12 thuyền viên Việt Nam làm việc cho tàu đánh cá Shiuh Fu-1 của Đài Loan bị cướp biển Somalia bắt giữ cuối năm 2010 ngoài khơi biển Madagascar đã tìm cách điện thoại về được cho gia đình để báo tin. Theo đó, một thuyền viên Việt Nam đã bị sát hại. Bọn cướp biển cũng tuyên bố sẽ bắn chết số còn lại nếu không nhận được tiền chuộc trong 1 tuần nữa.
Một thuyền viên Việt Nam bị sát hại?
Gặp PV PLVN Online ở trụ sở Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ - TB - XH), ông Trần Văn Vinh (Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, ông có con trai là Trần Văn Hùng, đang là 1 trong 12 thuyền viên bị bắt giữ.
Người nhà thuyền viên hoang mang |
Anh Hùng là người đã tìm cách điện thoại về được cho gia đình hôm 23/4. Qua điện thoại, anh Hùng cho biết, hiện tại thuyền viên Lưu Đình Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đã bị sát hại cùng với 2 thuyền viên Trung Quốc.
Anh Hùng cũng thông báo các lao động Việt Nam hiện tại sức khỏe không được tốt. Nhiều người đã bị ốm, nằm lăn lóc trên tàu. Bọn cướp biển lien tục bỏ đói thuyền viên cũng như đe dọa sẽ bắn chết tất cả.
Nước mắt chảy ròng, ông Vinh cho biết: “Nghe con trai điện về cả gia đình lo lắng, không ăn không ngủ, lòng như lửa đốt. Mong các cơ quan chức năng giúp đỡ để con trai tôi sớm được thả về”.
Cùng chung tâm trạng với ông Vinh là 6 người nhà thuyền viên Việt Nam khác. Ông Lưu Đình Thu(Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, con trai ông là thuyền viên Lưu Đình Hùng. Hùng đã điện thoại về nhà và cho biết số tiền mà bọn cướp biển đưa ra để thả 24 thủy thủ là 3 triệu Đô la.
Đã chuyển tiền đợt 1
Ngay sau khi nhận được thông tin từ người nhà các thuyền viên bị bắt giữ, PV PLVN Online đã tìm gặp ông Đỗ Hoàng Lê, Phó tổng giám đốc Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco). Ông Lê cho biết, hiện tại công ty đã xác định được danh tính của thuyền viên Lê Đình Sơn, người được cho là bị sát hại.
Tuy nhiên ông Lê cũng cho rằng thông tin người nhà cung cấp vẫn cần được kiểm chứng độ xác thực. Sau khi tiếp nhận thông tin từ người nhà, lãnh đạo, Inmasco đã trực tiếp báo cáo với Cục quản lý lao động ngoài nước để thông báo với phía Đài Loan kiểm chứng thông tin. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn chưa nhận được thông tin chính thức từ chủ tàu Đài Loan.
“Không loại trừ khả năng bọn cướp ép thuyền viên gọi điện về lừa gia đình về chuyện có người bị giết để tạo sức ép và sớm nhận được tiền chuộc” – ông Lê trao đổi.
Cùng quan điểm với ông Lê, ông Nguyễn Xuân Tạo, Trưởng phòng Quản lý lao động (Cục quản lý lao động ngoài nước) cho rằng nếu thời điểm này người nhà mà hoang mang thì có thể sẽ dính bẫy của cướp biển.
“Thực tế, chủ tàu đã chuyển tiền đợt một cho cướp biển, nhưng đến đợt chuyển tiền lần thứ hai, phía cướp biển đổi người liên lạc mới nên quá trình thương lượng đến nay vẫn chưa xong” – ông Tạo cho biết.
Hoàng Phan