Hàng loạt cán bộ ngành Nông nghiệp xộ khám
Theo tài liệu truy tố, trong thời gian giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) và Tổng giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) (từ cuối năm 2005 đến đầu 2014), Phan Minh Nguyệt (SN 1962) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo Nguyễn Thị Huyền Hảo (SN 1977) – cựu Kế toán Hadico cùng một số bị cáo trong vụ án phá dỡ dãy nhà kho tại Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm để xây 114 gian nhà cùng 14 gian ki-ot và cho thuê trái phép, vi phạm quy định của Luật Đất đai và Luật Xây dựng. Tổng số tiền gây thiệt hại hơn 47 tỉ đồng.
Số tiền thu về, có hơn 25,2 tỉ đồng hạch toán vào sổ sách tài chính kế toán. Số tiền còn lại được bị cáo Nguyệt đã chỉ đạo cho Xí nghiệp Vườn quả sử dụng 4,1 tỉ đồng trả vốn vay Công ty Hadico, còn 17,7 tỉ đồng bị cáo Nguyệt sử dụng vào mục đích cá nhân. Khi Cơ quan điều tra tiến hành điều tra xác minh, bị cáo Nguyệt và gia đình đã tự nguyện nộp 17,7 tỉ đồng, Xí nghiệp Vườn quả đã nộp 4,1 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Hadico để khắc phục hậu quả.
Bên cạnh đó, Phan Minh Nguyệt còn chỉ đạo Nguyễn Thị Huyền Hảo thu 2,3 tỉ đồng trái phép trong việc cho 7 người thuê nhà ở Xí nghiệp Thanh Trì. Quá trình giữ chức Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Hadico, bị cáo Nguyệt còn yêu cầu các đơn vị thành viên tiết kiệm chi phí trong triển khai một số dự án và nộp về “công ty mẹ” hơn 2,3 tỉ đồng để chi tiêu không đúng nguyên tắc.
Tổng cộng, ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bị cáo cựu PGĐ Sở NN&PTNT Hà Nội và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Hadico hơn 51,4 tỉ đồng. Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, chỉ riêng gia đình bị cáo Nguyệt đã khắc phục hơn 19,5 tỉ đồng.
Về hành vi tham ô tài sản, cáo trạng xác định trong thời gian giữ chức Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Hadico, Phan Minh Nguyệt đã chỉ đạo Nguyễn Thị Huyền Hảo, giám đốc một số xí nghiệp thành viên và nhân viên lập khống, hợp thức chứng từ rút tiền từ nguồn vốn phục vụ sản xuất, bình ổn giá để chiếm đoạt hơn 40 tỉ đồng.
Tính đến thời điểm khởi tố bị can, các bị cáo còn chiếm đoạt 14,9 tỉ đồng. Và ngay sau khi bị đề cập xử lý hình sự ở vụ án này, người thân của nguyên PGĐ Sở NN&PTNT Hà Nội đã khắc phục hậu quả thay bị cáo toàn bộ số tiền tham ô.
Liên quan vụ án trên còn có bị cáo Đỗ Văn Hảo (SN 1955) – cựu Phó tổng giám đốc Hadico; Đặng Thị Thanh Tâm (SN 1962) – cựu Giám đốc Chi nhánh Hadico và Dương Thị Chinh (1963) – cựu Kế toán trưởng Chi nhánh Hadico cùng bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng Nguyễn Trọng Hùng (SN 1982) – cựu Giám đốc Chi nhánh Hadico bị đưa ra xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cựu phó giám đốc sở Nông nghiệp nói gì trước tòa
Quá trình xét hỏi tại tòa, bị cáo Nguyệt mong muốn HĐXX xem xét lại hành vi và tội danh Tham ô. Theo bị cáo, nội dung truy tố như cáo trạng là không chính xác. Cựu phó GĐ sở Nông nghiệp Hà Nội nói chưa bao giờ bảo ai đưa tiền cho bị cáo và cho rằng các khoản thu chi là hoạt động bình thường của doanh nghiệp.
Bị cáo Nguyệt biện hộ đối với đơn vị doanh nghiệp lớn, gần 1.000 cán bộ Đảng viên thì Tổng giám đốc không thể tự quyết mà làm việc theo tập thể. “Tập thể Hadico đã có chủ trương cho thuê nhà ở Xí nghiệp Thanh Trì, không phải một mình bị cáo làm được”, bị cáo Nguyệt khai.
