Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” qua bốn năm đã và đang đi vào cuộc sống, vào lòng người, có sức cổ vũ mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên, và các tầng lớp nhân dân. Việc “Làm theo” gương Bác có chuyển biến quan trọng, đóng góp vào những thành tựu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mùa Xuân này nhớ Bác, chào mừng thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI chúng ta lại càng nhớ đến những lời căn dặn của Người: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Phát huy những truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc, kế thừa những tinh hoa đạo đức của nhân loại và với tinh thần vì nước vì dân của người cộng sản vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời.
Bác Hồ luôn dành tình cảm đặc biệt cho thế hệ trẻ Việt Nam.
Ảnh: Internet
|
Ngay sau ngày đọc Bản Tuyên ngôn độc lập ở Ba Đình, ngày 3-9-1945 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là cái gốc của một con người.
Bác còn nói: “Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả, thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hàng ngày. Người xưa còn biết tu thân... Đảng viên, cán bộ ta từ nhân dân anh hùng mà ra, phải sống cho xứng đáng với nhân dân và Đảng anh hùng”.
Đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một di sản tinh thần vô giá, mà Người đã để lại cho tất cả chúng ta. Đó là: Trung với nước - Hiếu với dân. Suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập và tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Trong con người có nhiều mối quan hệ, nhưng mối quan hệ lớn lao nhất, luôn luôn phải đặt lên hàng đầu, đó là mối quan hệ với nước với dân. Bác Hồ khẳng định: Nước là của dân và dân là người chủ đất nước.
Trong bài “Đạo đức và nhân cách đặc điểm số một của tư tưởng Hồ Chí Minh”, giáo sư Trần Văn Giàu đã nhắc lại ý kiến của đồng chí Phạm Văn Đồng, “Trung với nước, hiếu với dân thuộc về đạo... Còn cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là thuộc về đức”. Đạo là gốc rễ, đức là thân cành, hoa quả. Như vậy có đức thì đạo mới được thực hiện, có đạo thì đức mới nảy sinh và phát huy tác dụng.
Trong cuộc sống mấy nghìn năm của dân tộc, là một nước nhỏ luôn phải đối đầu với những kẻ thù lớn hơn mình gấp bội, muốn tồn tại chúng ta không thể chỉ dựa vào số người, mà phải dựa vào những con người chiến đấu, những con người dũng cảm, hi sinh, trung với nước, hiếu với dân.
Từ cái gốc “Trung với nước, hiếu với dân” mà chúng ta sẽ cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, sẽ có lòng nhân ái, yêu thương con người, sống có tình có nghĩa và không chỉ yêu mến nhân dân mình mà còn có lòng yêu thương nhân loại, có tình quốc tế trong sáng.
Bác Hồ thường nói: Cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức cách mạng của con người. Có lúc Bác lại nói đó là bốn thang thuốc cách mạng để chữa những căn bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu... Bác đã nói và Bác làm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như cuộc đời của Bác vốn thế, chứ không phải chỉ là để làm gương mà thôi.
Nhà thơ Đa-Giô (Inđônêxia) đã viết:
“Người không màng danh dự ghế suy tôn
Ngồi vào đấy, với Người không có nghĩa
Khi đức độ đã ngời như ngọc quý
Thì có nghĩa gì, chiếc ghế phủ nhung êm...”
Nhà thơ Mỹ Hao-uốt Pácsơn đã viết: “Người đã đến với nhân dân với một chương trình hành động, một Đảng và bao trùm là một tình cảm yêu thương. Người đã hy sinh mọi thú vui riêng, và cái vẻ bên ngoài của công danh , phú quý để hiến thân cho Tổ quốc và cách mạng”.
Yêu nước, yêu dân, cống hiến cả đời mình cho hạnh phúc của nhân dân, cho độc lập của Tổ quốc, đó là cái gốc đạo đức Hồ Chí Minh.
Ngược lại với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, và Bác nói: “Chủ nghĩa cá nhân, đó là mẹ đẻ ra tất cả mọi thói hư tật xấu, là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”. Nạn tham ô, lãng phí, quan liêu, sự tha hoá về phẩm chất, lối sống chính là từ chủ nghĩa cá nhân mà ra.
Với sự nhạy cảm chính trị của một nhà lãnh đạo, với trách nhiệm to lớn của một lãnh tụ sáng lập, xây dựng và rèn luyện Đảng, trong những ngày lễ lớn của đất nước, Bác thường phát biểu hoặc viết những bài báo, nhằm giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1950, cách đây gần 60 năm, trên báo Sự Thật số 140, Bác đã viết bài: “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu”. Ngày thành lập Đảng mồng 3 tháng 2 năm 1969, Bác lại viết bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.
Trước khi ra đi, Người lại dặn dò những lời tâm huyết trong Di chúc. Bác viết: “Trước hết nói về Đảng...”. Sau khi dặn phải đoàn kết chặt chẽ, đoàn kết nhất trí, đoàn kết và thống nhất, Bác dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Không phải ngẫu nhiên, mà Bác viết bốn chữ “Thật” này. Bác chỉ lo rằng, chúng ta còn nhiều người chỉ nói hay bằng miệng, mà không hay bằng việc làm, và có lần Bác đã nói: Nói không đi đôi với làm là vô đạo đức.
