Hoạt động làm sạch bãi biển là dịp nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen của người dân trong việc bỏ chất thải nhựa ra môi trường biển cũng như thúc đẩy sự phối hợp của các cấp các ngành trong hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho công tác kiểm soát, quản lý rác thải biển nói chung và rác thải nhựa nói riêng.
Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước cần tích cực phối hợp, tham gia với ngành tài nguyên và môi trường trong việc thực hiện thường xuyên, có hiệu quả các chiến dịch làm sạch bãi biển nhằm gìn giữ môi trường biển cho chính chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau.
Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, hiện rác thải nhựa trên biển đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường biển quốc tế nói chung và môi trường biển Việt Nam nói riêng. Để giảm thiểu và ngăn ngừa những tác động tiêu cực từ chất thải nhựa trên biển hiện nay, thế giới và Việt Nam có nhiều nỗ lực mang tính pháp lý đến những hoạt động, dự án cụ thể.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ Đại hội đồng GEF6 diễn ra tại Đà Nẵng |
Đà Nẵng, tuy được biết đến với những danh hiệu như “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, “Một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2015” luôn hấp dẫn du khách… nhưng vẻ đẹp ấy đang bị đe dọa bởi sự gia tăng của các loại rác, đặc biệt rác thải nhựa trên biển.
Còn theo Giám đốc điều hành UN Habitat - Bà Maimunah Mohd Sharif, ô nhiễm đại dương hay ô nhiễm biển là một trong những vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu hiện nay. Thống kê tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, hàng năm có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương, trong khi đó, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển. Liên Hợp Quốc đã đặt mục tiêu phát triển bền vững thứ 14 về “Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và các nguồn tài nguyên biển cho phát triển bền vững”, trong đó chỉ tiêu 14.1 đặt ra đến năm 2025, ngăn chặn và làm giảm đáng kể tất cả các loại ô nhiễm biển, đặc biệt là ô nhiễm từ các hoạt động trên đất liền…
Với 20% GDP của Việt Nam phụ thuộc vào tài nguyên biển, Việt Nam cần tiến hành các bước cần thiết để bảo vệ và phục hồi đại dương và vùng bờ. Hơn 80% chất thải thải ra biển xuất phát từ các hoạt động trên đất liền, và hiện rác thải nhựa trên biển đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường biển quốc tế nói chung và môi trường biển Việt Nam nói riêng. Để giảm thiểu và ngăn ngừa những tác động tiêu cực từ chất thải nhựa trên biển hiện nay, thế giới và Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực mang tính pháp lý đến những hoạt động, dự án cụ thể.