Quyết định phạt theo quy định tại Điểm a, khoản 5, Điều 59 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tình tiết tăng nặng, Công ty TNHH trang trí nội thất & quảng cáo Sài Gòn DAD (trụ sở tại đường Tôn Thất Đạm, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa chấp hành, Quyết định số 6008/QĐ-XPVPHC ngày 31/12/2019 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, với số tiền xử phạt 150 triệu đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả, Công ty TNHH trang trí nội thất & quảng cáo Sài Gòn DAD đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, doanh nghiệp này phải nộp khoản lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề, tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Nếu doanh nghiệp không thực hiện thì theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp này để nộp số tiền chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt 0,3% năm vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với hành vi vi phạm.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng được giao theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt Công ty TNHH trang trí nội thất & quảng cáo Sài Gòn DAD.
Trường hợp quá thời hạn quy định mà doanh nghiệp này không chấp hành quyết định xử phạt thì tham mưu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cưỡng chế theo quy định pháp luật.
Tính đến hết tháng 9/2022, Bảo hiểm TP Đà Nẵng đã phối hợp với Công an Đà Nẵng tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng và kiểm tra việc thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tại 14 đơn vị sử dụng lao động.
Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng và Bảo hiểm xã hội của 6 quận, huyện đã phối hợp với các ngành liên quan mời 233 đơn vị đến cơ quan Bảo hiểm xã hội để làm việc về việc chậm đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.
Kết quả, có 166 đơn vị tham dự làm việc, số tiền thu được là 10,2 tỷ đồng (chiếm 45,07% trên tổng số tiền chậm đóng của những đơn vị này).
Theo Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng, hiện tình hình chậm đóng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tại thành phố này vẫn còn diễn biến phức tạp, với số tiền chậm đóng từ 3 tháng trở lên khoảng trên 100 tỷ đồng.