLVN) -  Công an huyện Sóc Sơn vừa bắt giữ đối tượng Ma Vũ Duy (SN 2004, trú tại Thanh Thịnh, Chợ Mới, Bắc Kạn) để điều tra về hành vi giết người, cướp tài sản. Trong vòng chưa đầy 24 giờ, Duy đã gây ra hàng loạt hành vi phạm tội nghiêm trọng bao gồm: trộm 2 xe ô tô, đâm xe vào người đi đường và tấn công một cụ ông bằng xẻng dẫn đến tử vong.

Công an quận Thanh Xuân truy tìm Lại Thị Hằng

Công an quận Thanh Xuân truy tìm Lại Thị Hằng

(PLVN) -  Đối tượng Lại Thị Hằng (trú tại phường 2, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; quê quán: Thái Bình) bị tố giác có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nhận tiền chạy án treo nhưng không thực hiện.