“Cuộc đấu” vô tiền khoáng hậu ở Mỹ

Hai đối thủ trong “cuộc đấu”
Hai đối thủ trong “cuộc đấu”
(PLO) - Trên trang nhất của tờ Libération (Pháp) là hình ảnh bà Hillary Clinton với dòng tựa lớn: “Điều tồi tệ nhất, đó là bà có thể bị thua”. Theo các cuộc thăm dò, ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ bỏ xa đối thủ của đảng Cộng hoà trên con đường đến Nhà Trắng. “Cuộc đấu” giữa H.Clinton với D.Trump, tuy thế, còn ẩn chứa nhiều bất ngờ...

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa, tỷ phú D. Trump đang cố gắng tạo ra một sự xoay trục trong chiến dịch tranh cử của mình nhằm giành lại ưu thế trước cựu Ngoại trưởng H. Clinton trong các nhóm cử tri. Và theo Libération, 7 kịch bản vẫn có thể khiến bà thất bại.

Thua – Có 7 “kịch bản”...

Thứ nhất là các cuộc tranh luận gây “thảm họa”. Không ai nghi ngờ khả năng diễn thuyết của bà H. Clinton nhưng bị bỏ xa theo kết quả thăm dò, tỉ phú bất động sản D. Trump sẽ chẳng còn gì để mất và sẽ tìm mọi cách làm bà lung lay, như có thể công kích vấn đề sức khỏe của bà Clinton, vụ thư điện tử khi bà còn giữ chức Ngoại trưởng hay khơi lại vụ tai tiếng tình dục của cựu Tổng thống Bill Clinton.

Kịch bản thứ hai là cử tri ủng hộ đảng Dân chủ không đi bỏ phiếu. Có thể do quá tin tưởng là ứng viên của đảng mình có mọi lợi thế và bỏ xa đối thủ chính, nên nhiều cử tri sẽ ngại ra khỏi nhà để đi bỏ phiếu. Trong khi đó, những người ủng hộ ông D. Trump, ghét các phương tiện truyền thông và các cuộc thăm dò, sẽ được huy động tối đa để chứng minh kết quả ngược lại.

Kịch bản thứ ba có thể là những vụ rò rỉ thông tin mới từ Julian Assange. Nhà sáng lập WikiLeaks có “mối thù” phải thanh toán với ứng viên đảng Dân chủ. Khi còn giữ chức Ngoại trưởng, bà Clinton đã kêu gọi truy tố WikiLeaks sau khi trang này tiết lộ 250.000 tài liệu ngoại giao của Mỹ.

Kịch bản thứ tư là nền kinh tế Mỹ đang tuột dốc. Cựu Ngoại trưởng Mỹ khẳng định kế thừa sự nghiệp của Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama. Thế nhưng, thực trạng nền kinh tế Mỹ hiện nay đang gây nhiều tranh cãi. Chỉ có 37% người Mỹ cho rằng nền kinh tế được cải thiện hơn từ cuộc khủng hoảng năm 2008, trong khi đó 58% có ý kiến ngược lại.

Kịch bản thứ năm có thể là tấn công khủng bố. Đối thủ D. Trump cáo buộc Tổng thống Obama và ứng viên Clinton, vì không hành động, đã tạo điều kiện cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thêm vững mạnh. Nếu Mỹ bị tấn công khủng bố từ nay đến ngày bầu cử, những lời cáo buộc của Donald Trump về sự yếu kém của chính quyền Obama có thể được củng cố hơn.

Kịch bản thứ sáu là vấn đề sức khỏe của ứng viên đảng Dân chủ. Theo phe của ông Trump, bà Clinton quá yếu để giữ trọng trách Tổng thống Mỹ. Tuyên bố này dựa trên lời đồn thổi sau khi bà Hillary Clinton bị choáng váng vào cuối năm 2012 do một cục máu đông trong đầu và phải nằm điều trị nhiều ngày.

Cuối cùng là kịch bản ám sát mang tính chính trị. Ứng viên đảng Cộng hoà kêu gọi những người ủng hộ sử dụng súng ngăn chặn ứng viên Clinton, vì trong trường hợp được bầu làm Tổng thống, bà sẽ bổ nhiệm vào Toà án Tối cao các thẩm phán có ý định hạn chế việc mang vũ khí. Lời kêu gọi của Donald Trump đã bị phản đối và nhà tỉ phú phải lên tiếng thanh minh là chỉ kêu gọi những người đó… đến phòng bỏ phiếu.

