Nói tới Barbie hầu như cô bé nào cũng mê mẩn. Những con búp bê xinh đẹp mang dáng dấp công chúa ngự trị trong cửa hàng đồ chơi trên khắp các châu lục. Thế nhưng một ngày nọ của năm 2001, Bratz xuất hiện. Cuộc chiến giữa hai dòng búp bê diễn ra ngoạn mục suốt nhiều năm, khiến công chúng ngạc nhiên.
Không đài các như Barbie nhưng Bratz phù hợp với lối “phá cách” của thời đại hôm nay: Đầu to tướng, thân thể ốm, đôi môi to phúng phính, quần áo trang điểm sặc sỡ và mang phong cách hippy. Đến lượt làn sóng Bratz tràn ngập các cửa hiệu đồ chơi.
Năm 2006 Bratz chiếm tới 40 % thị trường búp bê. Búp bê Bratz ra đời khiến doanh thu của dòng búp bê Barbie sụt giảm đến chóng mặt. năm 2004, con số thống kê cho thấy ở Anh số lượng búp bê Bratz được bán ra đã qua mặt “nữ hoàng’ Barbie. Năm 2005, lượng búp bê Barbie bán ra ở Mỹ giảm 30%, còn trên bình diện toàn cầu giảm 18%.
|
Những con búp bê kiểu mới đang dần dần chiếm lĩnh thị trường |
Cuộc chiến giữa những “người cha” của Barbie và Bratz bắt đầu. Mattel – chủ nhân của Barbie - đòi MGA Entertainment – nơi cho là lò Bratz - bồi thường 500 triệu USD vì cho rằng tác giả của loạt búp bê Bratz đã xây dựng ý tưởng và đưa ra những bức phác thảo của dòng búp bê này trong khi còn làm việc cho Mattel. Ngược lại MGA tố cáo một số mẫu búp bê Barbie của Mattel “chôm” kểu mắt tròn thô lố của Bratz.
Nhân vật trung tâm, mấu chốt của cuộc tranh chấp là Carter Bryant, một hoạ sĩ có tài. Bryant làm việc cho Mattel từ tháng 9/1995 tới tháng 4/1998 rồi quay trở về đây vào tháng 1/1999. Tuy nhiên, Bryant lại một lần nữa rời bỏ Mattel vào tháng 10/2000 để đến với MGA.
Mãi tới năm 2008, toà án mới đưa vụ Barbie chống lại Bratz ra xét xử. Mattel tố cáo MGA đã lôi kéo Bryant trong thời gian người hoạ sĩ này – dù đang sáng tác các mẫu búp bê cho Mettel - thông báo cho công ty biết rằng anh ta tạm nghỉ 2 tuần. MGA nói rằng khi thực hiện những phác thảo cho búp bê Bratz , Bryant không còn làm việc cho Mattel. Với tư cách là người làm công, Bryant đã từng giới thiệu mẫu búp bê này với Mattel nhưng công ty này không quan tâm.
Làm việc cho Mattel, Bryant có ký một thoả thuận cam kết không mang những ý tưởng hoặc những dự án anh đang làm việc giúp cho các công ty cạnh tranh. Bryant nói trong thời gian nằm dài ở nhà cha mẹ ở bang Missouri, trong đầu anh ta đã nảy ra ý tưởng về một mẫu búp bê mới đầu to tướng, môi dày trề và ăn mặc theo mốt “phá cách” của giới trẻ.
Luật sư của MGA nói họ không biết là Bryant vẫn đang làm việc cho Mattel. MGA còn cho rằng cho dù Bryant quả thực là nhân viên ăn lương của Mattel nhưng vì anh sáng tạo ra Bratz ngoài giờ làm việc nên kết quả lao động thuộc quyền sở hữu của anh. Cuộc tranh cãi nổ ra là liệu những mẫu búp bê đó được Bryant phác thảo ra trong giờ hay ngoài giờ làm việc, và nếu chúng là là sản phẩm của những buổi tối Bryant ngồi miệt mài với cây bút chì ở nhà thì chúng có bị ràng buộc bởi bản hợp đồng giữa hoạ sĩ này với Mattel hay không.
