“Đá tặc” băm nát vùng đệm Phong Nha - Kẻ Bàng

Chúng tôi hỏi: “Ở đây có biển cấm khai thác, sản xuất, vận chuyển đá, sao các anh vẫn làm được?...
Thế chính quyền địa phương không cấm à?”. Lương cười phá lên: “Cấm thì làm gì giờ này tôi có thể khai thác được?. Họ chỉ cấm đối với những người không “biết điều” với chính quyền thôi”.

Vùng đệm của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang bị “đá tặc” tấn công. Hệ thống núi đá vôi bao quanh Di sản thiên nhiên thế giới này đang ngày đêm bị “xẻ thịt” khiến người dân lo ngại.

Biển cấm: Có cho... vui

Theo phản ánh của người dân xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), các dãy núi đá vôi tạo thành vùng đệm bao bọc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (PNKB) đang bị “đá tặc” (các đối tượng khai thác đá trái phép) băm nát. “Đại công trường” khai thác đá trái phép nằm ở vùng Phôốc Mông, Da lợn, Eo Đá, Hung Nến của xã Phúc Trạch. Đây là vùng núi đá nằm gần sông Son, cách vùng lõi của Vường quốc gia PNKB không xa.

Từ thị tứ Troóc (trung tâm của xã Phúc Trạch) ngược vào phía Nam theo tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh đông chừng 1km thì gặp một con đường rẽ lên phía Tây. Ngay đầu đoạn đường rẽ có cắm một tấm biển ghi “Nghiêm cấm khai thác, sản xuất vật liệu đá, nghiêm cấm các loại phương tiện ra vào vận chuyển đá”. Tuy nhiên, cũng trên con đường này, chúng tôi tận mắt thấy từng đoàn xe tải tấp nập ra vào để... chở đá!

Từ tấm biển cấm nói trên đi sâu vào chừng 2 km, chúng tôi gặp những mỏ đá đầu tiên. Hướng mắt lên các dãy núi đá cao chất ngất, một thảm cảnh hiện ra: Những sườn núi đá trở nên nham nhở do bị róc “thịt”. Tiếng máy xay đá vang vọng cả một vùng núi rộng lớn, đinh tai nhức ốc. Đếm qua, sơ sơ trong khu vực này có tới hơn 30 điểm khai thác đá. Chỗ thì đập đá để bốc đá hộc, chỗ thì máy xay đá chạy rầm rầm để làm đá dăm, đá đổ bê tông...

Mỏ đá đang ầm ầm hoạt động.
Mỏ đá đang ầm ầm hoạt động.

Chính quyền có bị “qua mặt”?

Trong vai người cần mua đá với khối lượng lớn để xây dựng công trình chống xói lở ở sông Son, chúng tôi đã tiếp cận một chủ mỏ đá tự xưng tên Lương.

Lương vồn vã cho biết: “Đá ở đây chất lượng có tiếng. Cung đường vận chuyển cũng gần và thuận tiện. Các anh cứ xem đi, giá một khối đá hộc chưa tính công bốc lên xe là 90.000 đồng, còn đá xay 160.000 đồng”.

Ông B. (một người dân ở thôn Hà Lốt, xã Phúc Trạch) cho biết, tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần phản ánh bức xúc về nạn khai thác đá trái phép tại địa phương nhưng mọi chuyện cứ rơi vào im lặng. Mong muốn của người dân là đóng cửa ngay các mỏ khai thác đá để người dân không phải nơm nớp lo sợ đá văng trúng người mỗi khi mìn nổ tại các mỏ, để đường xá dân sinh không bị băm nát do xe tải vào ra chở đá, để người đi đường khỏi khiếp sợ trước những “hung thần xe tải”.

Ông Trương Văn Xá (Trưởng thôn Hà Lốt) cho biết: “Các anh cứ nhìn con đường vào thôn mới hoàn thành được 2 năm mà giờ bị xuống cấp nghiêm trọng như vậy thì biết lưu lượng xe tải ra vào chở đá ở đây là như thế nào rồi. Vấn đề an toàn lao động ở vùng khai thác đá cũng không được đảm bảo, đã có mấy vụ tai nạn chết người rồi”.

Khi chúng tôi hỏi: “Ở đây có biển cấm khai thác, sản xuất, vận chuyển đá, sao các anh vẫn làm được?. Hay các anh được chính quyền cấp phép riêng?”. Lương cười nhạt: “Chính quyền làm gì dám cho phép riêng”.

“Thế chính quyền địa phương không cấm à?”- chúng tôi hỏi lại. Lương cười phá lên: “Cấm thì làm gì giờ này tôi có thể khai thác được? Họ chỉ cấm đối với những người không “biết điều” với chính quyền thôi”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ các điểm khai thác đá ở khu vực vùng đệm này gồm cả người địa phương và người từ nơi khác đến. Mỗi điểm khai thác có 10 lao động trở lên, bình quân mỗi ngày khai thác khoảng 10m3 đá các loại. Cũng theo Lương thì một điểm khai thác có năng suất cao hơn thế nhiều lần nhưng các chủ mỏ không dám nổ mìn nhiều vì trước đó họ đã được “quán triệt”.

Trên đường vào trụ sở xã Phúc Trạch để làm việc với lãnh đạo xã, tình cờ chúng tôi gặp K., chủ một cây xăng ở thị tứ Troóc. Biết chúng tôi muốn “chạy” để xin mở mỏ đá tại đây, ông này cười bảo: “Các anh đi đúng hướng rồi đấy. Nếu “qua mặt” chính quyền thì các anh làm không quá vài ngày sẽ bị xử phạt và bị trục xuất ra ngay”.

Ông K. còn tận tâm bày vẽ cho chúng tôi về việc trong các lãnh đạo xã, người nào “quyết” được việc cho chúng tôi mở mỏ đá!?

Ai bảo vệ vùng đệm?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hiền - Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch thừa nhận về tình trạng khai thác đá trái phép đã và đang diễn ra tại địa phương trong nhiều năm nay.

“Vừa qua, xã cũng có gọi 7 chủ mỏ lên kiểm điểm, xử lý vi phạm hành chính (mỗi trường hợp bị phạt khoảng 500.000 đồng - PV) và yêu cầu họ chấm dứt khai thác đá không phép, nhưng họ không dừng” - ông Hiền giãi bày.

Ông Hiền cũng thừa nhận đã có nhiều người chết vì nạn khai thác đá trái phép. Chẳng hạn, năm 2007, một người đàn ông 41 tuổi chết do bị đá đè; năm 2009, một người đàn ông 35 tuổi cũng tử vong do đá lăn.

“Ban quản lý Vườn quốc gia PNKB có biết những chuyện này không?” - phóng viên hỏi. Ông Hiền trả lời: “Chính quyền xã đã báo cáo với huyện rồi, còn với Vườn thì không biết thế nào, tôi nghĩ Vườn chưa vào kiểm tra đâu”.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Huyên - Phó Giám đốc Vườn quốc gia PNKB khẳng định: “Vùng đệm là vùng bảo vệ bên ngoài vùng lõi. Muốn bảo vệ tốt tính nguyên vẹn của vùng lõi thì phải bảo vệ vùng đệm”.

Tuy vậy, ông Huyên lại “né” trách nhiệm bằng cách nói: Theo quy định, trách nhiệm bảo vệ vùng đệm hoàn toàn thuộc về chính quyền địa phương! “Vườn không thể cử người ra cấm dân khai thác mỏ đá được” - ông Huyên giải thích thêm.

Thành Quảng

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.