Lá bài “Quỹ Clinton”

Ứng viên D. Trump vừa rồi đã lặp lại lời kêu gọi phải đóng cửa “Quỹ Clinton”, gia tăng cáo buộc cho rằng tổ chức từ thiện này đặt ra xung đột về lợi ích đối với ứng viên của phe Dân chủ H. Clinton. 

Donald Trump nhấn mạnh: “Bây giờ rõ ràng Quỹ Clinton là tổ chức chính trị tham nhũng nhất trong lịch sử. Những gì họ đã làm trong thời ‘Hillary gian trá’ làm Ngoại trưởng là sai và bây giờ cũng sai. Nó phải bị đóng cửa ngay lập tức”.

Ông Trump cũng đã nhiều lần đả kích tổ chức phi lợi nhuận này vì đã nhận tiền từ nước ngoài, trong đó có một số quốc gia có “thành tích” về nhân quyền. Ông Trump cũng nói rằng những đóng góp đó đã dẫn tới tham nhũng theo kiểu “ăn bánh trả tiền”. Đáp lại, bà Clinton cho biết bà vẫn tách biệt công việc tại Bộ Ngoại giao (trong thời gian giữ chức Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009-2013) với những người ở “Quỹ Clinton” - tổ chức làm việc từ thiện trên toàn cầu. 

Các email nói trên cho thấy các phụ tá của bà Clinton tại Bộ Ngoại giao đã tìm cách thiên vị cho các nhà tài trợ của “Quỹ Clinton” hoặc những người có liên quan đến các nhà tài trợ. Hầu hết những lời buộc tội tập trung vào hai vụ việc riêng biệt: Thứ nhất, ngay sau khi bà Clinton rời khỏi chức vụ Ngoại trưởng vào năm 2013, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tỏ ra quan tâm nhưng không theo tới cùng vụ mua bất động sản từ một công ty Nigeria (được điều hành bởi một người đàn ông mà người anh em của ông này đã tặng ít nhất 1 triệu USD cho Quỹ Clinton).

Thứ hai, một quan chức cấp cao của “Quỹ Clinton”, ông Doug Band, đã yêu cầu một phụ tá hàng đầu của bà Clinton tại Bộ Ngoại giao xin việc cho một cá nhân mà ông nói là “quan trọng phải để tâm tới”. Người này, với tên thật đã được xóa đi trong email, sau đó đã được gửi email về “các lựa chọn” (cho công việc), theo trả lời của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Huma Abedin. Tuy nhiên, bản thân bà Clinton lại không được đề cập đến trong các email bị phát giác nói trên. 

Trước các áp lực nói trên, tuần trước “Quỹ Clinton” đã tuyên bố sẽ ngưng nhận các đóng góp từ nước ngoài và từ các doanh nghiệp nếu bà H. Clinton được bầu làm tổng thống vào tháng 11 tới. Quỹ này cũng cho biết cựu Tổng thống Bill Clinton sẽ từ bỏ chức vụ trong hội đồng quản trị. Brian Fallon- Phát ngôn viên của bà Clinton, viết trên mạng xã hội “Twitter” rằng: “Quỹ Clinton là một tổ chức từ thiện giúp cho mọi người trên toàn thế giới. Tổ chức đã công bố những bước chính sẽ thực hiện nếu bà Clinton thắng cử. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ông Trump tồn tại chỉ để làm giàu cho chính ông ta và có liên quan đến một mạng lưới mờ ám”.

Tỷ phú Trump “xoay trục”

Julian Zelizer - Giáo sư lịch sử tại Đại học Princeton – cho rằng, tỷ phú Donald Trump đang cố gắng tạo ra một sự “xoay trục” trong chiến dịch tranh cử của mình nhằm giành lại ưu thế trước cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong các nhóm cử tri. 

