Những trường hợp phải sơ tán là người dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà không kiến cố, nhà tạm. Đà Nẵng ưu tiên sơ tán tại chỗ, đến các nhà kiên cố, an toàn, gần nhất trong khu vực. Sơ tán tập trung tại các địa điểm đã được quận, huyện lựa chọn và được Sở Xây dựng thẩm định. Việc sơ tán được hoàn thành trước trưa nay 14/11.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng, hoàn thành trước 15h ngày 14/11.
Kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết.
Về tàu thuyền, tổng số phương tiện đang neo đậu là 1.240 tàu/7.413 lao động, số phương tiện đang hoạt động trên biển là 2 tàu/17 lao động khu vực biển Vũng Tàu, nằm ngoài khu vực nguy hiểm. Tại cảng cá Âu thuyền Thọ Quang, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn tổ chức tuyên truyền nhắc nhở các tàu thuyền neo đậu tranh bão đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Các quận ven biển đã tính tới kịch bản nước biển dâng và sóng ven biển do bão khi tổ chức công tác sơ tán nhân dân sống tại khu vực ven biển để bảo đảm an toàn. Có biện pháp đảm bảo an toàn cho những nơi tránh trú và có phương án đảm bảo hậu cần tại chỗ trong trường hợp người dân phải ở lại dài ngày.
Trước đó, chiều 13/11, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định thành lập Ban Chỉ huy tiền phương TP Đà Nẵng ứng phó với cơn bão số 11 (bão Vamco) do Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – ông Hồ Kỳ Minh làm trưởng Ban chỉ huy.
Ban chỉ huy có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 13; Chỉ huy phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 13 và các sự cố tìm kiếm cứu nạn xảy ra trong bão trên địa bàn TP Đà Nẵng.