Ngày 15/5, TAND TP Hòa Bình đưa bị cáo Bùi Mạnh Quốc (SN 1986, Giám đốc Công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh), Trần Văn Sơn (SN 1990, cán bộ Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế - Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) và Hoàng Công Lương (SN 1986, bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực – Đơn nguyên thận nhân tạo – Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) ra xét xử sơ thẩm về tội Vô ý làm chết người, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Đây là những người bị cáo buộc vô ý làm chết người, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Hòa Bình hồi cuối tháng 5/2017.
Thông tin bất ngờ
Trong phần thủ tục, một trong số các luật sư của bác sĩ Hoàng Công Lương đã đề nghị TAND TP Hoà Bình triệu tập hội đồng chuyên môn Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình. Việc có mặt của các cơ quan trên, theo luật sư, sẽ làm sáng tỏ trách nhiệm của bác sĩ Lương cũng như mở rộng điều tra làm rõ hành vi bỏ lọt tội phạm liên quan đến hành vi ký kết hợp đồng đấu thầu sửa chữa mua sắm thiết bị tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Bên cạnh đó, vị luật sư này cũng đề nghị triệu tập ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện). Luật sư Thiệp đề nghị nhất thiết phải triệu tập ông Dương để làm rõ trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đôn đốc chung của bệnh viện trong đó có việc mua sắm, sửa chữa thiết bị y tế. "Sự vắng mặt của ông Dương sẽ gây khó khăn trong việc xét xử vụ án vì không làm rõ được nhiều tình tiết quan trọng và có thể "sẽ bỏ lọt tội phạm".
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Tiến Dũng, bào chữa cho bị cáo Bùi Mạnh Quốc thông tin: Hợp đồng sửa chữa thiết bị y tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh được ký kết vào chiều ngày 29/5/2017, tức là sau khi xảy ra sự cố 8 bệnh nhân chạy thận tử vong. Theo luật sư Dũng, trên thực tế, hợp đồng thể hiện ký kết ngày 25/5/2017 nhưng quá trình làm việc với bị cáo, ông Quốc cho luật sư biết chiều ngày 29/5/2017, bà Ngô Thị Tuyết Minh (Phó Giám đốc Công ty Thiên Sơn) mới mang hợp đồng đến bệnh viện đưa cho ký để hoàn thiện hồ sơ. Do đó, luật sư đề nghị triệu tập bà Ngô Thị Tuyết Minh và ông Nguyễn Văn Chương vì ngày 25/5/2017, ông Chương đi cùng bị cáo Quốc từ miền Trung đến Bắc Ninh nên không thể ký hợp đồng trong ngày này.
Trong khi đó, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng có nhiều dấu hiệu bất thường trong quá trình ký kết hợp đồng sửa chữa vì từ ngày 18/4/2017 đã có việc Công ty Trâm Anh gửi báo giá đến Công ty Thiên Sơn, trong khi ngày 20/4/2017 mới có việc bác sĩ Lương đề xuất sửa chữa thiết bị tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Do đó, luật sư cho rằng nhất định phải triệu tập hai người ký hợp đồng là ông Trương Quý Dương và ông Đỗ Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) tới tòa. Tuy nhiên, các ý kiến trên đã không được HĐXX chấp nhận sau hội ý.
Các bị cáo khai gì tại tòa?
Có mặt tại tòa, bác sĩ Hoàng Công Lương khai trước khi xảy ra sự cố, anh và tất cả mọi người trong khoa đều biết có việc sửa chữa hệ thống lọc nước. Đơn đề xuất sửa chữa do Phòng Vật tư viết, bác sĩ Lương và một điều dưỡng khác ký vào đơn này. “Nhiệm vụ bị cáo tại khoa là điều trị cho bệnh nhân, máy móc hỏng hóc là do trách nhiệm của Phòng Vật tư. Bị cáo không được ai giao phụ trách máy móc”, bị cáo Lương nói đồng thời cho biết việc quản lý và điều hành, phân công nhiệm vụ tại Đơn nguyên thận nhân tạo là do lãnh đạo khoa phân công.
Cũng theo lời bị cáo Lương, bản thân anh không được biết nguyên tắc sau khi sửa chữa xong phải lấy mẫu nước đi xét nghiệm để đảm bảo tiêu chuẩn.
Trước đó, bác sĩ Hoàng Công Lương cho biết đã có ý kiến với HĐXX về việc không đồng ý với quy kết trong bản cáo trạng. Theo bác sỹ Lương, trách nhiệm của những người bác sĩ như anh là khám và điều trị cho bệnh nhân, không liên quan đến việc sửa chữa thiết bị và chất lượng nguồn nước do đơn vị khác đảm nhận. Trong khi đó, bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai không biết giữa Công ty Thiên Sơn và Bệnh viện có thỏa thuận về việc sửa chữa hay không? Cũng theo lời khai của Quốc, tại thời điểm xảy ra sự cố, giữa công ty của anh ta và Thiên Sơn chưa hề kí hợp đồng.
Nhận thức của bị cáo về việc chưa xét nghiệm đã chạy là không được phép. Quốc cũng thừa nhận lỗi đã không ngăn cản việc ra y lệnh của bác sỹ Lương khi quay lại thì thấy hệ thống máy đã chạy. Lý giải về điều này, bị cáo Quốc nói mình không có quyền cho máy chạy hay không. Khai về số hóa chất dùng để vệ sinh hệ thống lọc nước, Quốc bảo tự mua ở một công ty chuyên về hóa chất. “Bị cáo không biết hai hóa chất này bị cấm trong y tế, chỉ thực hiện theo chỉ dẫn của người khác cũng như kinh nghiệm của bản thân. Chưa bao giờ xảy ra sự cố tương tự hoặc có dấu hiệu bất thường gì”, Quốc trình bày đồng thời nói bản thân rất hối hận trước hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hôm nay (16/5), HĐXX tiếp tục làm việc./.