Các nhà khoa học Anh đã nghiên cứu thành công và lai tạo ra được những cá thể muỗi đực không có khả năng sinh sản do bị biến đổi gen. Những sinh vật này sẽ được thả vào môi trường tự nhiên và đây chính là phương pháp diệt muỗi sinh học khá hiệu quả.
Các nhà khoa học cho biết khi những cá thể muỗi đực vô sinh này được thả về tự nhiên chúng sẽ tìm kiếm những con muỗi cái để giao phối. Mặc dù vẫn có khả năng giao phối nhưng ấu trùng trứng được sinh ra giữa muỗi đực biến đổi gen và muỗi cái hoang dã sẽ chết trước khi nở.
Phương pháp này được xem là cách diệt muỗi sinh học, không gây hại đến môi trường, hiệu quả hơn phương pháp phun hóa chất truyền thống.
Các chuyên gia khoa học cho biết nếu thả 3 triệu con muỗi đực đã biến đổi gen, vô sinh vào một khu vực nhất định sẽ góp phần tiêu diệt được 80 %“dân số muỗi” tại vùng đó trong vòng 6 tháng.
Hiệu quả về lâu về dài sẽ rất cao. Nếu được áp dụng phổ biến thì đây sẽ được xem là một trong những nỗ lực hiệu quả nhằm ngăn chặn dịch sốt xuất huyết trên toàn thế giới.
Phương pháp này đã được các nhà khoa học Anh đang nghiên cứu tại công ty Oxitec thực hiện. Những thí nghiệm ban đầu đã được tiến hành tại một trung tâm của công ty với tên gọi Đơn vị kiểm soát và nghiên cứu muỗi (Mosquito Research and Control Unit - MRCU) có trụ sở nằm trên quần đảo Cayman ở Caribbean.
Luke Alphey – nhà khoa học hàng đầu của Oxitec, đồng tác giả của phương pháp diệt muỗi sinh học trên cho biết ý tưởng của nghiên cứu dựa trên hoạt động giao phối của loài muỗi.
Một trong những loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do loài muỗi gây là bệnh sốt xuất huyết. Bệnh này ban đầu thường gây ra cho nạn nhân những triệu chứng giống như cảm cúm, có thể dẫn đến tử vong. Sốt xuất huyết có thể lan truyền thông qua vết đốt của muỗi.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) dự đoán rằng mỗi năm có khoảng 50 triệu trường hợp người mắc sốt xuất huyết, trong số này có 25.000 trường hợp tử vong. Khoảng 2,5 tỷ người (tương đương 2/3 dân số thế giới) có nguy cơ mắc sốt xuất huyết do muỗi đốt. Nơi bị dịch sốt xuất huyết đe dọa nhiều nhất là Đông Nam châu Á và phần lớn châu Phi.
Theo Bình Nguyên
VTCnews