Đầu tiên, ông Trump bổ nhiệm Stephen Bannon - cựu Giám đốc điều hành của Breitbart News làm người đứng đầu chiến dịch tranh cử, loại bỏ chủ tịch chiến dịch cũ là Paul Manafort, vốn bị tai tiếng vì cáo buộc có mối liên hệ với cựu Tổng thống Ukraine thân Nga Viktor Yanukovych. Sau đó là một loạt tuyên bố gây sốc của vị tỷ phú này như thừa nhận hối tiếc vì một số phát ngôn sai lầm trong quá trình tranh cử hay tại một cuộc gặp riêng đã tiết lộ rằng có thể nới lỏng chính sách nhập cư với người da màu. 

Theo đánh giá, ông Donald Trump có lý do rõ ràng để thực hiện sự thay đổi này vì hiện nay mọi thứ dường như đang chống lại ông. Các cuộc điều tra dư luận cho thấy ông trùm bất động sản đang mất điểm ở khắp nơi, từ các bang còn do dự, các bang ủng hộ đảng Dân chủ cho đến các bang ủng hộ đảng Cộng hoà như Utah. Mỗi phát ngôn của ông Trump lại khiến cho cử tri thêm nghi ngờ năng lực của ông trong việc trở thành Tổng thống mới của nước Mỹ. Tờ “New York Times” thậm chí còn cho biết ông Trump đang gặp khó khăn ngay trong chính nhóm ủng hộ chủ lực là cử tri nam da trắng. 

Các cuộc khảo sát chính trị toàn quốc cho thấy bà Clinton đã dẫn điểm rất xa khi xét về sự ủng hộ của cả cử tri da đen lẫn nhóm người từ những nước nói tiếng Tây Ban Nha, còn gọi là người Hispanic, trong khi đó sự ủng hộ của người da đen dành cho ông Trump chỉ đạt tỷ lệ thấp ở mức một con số. Một cuộc thăm dò cho thấy ông chỉ nhận được sự ủng hộ nhỉnh hơn một chút từ người Hispanic, khoảng 14%. 

Trong bối cảnh đó, ông Trump đang có nỗ lực mới nhằm thu hút sự ủng hộ của người Mỹ gốc Phi và nhóm người Hispanic. Phát biểu với đám đông phần lớn là những người ủng hộ da trắng ở bang Virginia, tỷ phú Trump cho biết ông đã nhận ra rằng “việc tiếp cận cộng đồng người Mỹ gốc Phi là một lĩnh vực mà Đảng Cộng hòa phải làm tốt hơn, và sẽ làm tốt hơn”.

Ông nhắc đến lịch sử của đảng, với việc tổng thống đầu tiên là người Cộng hòa, Abraham Lincoln, đã giải phóng nô lệ vào giữa năm 1800. Ông Trump nói: “Tôi muốn đảng của chúng ta lại một lần nữa là một ngôi nhà của các cử tri người Mỹ gốc Phi”. 

Thách thức lớn nhất của ông Trump là việc vượt qua những con số bất lợi trong các cuộc điều tra dư luận. Bên cạnh đó, việc ông Trump có thể duy trì chiến lược hiện nay cũng là điều đáng bàn. Ông Trump đang cố lấy lại phong độ, song các chuyên gia nói rằng ông sẽ phải củng cố chiến lược hơn nữa nếu muốn giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Ông Trump dường như đã lấy lại phong độ, “chơi trội” hơn Tổng thống Obama với cuộc ghé thăm bang Louisiana, nơi hàng chục nghìn người rời bỏ nhà cửa bởi lũ quét. Ông cũng có bài phát biểu về kế hoạch chống khủng bố và đã tránh đưa ra những bình luận nóng vội thường thấy của mình. Mặc dù lối nói khoa trương dữ dội đã kích động sự ủng hộ trong số các nhóm cử tri nền tảng của ông, nhưng đội ngũ nhân viên của ông Trump hiểu rằng ứng cử viên này cần “xuống giọng” nhằm lôi kéo nhiều cử tri hơn.

Theo thể thức bầu cử Mỹ, cuộc đua vào Nhà Trắng không do số phiếu phổ thông quyết định, mà do cử tri đoàn, ở đó cuộc bỏ phiếu được xác định theo kết quả ở mỗi bang, và số phiếu của từng bang lại tương ứng với dân số. Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 3 tháng là tới cuộc tổng tuyển cử, trang web chính trị “realclearpolitics.com” cho biết bà Clinton hiện có lợi thế cạnh tranh với mức dẫn trước 5,3% so với ông Trump trong một số cuộc điều tra toàn quốc...

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.