Nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khi chuẩn bị vào cao điểm về nhu cầu vốn cuối năm, trong khi lãi suất cho vay vẫn chưa giảm được bao nhiêu.
Những con số đẹp về lãi suất cho vay, như ngắn hạn 12 – 13,5%/ năm, trung dài hạn 13 – 14,5%/năm theo thống kê của NHNN, hiện mới chỉ áp dụng cho nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu, hay cho những đối tượng ưu tiên của các ngân hàng.
Đầu ra hạn hẹp
Tại các ngân hàng thương mại cổ phần, hầu hết các đối tượng còn lại vẫn phải vay ngắn hạn 14 – 14,5%, trung dài hạn 14,5 – 15,5%/năm.
Theo ông Lê Thanh Dương, Tổng giám đốc Công ty CP Trường Sơn, so với cách đây năm tháng, công ty ông đã vay được rẻ hơn 3%, nhưng vẫn ở mức 16%/năm.
Ông Dương cho biết, với mức lãi suất này, nếu hợp đồng đã ký diễn ra thuận lợi, sản xuất thuận lợi, giá thành không có biến động… thì cũng có một chút lời. Nhưng nếu có một trong những yếu tố trên có biến động thì có khả năng lỗ. Để chắc chắn có lãi, doanh nghiệp phải vay được mức lãi suất 12% trở xuống.
Tình hình như vậy, doanh nghiệp phải rất cân nhắc khi vay vốn. Có thể nói, lãi suất vẫn là rào cản doanh nghiệp vay vốn.
Trước thực trạng trên, các ngân hàng cũng có nỗ lực nhất định để giảm lãi suất cho vay, để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm như giảm lãi suất cho một số đối tượng, thông thoáng hơn về điều kiện cho vay, nhưng các khoản vay như vậy không nhiều.
Chẳng hạn, ngân hàng An Bình (AB Bank) dành 80 tỉ đồng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm 1% lãi suất cho vay so với khách hàng vay thông thường của ngân hàng, thủ tục và xử lý hồ sơ nhanh gọn…
NHNN cũng khẳng định tiếp tục điều hành giảm dần lãi suất. Nhưng việc này đang gặp nhiều khó khăn. Một trong những giải pháp được nói đến nhiều là việc tăng cung thông qua bơm tiền ra trên thị trường mở (OMO). Nhưng nguồn vốn trên OMO chỉ là nguồn vốn bù đắp thanh khoản tạm thời, không giúp ngân hàng giảm nhu cầu huy động vốn từ dân cư, doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng Việt Phương, phó giám đốc mảng khách hàng doanh nghiệp của Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank), NHNN chỉ bơm vốn qua OMO các kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày và 28 ngày nhưng không có người dân, doanh nghiệp nào vay với kỳ hạn đó.
Người dân, doanh nghiệp vay kỳ hạn ngắn nhất cũng một tháng, nhưng rất hiếm, phổ biến từ 3 – 8 tháng, chưa kể đến vốn vay trung và dài hạn. Như vậy, ngân hàng nào vay càng nhiều vốn trên OMO để cho vay với kỳ hạn dài hơn thì càng phải lo tìm nguồn vốn khác để trả lại cho NHNN. Nếu không cấp bách, ngân hàng sẽ không mượn vốn trên OMO.
Để giảm được lãi suất rất khó, nếu như NHNN không có chế tài đủ mạnh nhằm răn đe một số ngân hàng phá giá trong huy động. |
Đầu vào: cạnh tranh gay gắt
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): “Định hướng mặt bằng lãi suất “vào 10 ra 12” của Chính phủ đang gặp một số khó khăn trong ngắn hạn khi mức lãi suất huy động 11% của các ngân hàng dường như chưa được thị trường chấp nhận”.
Thực tế là, những câu chuyện như Maritime Bank chỉ trong một tuần đã bị giảm 1.000 tỉ đồng tiền huy động vào không là chuyện hiếm. Hàng ngày, nhân viên nhiều ngân hàng vẫn phải chứng kiến cảnh khách hàng thân thiết rút tiền đem gửi sang ngân hàng khác với lãi suất cao hơn, chương trình khuyến mãi hấp dẫn hơn…
Việc này khiến một số ngân hàng như Maritime Bank muốn giảm lãi suất huy động (cơ sở để hạ lãi suất cho vay) cũng khó.
Ông Phương thừa nhận, Maritime Bank cũng vẫn cho vay với mức lãi suất từ 13 – 16%/năm. Theo ông, để giảm được lãi suất rất khó, nếu như NHNN không có chế tài đủ mạnh nhằm răn đe một số ngân hàng phá giá trong huy động.
Ngoài ra, các ngân hàng vẫn phải tốn nhiều “phí ngoài” trong việc tìm vốn huy động. Phí này được coi là tiền phần trăm hoa hồng cho doanh nghiệp nào gửi tiền vào ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã phải chi khoản này tương đối cao, vì vậy, lãi suất cho vay vẫn phải cao để bù đắp chi phí.
Theo Minh Huệ
SGTT - Dân Trí