Với sự dẫn dắt của Jenifer Keller, Bryant sử dụng chiến lược “quên”. Trả lời các câu hỏi của luật sư bên nguyên Bill Price, Bryant phần lớn đáp lại bằng điệp khúc “không biết, không nhớ”. Luật sư bên bị trưng ra các bản phác thảo của Bryant vẽ búp bê Bratz có ký tên hoạ sĩ với dòng chữ ghi năm 1998.
|
Jennifer Keller |
Jennifer Keller là một nữ luật sư hàng đầu ở bang California về luật hình sự và dân sự với nhiều thành công ở các toà cấp tiểu bang, liên bang và toà phúc thẩm.
Trong hơn 30 năm hành nghề bà đã tham gia hơn 150 vụ án, đại diện cho các công ty lớn, các doanh nhân, vận động viên thể thao và cả các đồng nghiệp trong ngành luật. Jenifer Keller từng có tên trong danh sách Những luật sư giỏi nhất nước Mỹ.
Bà còn tham gia các chương trình truyền hình về luật và toà án của các đài CBS, ABC và Fox News.
|
Tuy nhiên, trong phán quyết của toà đưa ra hồi tháng 7/2008 một thẩm phán đã quyết định MGA phải trả cho Mattel 100 triệu USD vì cho rằng thế hệ búp bê Bratz đầu tiên gồm 4 mẫu Cloe, Jade, Sasha và Yasmin ra đời khi Bryant vẫn còn ăn lương của Mattel. Tuy nhiên, MGA nói Bryant làm công việc trong khoảng thời gian hoạ sĩ này không làm việc cho Mattel.
Tháng 12 /2008 Mattel xin được lệnh của toà buộc MGA ngưng sản xuất và bán búp bê Bratz.Một quỹ tín thác được lập ra để tạm giữ thương quyền của dòng búp bê Bratz đã và sẽ được sản xuất.
MGA chống án và được một thẩm phán kết luận rằng Mattel chỉ có thể đòi hỏi quyền sở hữu giới hạn đối với 4 mẫu búp bê Bratz đầu tiên và 2 mẫu tiếp theo đó chứ không phải với toàn bộ các mẫu.
Tuy nhiên, ở phía ngược lại, MGA lại có quyền khởi kiện với hầu hết những khiếu nại đưa ra trước đây nói rằng Mattel đã đánh cắp bí mật thương mại liên quan tới Bratz.
Tháng 7/2010, Toà phúc thẩm khu vực 9 tuyên bố rằng quyền bán búp bê Bratz thuộc về MGA, tiếp đó, ngày 21/4/2011 Toà án tuyên bố rằng Mattel đã đánh cắp 26 bí quyết thương mại của MGA và do đó phải bồi thường cho MGA 3.4 triệu USD, khiến cho tổng số tiền lên tới 88,5 triệu USD.
Ngoài ra, GMA được bồi thường tiền án phí lên tới 170 triệu USD, tổng cộng các nỗ lực của luật sư Jennifer Keller được tưởng thưởng hơn 300 triệu USD.
Isaac Larian, giám đốc điều hành MGA đã bật khóc khi nghe toà tuyên án. Mặc dù bản án của toà được đánh giá như là thông điệp gửi tới các đại công ty rằng họ chớ có chèn ép các công ty nhỏ đang tìm đường bước vào thị trường, tuy nhiên sự thực thì như chính người đứng đầu MGA thừa nhận : “Mattel đã giết nhãn hiệu Bratz. Nó sẽ không bao giờ đạt được mức như đã từng có trước đây”.
Isaac Larian cho biết nỗi lo lắng về số phận của dòng búp bê Bratz trong nhiều năm tranh tụng đã giết chết cha ông, phá hoại gia đình ông.
Ngọc Hằng