Qua 5 đêm công diễn tại Nhà hát Trưng Vương (từ 22 đến 26-6-2010), Liên hoan Ca múa nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2010 đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem, bởi những sắc màu đa dạng của văn hóa dân tộc các vùng miền của đất nước Việt Nam mà họ đã thể hiện.
Một tiết mục trong đêm công diễn. |
Mỗi chương trình dự thi của các đoàn đều mang đến một sắc màu văn hóa dân gian các dân tộc Việt Nam. Với sự dàn dựng công phu, chăm chút từng tiết mục từ nội dung, diễn viên, cho đến trang phục, hóa trang, tập thể giáo viên và học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật (VHNT) trên cả nước đã có dịp trình diễn, giới thiệu trên sân khấu liên hoan những tiết mục đặc sắc của trường mình, mang đậm chất văn hóa dân gian đến với khán giả toàn quốc.
Chương trình của các trường Cao đẳng VHNT Việt Bắc, Tây Bắc mang đậm chất văn hóa vùng quê Việt Bắc, Tây Bắc với tiếng khèn, tiếng sáo, điệu múa xòe của người dân tộc Mông. Trường Cao đẳng VHNT Thái Bình mang đến liên hoan chương trình “Mái trường quê lúa hát chèo” với những trích đoạn sân khấu chèo nổi tiếng như: “Thị Mầu lên chùa”, “Lý trưởng Mẹ Mõ” trong vở “Quan Âm thị Kính”.
Trường Cao đẳng Múa Việt Nam với các tiết mục chọn lọc rất hay và đặc sắc như “Huyền thoại và tiếng đàn” (âm nhạc: Phạm Tịnh, biên đạo: Quỳnh Lan), “Nguyệt cô hóa cáo” (âm nhạc: Quang Vinh, biên đạo: NSƯT Văn Quang)… Trường VHNT Đà Nẵng với dàn diễn viên múa trẻ đẹp, mang đến liên hoan chút hồn sâu lắng, chút duyên thầm lặng trong vở múa “Chút duyên thầm Đà Nẵng” (âm nhạc: Thanh Hải, biên đạo: Hữu Từ), gửi gắm những nét duyên dáng, sâu lắng, mặn mà của người dân Đà Nẵng nhạy cảm, sâu sắc mà tinh tế, kết hợp với điệu hò bả trạo Chào Bình yên, Liên khúc dân ca Khu 5 thể hiện sự nồng nhiệt, mến khách vốn có của người Đà Nẵng.
Trường VHNT và DL Huế, Học viện Âm nhạc Huế mang đến liên hoan nhiều nhạc cụ dân tộc như: sáo trúc, đàn tranh, đàn bầu, đàn thập lục,… và điệu hát Chầu văn thắm đượm hồn người xứ Huế, Trường VHNT Bạc Liêu mang đến vở kịch đậm chất dân gian Khơ-me. Trường Sân khấu – điện ảnh TP. Hồ Chí Minh mang đến trích đoạn cải lương hay “Bến nước Ngũ Bồ” kể về tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm của cha con người lái đò bên bến nước Ngũ Bồ, gây xúc động thật sự cho người xem, với sự diễn xuất chân thật, biểu cảm của các diễn viên không chuyên…
Sự góp mặt của những làn điệu dân ca của các dân tộc, các tỉnh thành trên cả nước từ vùng cao như Việt Bắc, Tây Bắc cho đến hò bả trạo, dân ca Khu 5 (Quảng Nam - Đà Nẵng), dân ca Huế, dân ca Nam Bộ, dân ca Pakô, dân ca Bình Trị Thiên, múa xòe dân tộc Mông, múa “Vào mùa” của các dân tộc Tây Nguyên, vũ điệu dân tộc Khơ-mú, hát chầu văn (Huế), hát xẩm (Hà Nội), dân ca đồng bằng Bắc bộ, hát cải lương (Nam Bộ), đàn ca tài tử, múa dân gian Khơ-me,... là một bản hòa ca đa sắc màu của văn hóa dân tộc Việt Nam. Liên hoan còn là sự trình diễn đa dạng các loại hình văn hóa các dân tộc, vùng miền qua sự thể hiện phong phú của trang phục như áo dài của người Kinh, váy xòe của người vùng cao như dân tộc Thái, Mông…, trang phục thổ cẩm của người Tây Bắc, nét duyên dáng của phụ nữ Kinh Bắc với áo tứ thân, khăn mỏ quạ, quần lĩnh đen…
Trong đêm kết thúc liên hoan 27-6-2010, Ban tổ chức đã trao 46 huy chương vàng, 63 huy chương bạc, 22 huy chương đồng cho các tiết mục tham gia liên hoan. Trường VHNT Đà Nẵng đoạt 5 huy chương gồm: 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng cho các tiết mục tham gia liên hoan.
Liên hoan Ca múa nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2010 đã khép lại, nhưng bản hòa ca đa sắc màu văn hóa của các dân tộc Việt Nam với những màn biểu diễn sống động trong từng làn điệu dân ca, điệu múa ngọt ngào... vẫn lắng đọng lại trong lòng người xem.
Nguyễn Hữu Hồng Sơn