Đà Nẵng điểm sáng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, Đà Nẵng là một trong năm thành phố lớn trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên. Với nhiều lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và hạ tầng kỹ thuật, Đà Nẵng được xem là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, Đà Nẵng là một trong năm thành phố lớn trực thuộc Trung ương, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên. Với nhiều lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và hạ tầng kỹ thuật, Đà Nẵng được xem là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Mô tả ảnh.
Mỹ Khê - một trong sáu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh (Tạp chí Forbes bình chọn)

Từ ngày 1-1-1997, thành phố Đà Nẵng tiếp nhận và quản lý 43 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư 427,844 triệu USD. Từ đó đến nay, dù bị ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính của khu vực và thế giới nhưng số lượng dự án, vốn đầu tư đều tăng dần qua các năm, nhất là từ năm 2005 trở đi. Lũy kế đến ngày 15-8-2010, tại thành phố Đà Nẵng có 179 dự án FDI được cấp phép còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư khoảng 2,815 tỷ USD. Trong đó, có 142 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 2,392 tỷ USD (chiếm 84,83% tổng số dự án); 35 doanh nghiệp liên doanh với tổng vốn đầu tư khoảng 419 triệu USD (chiếm 15,05% tổng số dự án); còn lại là doanh nghiệp hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Các dự án FDI tại thành phố Đà Nẵng chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: bất động sản (29 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2,06 tỷ USD, chiếm 73,18% tổng vốn đầu tư), công nghiệp chế biến, chế tạo (63 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 393 triệu USD, chiếm 13,96% tổng vốn đầu tư), dệt may và da giày (15 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 98,79 triệu USD, chiếm 3,5% tổng vốn đầu tư), còn lại là các ngành khác như dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghệ thông tin, bán buôn, bán lẻ, du lịch, giáo dục, tài chính, vui chơi giải trí…

Nếu tính theo cơ cấu kinh tế của thành phố thì có 80 dự án thuộc ngành dịch vụ, 91 dự án thuộc ngành công nghiệp, 8 dự án thuộc ngành nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 78,22% : 21,22% : 0,57%. Hiện có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, trong đó có British Islands (18 dự án, chiếm tỷ trọng 38,13% tổng vốn đầu tư), Hàn Quốc (22 dự án, chiếm tỷ trọng 22,62% tổng vốn đầu tư), Hoa Kỳ (17 dự án, chiếm tỷ trọng 8,72% tổng vốn đầu tư), Nhật Bản (37 dự án, chiếm tỷ trọng 6,35% tổng vốn đầu tư)...

Những năm qua, nguồn vốn FDI đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, thực hiện chiến lược hướng về xuất khẩu, nâng cao chất lượng đầu tư phát triển, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm mới, duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đóng góp ngày càng tăng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành phố Đà Nẵng.

Các doanh nghiệp FDI góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động tại thành phố, nâng cao trình độ và tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận với công nghệ kỹ thuật, hình thành tác phong làm việc công nghiệp và có kỷ luật cho người lao động. Đội ngũ cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp FDI tại thành phố có điều kiện tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm quản lý, phong cách làm việc khoa học và hiệu quả của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần đáng kể vào việc sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên của thành phố, đặc biệt là tài nguyên du lịch với hàng loạt các dự án FDI về du lịch ven biển có các thương hiệu hàng đầu trên thế giới như Hyatt, Raffles…

Các dự án FDI có tác động tích cực đến quá trình chuyển đổi tư duy kinh tế của các doanh nghiệp trong nước, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước tự điều chỉnh, bổ sung, đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tuy vậy, bức tranh tổng thể về thu hút FDI của Đà Nẵng không phải tất cả đều là màu sáng. Các dự án FDI tại Đà Nẵng tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực có khả năng thu lợi nhuận, thu hồi vốn nhanh, dễ khai thác thị trường nội địa nhưng giá trị đóng góp vào nền kinh tế của thành phố không cao, ít tạo ra giá trị gia tăng (lĩnh vực bất động sản), những lĩnh vực đầu tư có số lượng lao động lớn nhưng công nghệ đơn giản (lĩnh vực dệt may, da giày, sản xuất đồ chơi)...