Về số tiền thu hơn 2,3 tỷ đồng của 7 người thuê nhà tại Xí nghiệp Thanh Trì theo bị cáo Nguyệt là “xí nghiệp tự thu tự chi nhưng tiện thì nhờ bị cáo Hảo thu hộ”. Với số tiền được ở Xí nghiệp Vườn quả, bị cáo Nguyệt thừa nhận sai nhưng phản đối cáo trạng truy tố:
“Bị cáo còn chỉ đạo anh em nội bộ ứng tiền công ty để chi tiêu là không đúng, cáo trạng suy diễn. Việc ứng tiền hoàn toàn không có. Việc ứng tiền ra và hoàn ứng là hoạt động bình thường và phải tuân theo quy định pháp luật. TGĐ là người duyệt đề xuất, căn cứ vào mục đích tạm ứng”.
Các bị cáo khai làm theo chỉ đạo cấp trên
Trong khi đó các bị cáo nguyên là cấp dưới của bị cáo Nguyệt đều nhận tội, khai làm theo chỉ đạo của cấp trên. Bị cáo Huyền Hảo thừa nhận hành vi phạm tội nhưng đề nghị xem xét tội danh “Tham ô tài sản”. Bị cáo này cho rằng bản thân không hưởng lợi, có chăng hành vi sai phạm chỉ ở mức độ nào. Bị cáo Hảo khai lúc cho ứng các khoản tiền để chi tiêu, biết sai phạm nhưng do bị cáo Nguyệt nói có nhiều dự án cần triển khai và phải làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Trong khi đó, Đỗ Văn Hảo-cựu Phó tổng giám đốc Hadico trình bày không phụ trách xí nghiệp Vườn quả, không biết việc đơn vị có nhà tiến hành cho thuê. Bị cáo này khai không có cuộc họp nào với người lao động, không được bàn bạc. Còn Dương Thị Chinh– cựu Kế toán trưởng Chi nhánh Hadico cũng khai thu tiền theo chỉ đạo của giám đốc và không biết hành vi thu tiền đó là vi phạm pháp luật.
Bị cáo Đặng Thị Thanh Tâm- cựu Giám đốc Chi nhánh Hadico thừa nhận sai phạm nhưng nói rằng cáo trạng truy tố là hơi nặng bởi bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.
Có mặt tại tòa, đại diện Hadico trình bày quan điểm công ty không có chủ trương thu tiền nhà thầu, hệ thống sổ sách cũng không theo dõi nên công ty sẽ chờ quyết định của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về khoản tiền tạm ứng, công ty có quan điểm “ai ứng thì phải có nghĩa vụ hoàn ứng”.
Đại diện VKS đánh giá các bị cáo khai báo thành khẩn. Công tố viên phân tích việc đưa các bị cáo ra xét xử là đúng người đúng tội. Đây là hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Các bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn nhưng vì lợi ích cá nhân đã bỏ qua quy trình trong quản lý kinh tế, làm trái quy định được giao gây thiệt hại to lớn, tạo dư luận xấu cho xã hội.
“Tình trạng tham nhũng ngày càng nghiêm trọng với hành vi càng tinh vi. Việc đưa vụ án ra xét xử hoàn toàn đúng. Trong đó, bị cáo Nguyệt đóng vai trò chính, chủ mưu trong vụ án, gây thiệt hại lớn cho Hadico, cần có mức án nghiêm khắc. Tuy nhiên, do khai báo thành khẩn, có nhiều đóng góp cho xã hội, đã khắc phục 1 phần hậu quả nên cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo”, kiểm sát viên nêu quan điểm.
Đối với các bị cáo khác, công tố viên nhận định đóng vai trò đồng phạm, giúp sức cho bị cáo Nguyệt phạm tội. Vì vậy cần phải có mức án phù hợp, nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo. Tuy nhiên, VKS cũng đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo đồng phạm với lý do: các bị cáo khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, có đóng góp trong quá trình công tác…
Diễn biến bất ngờ tại phiên tòa là sau khi xem xét các yếu tố, VKS quyết định thay đổi tội danh của bị cáo Phan Minh Nguyệt từ “tham ô tài sản” sang “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Huyền Hảo cũng được thay đổi tội danh như trên.
Sau khi nghị án, HĐXX quyết định tuyên phạt Phan Minh Nguyệt 12 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; Nguyễn Thị Huyền Hảo 9 năm tù với tội danh tương tự; Đỗ Văn Hảo 7 năm tù; Đặng Thị Thanh Tâm bị áp dụng 8 năm tù và Dương Thị Chinh nhận mức án 3 năm tù (hưởng án treo).
Riêng Nguyễn Trọng Hùng (SN 1982) – cựu Giám đốc Chi nhánh Hadico bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.