Một nhà làm phim Việt Nam đã kể lại: đạo diễn Micheal Houdey đã ba lần sang làm phim ở Việt Nam. Ông nói: Điều lạ nhất đối với tôi là ở Việt Nam, dù đó là Hà Nội hay ở Kim Liên, Bến Nhà Rồng... tôi đều thấy không mấy ai gọi ông Hồ là Chủ tịch, mà đều gọi Người là Bác một cách tự nhiên và yêu quý như một người thân thiết trong gia đình mình vậy.
Một lần, tôi hỏi một cháu bé về bông hoa nhỏ cài trên ngực áo, cháu phấn khởi trả lời: “Cháu vừa được phần thưởng cháu ngoan Bác Hồ”. Điều đó làm tôi rất xúc động. Một điều nữa đã gây ấn tượng lớn cho tôi, là mặc dù 24 năm liền được trao chức quyền cao nhất, nhưng nếu không phải là duy nhất thì Hồ Chí Minh cũng là một trong số rất hiếm những nguyên thủ quốc gia trên thế giới, chưa từng bị lôi cuốn vào sức mạnh của quyền lực. Đây là một vấn đề có ý nghĩa xã hội và nhân văn lớn. Vì thế, tôi không thể không làm một bộ phim về Người, để giới thiệu rộng rãi với nhân dân Anh.
Khi biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố: Nước lấy dân làm gốc. Quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân và Người làm Chủ tịch là làm người đầy tớ trung thành của nhân dân, nhà đạo diễn Anh nói: “Trong lịch sử Đông Tây, thời nào quyền lực cũng là chiếc gươm thiêng của những người cầm quyền. Chiếc gươm ấy được trao vào tay những người yêu nước, thương nòi sẽ mang lại hạnh phúc cho nhân dân. Còn nếu nó được trao vào tay những bạo chúa thì đó là một thảm hoạ cho con người…”. Và nhà đạo diễn người Anh ấy nói: “Các bạn Việt Nam đã may mắn có được một lãnh tụ là Hồ Chí Minh!”.
Không phải chỉ có chúng ta, con cháu của Người là học tập đạo đức Hồ Chí Minh, mà có những nhà lãnh đạo của các nước khác cũng công khai nói họ muốn học ông Hồ. Nghị sĩ Agienđê, sau này là Tổng thống nước Chi Lê, đã thẳng thắn trả lời phỏng vấn của một nhà báo:
- Những phẩm chất nào mà ngài muốn có, và nhà hoạt động chính trị nào, mà ngài cho là một tấm gương để noi theo?
- Đó là tính trọn vẹn, lòng nhân đạo và sự khiêm tốn, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Còn nhà sử học Pháp, Saclơ Phuốc-ni-ô đã viết: “Người mặc bộ quần áo nâu như tất cả mọi nông dân Việt Nam, đầu đội mũ vải và tay chống cây gậy nhỏ. Giọng nói của Người rất tự chủ, lúc nào cũng đi thẳng vào vấn đề, không chút nghi thức. Giờ phút được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh hôm ấy, là một trong những giờ phút đáng ghi nhớ trong đời tôi… Người không tìm cách dạy tôi một bài học về đạo đức hay chính trị, nhưng càng nghe tôi càng thấy Người vừa nói về một vấn đề lớn của đất nước, vừa dạy cho tôi một bài học về luân lý chính trị”.
Đã bao lần đọc những phát biểu, những cảm nhận, những bài viết của các bè bạn nước ngoài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ta không những cảm động về tình cảm kính trọng, yêu quý của bạn bè đối với Việt Nam, với Bác Hồ, mà còn qua đó, ta nhận ra một cách sâu sắc sự vĩ đại của Người, mà nhiều khi đứng gần chân núi ta không nhìn thấy những đỉnh cao.
Ngay những đồng chí đã có hạnh phúc ở gần Bác nhiều năm cũng nói, còn nhiều điều chúng ta chưa thật hiểu hết về Người. Và như một nhà nghiên cứu đã nói, có hiểu được Bác thì ta mới thật sự hiểu được dân tộc mình.
Cuộc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong bốn năm qua đã làm tất cả chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn về những giá trị văn hoá Hồ Chí Minh, về tư tưởng và đạo đức của Người.
Song tư tưởng và đạo đức là những công việc cần phải rèn luyện thường xuyên và suốt đời, vì thế cuộc vận động cần được thực hiện kiên trì, liên tục, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, và trở thành ý thức tự giác của mỗi người.
Cuộc vận động sẽ trở thành những hành động thiết thực, đẩy mạnh sự nghiệp cách mạng đổi mới của dân tộc ta, làm cho mỗi người Việt Nam trở thành một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta trở thành một rừng hoa đẹp, như lòng mong muốn của Bác kính yêu!
Bùi Công Bính