Mô tả ảnh.
Đà Nẵng - điểm hẹn mùa hè. Ảnh: NGỌC HỢI

Số dự án đầu tư vào những ngành công nghệ cao còn ít. Phần lớn các dự án FDI trong ngành công nghiệp tại Đà Nẵng do các nhà đầu tư đến từ khu vực châu Á, chưa thu hút được các dự án của các tập đoàn kinh tế mạnh, các công ty xuyên quốc gia và từ các nền kinh tế phát triển. Vốn thực hiện của các doanh nghiệp FDI phần lớn đều ở mức thấp, một số dự án đã được giao đất nhưng chủ đầu tư chưa triển khai, trong khi quỹ đất của thành phố dành cho các dự án trong lĩnh vực du lịch ngày càng thu hẹp.

Các tiện ích hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh sống của nhà đầu tư chưa được đáp ứng đầy đủ (điện, phương tiện vận chuyển công cộng...); thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ; thiếu lao động lành nghề, trình độ cao, có khả năng ngoại ngữ tốt. Các kênh thông tin điện tử chính thức của các cơ quan, ban, ngành vẫn chưa được cập nhật thường xuyên. Nhà đầu tư vẫn chưa tiếp cận đầy đủ các thông tin cụ thể về các chính sách, quy định pháp luật Việt Nam.

Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để tạo nguồn vốn cho đầu tư phát triển là một trong những chủ trương lớn được chính quyền thành phố Đà Nẵng hết sức quan tâm. Bên cạnh những chính sách mới của Chính phủ, trong thời gian đến, Đà Nẵng cần triển khai thực hiện nhiều hơn các biện pháp tích cực để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh tại thành phố theo hướng thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho nhà đầu tư với những vấn đề cần lưu ý là:

Để tạo nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển, thành phố Đà Nẵng cần chú trọng các vấn đề trang bị kiến thức, đào tạo kỹ năng lành nghề cho người lao động, đặc biệt là chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ một số ngành công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao; thực hiện khảo sát nghiêm túc, có chất lượng nhằm đánh giá đúng nhu cầu đào tạo nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; khuyến khích tăng cường đầu tư vào lĩnh vực đào tạo nghề; tiếp tục thực hiện tốt các chương trình khuyến khích nhằm thu hút giáo viên và giảng viên dạy cho các trường và cơ sở dạy nghề, các cơ sở giáo dục tại thành phố; có cơ chế đối thoại giữa chủ và đại diện công nhân để giải quyết hợp lý các cuộc đình công và xây dựng mối quan hệ lao động tuân thủ theo các quy định của pháp luật về sử dụng lao động.

Tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương trong việc mở thêm các tuyến bay quốc tế trực tiếp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển cho du khách và nhà đầu tư; ưu tiên bố trí vốn đầu tư để hoàn thành các công trình trọng điểm đang triển khai của thành phố và xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, xây mới cảng Liên Chiểu để phục vụ cho tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây nhằm từng bước phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm của miền Trung – Tây Nguyên; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông qua đa dạng hóa nguồn vốn huy động; tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp công nghệ thông tin.

Thành phố cần tăng cường hơn nữa việc công bố các thông tin về quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu, cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của các ngành có liên quan. Các thông tin về các thủ tục hành chính cần được niêm yết công khai tại bộ phận “một cửa” nơi tiếp nhận và trao trả hồ sơ, đồng thời trên các website của các sở, ngành đều công bố các thủ tục hành chính, mẫu biểu chuẩn để nhà đầu tư có thể chép, điền các thông tin theo yêu cầu mà không cần phải đến liên hệ tại bộ phận “một cửa”.

" Đà Nẵng có rất nhiều tiềm năng để hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức của Anh, nhất là trong lĩnh vực tài chính, giáo dục, công nghệ thông tin "

(Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh tại Việt Nam Mark Kent phát biểu trong buổi làm việc với Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh ngày 26-8-2009)

Lãnh đạo thành phố đồng hành cùng nhà đầu tư, định kỳ tổ chức đối thoại 6 tháng hoặc 12 tháng một lần nhằm lắng nghe, trao đổi ý kiến, qua đó xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư. Cần xây dựng hệ thống thông tin về đất đai; xác lập và công bố các chỉ tiêu cần khống chế như diện tích cây xanh, rừng phòng hộ, công ích... Đối với các doanh nghiệp FDI không triển khai dự án theo tiến độ thì tạo điều kiện cho chuyển nhượng lại dự án cho nhà đầu tư mới hoặc thu hồi diện tích đất. Thành phố tập trung nhiều hơn về quy hoạch đô thị và chú ý phát triển các mảng xanh đô thị. Trong khâu duyệt thiết kế các dự án lớn đòi hỏi nhà đầu tư phải dành một tỷ lệ khoảng 20-30% để trồng cây xanh.

" Tôi cho rằng các nhà đầu tư Singapore đã chậm chân trong việc đầu tư vào Đà Nẵng, và đã đến lúc chúng tôi phải nhanh chóng khắc phục bằng cách đầu tư mạnh mẽ vào thành phố năng động và giàu tiềm năng này. Chúng tôi phấn đấu thực hiện ý tưởng mỗi năm có ít nhất một dự án triển khai tại Đà Nẵng "

(Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam Simong Wong nhận định khi gặp gỡ Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Minh ngày 23-8-2010)

Đẩy mạnh việc liên kết với các tỉnh lân cận vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên nhằm bảo đảm ổn định về môi trường (khí hậu, nước…), lao động, giao thông liên lạc; khuyến khích các doanh nghiệp trong vùng liên kết với nhau nhằm nâng cao năng lực, tạo ra sản phẩm cạnh tranh tổng hợp. Chương trình hành động, mục tiêu cụ thể hỗ trợ nhà đầu tư cần được xây dựng trên cơ sở đề xuất của liên minh, hợp tác giữa nhà đầu tư với các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp tại thành phố. Hỗ trợ cho các nhà đầu tư mở rộng và sử dụng, tiêu thụ hàng hóa, đầu tư xây dựng kho tàng, cơ sở kinh doanh thương mại phục vụ nhu cầu nội địa và trong khu vực. Triển khai có hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư bao gồm: tìm kiếm thông tin kinh doanh, tư vấn về thông tin pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh và đào tạo.

Bên cạnh đó, tích cực nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa liên thông” tiến đến mô hình “một cửa điện tử” bằng cách tăng cường đào tạo cho cán bộ, công chức nâng cao kiến thức và kỹ năng làm việc (quan trọng là người hướng dẫn cho nhà đầu tư thủ tục trực tiếp, qua điện thoại hay email...). Tiếp tục rà soát, đề xuất cắt giảm thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ, kết quả rà soát được niêm yết công khai, cập nhật thường xuyên để nhà đầu tư được biết. Hiện đại hóa các giao dịch hành chính theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương thức quản lý, điều hành. Giảm thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước về kê khai thuế, khai báo hải quan, thanh tra liên ngành.

" Các doanh nghiệp Hàn Quốc hài lòng về việc thành phố Đà Nẵng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Đà Nẵng còn khá thấp so với  tiềm năng và lợi thế phát triển của thành phố ”

(Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam Park Suk Hwan phát biểu trong cuộc gặp gỡ Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh chiều 10-8-2010)

Đặc biệt, các cơ quan có hoạt động liên quan đến ngành xúc tiến, quản lý đầu tư cần tham mưu cho lãnh đạo thành phố các kế hoạch, chính sách thu hút đầu tư ngắn hạn, dài hạn phù hợp và mang tính chiến lược (thu hút nguồn vốn “sạch”, chọn lọc nhà đầu tư và sử dụng hiệu quả vốn FDI, kiểm soát các dự án tốt hơn, khả năng giữ lại lợi nhuận từ việc đầu tư của dự án tại địa phương); liên kết và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch; quảng bá thông tin, thu hút FDI và đầu tư trong nước vào các lĩnh vực dịch vụ - du lịch cao cấp, công nghiệp phụ trợ không gây ô nhiễm; chú trọng loại hình đầu tư thuộc lĩnh vực cảng biển, giáo dục, y tế, tài chính, công nghệ cao.

Là một đô thị trẻ, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong tổ chức thực hiện, hy vọng rằng, thành phố Đà Nẵng sẽ chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, khó khăn, sẽ trở thành điểm sáng của cả nước về thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn FDI, góp phần xây dựng và phát triển thành phố theo hướng văn minh, hiện đại, bền vững như tinh thần dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố đề ra.

PHAN VĂN TÂM

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.