Bị bắt trên “sân nhà”
Ngày 6/5/2017 PLVN đăng tải bài “Bị tàu lạ tấn công, Hội nghề cá thành phố Rạch giá, Kiên Giang đề nghị được bảo vệ”. Sau khi bài viết được đăng tải, các cơ quan hữu quan đã vào cuộc tích cực bảo vệ ngư dân.
Cụ thể, ngày 8/5/2017 Cục Kiểm ngư (CKN), Tổng Cục Thủy sản có công văn 275/KN-TTKN gửi Cục Lãnh sự (CLS), Bộ Ngoại giao. Tại công văn này, CKN nhắc lại Công văn số 235/KN-TTKN ngày 19/4/2017 cũng gửi cho CLS, nêu rõ: “ Vị trí hoạt động của các tàu khi bị bắt giữ: Tại tọa độ 6 độ 22 phút 00 giây - 6độ 32 phút 00 vĩ độ Bắc, và 106 độ 21 phút -106 độ 25 phút 00 giây kinh độ Đông (Cách Đông Nam Hòn Khoai/Cà Mau từ 148-155 hải lý, thuộc vùng biển Việt Nam, được qui định tại Điều 1, Hiệp định phân định ranh giới Thềm lục địa giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a ký kết năm 2003)”.
Cục Kiểm ngư nhận định: “...Việc bắt tàu Việt Nam trên vùng biển Việt Nam là vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Hiệp định phân định ranh giới Thềm lục địa giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a năm 2003...”
Cục Kiểm ngư đề nghị Cục Lãnh sự có Công hàm phản đối hành động bắt giữ ngư dân trái pháp luật của In-đô-nê-xi-a và yêu cầu phía In-đô-nê-xi-a này trao trả 5 tàu/70 ngư dân về nước trong thời gian sớm nhất.
Ngày 22/5/2017, UBND tỉnh Kiên Giang gửi công văn số 756/UBND-KTCN đến Cục Lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a . Trong công văn này, UBND tỉnh Kiên Giang khẳng định lại vị trí khi 5 chiếc tàu cá ngư dân Kiên Giang bị lực lượng PSDKP thuộc MMAF của In-đô-nê-xi-a bắt giữ nằm trên tọa độ trùng với tọa độ do Cục Kiểm ngư xác định nêu trên.
UBND tỉnh Kiên Giang nêu rõ: Việc tàu cá của ngư dân ta đang hoạt động hợp pháp trong vùng biển Việt Nam mà bị lực lượng chấp pháp In-đô-nê-xi-a bắt giữ là vi phạm Công ước LHQ về luật Biển và Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a
Vì vậy, UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Đại Sứ quán Việt Nam tại In-đô-nê-xi-a khẩn trương điều tra, xác minh sự việc nêu trên; đồng thời yêu cầu phía In-đô-nê-xi-a trao trả tàu cá và ngư dân theo thông lệ quốc tế.
Công văn gửi Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Indonexia của UBND tỉnh Kiên Giang |
Ngư dân khẳng định không vi phạm pháp luật
Chia sẻ với Báo PLVN, Thuyền trưởng Phạm Thanh Đông, Thuyền trưởng tàu cá KG-92729-TS, tàu duy nhất chạy thoát, cho biết: “Tuy trên biển mênh mông, đường phân định ranh giới thềm lục địa không có cột mốc như trên đất liền, nhưng tất cả được qui định rõ ràng trong tọa độ. Tọa độ này được hiển thị trên máy định vị và hải bàn, thủy thủ đoàn không nắm được nhưng thyền trưởng phải nắm rõ trong lòng bàn tay để xác định hướng gió, dòng hải lưu, thời tiết, luồng cá... Hơn 20 năm làm thuyền trưởng đánh bắt xa bờ, tôi lênh đênh đánh đu tính mạng với biển cả, hơn ai hết người thuyền trưởng phải tôn trọng luật, kể cả luật bất thành văn của nghề biển, luật thiên nhiên và luật do con người đặt ra. Chúng tôi khẳng định không vi phạm pháp luật, không đánh bắt cá trong vùng biển của In đô nê xi a”.
Chủ tàu Hồ Hữu Hoàn Hảo, chủ doanh nghiệp tư nhân Ánh Dương, 12 Hoàng Diệu, Tp Rạch Giá, Kiên Giang, tâm sự: “Chúng tôi là chủ tàu, cũng là doanh nghiệp, tàu là nguồn vốn, muốn bảo vệ tài sản doanh nghiệp chúng tôi phải tôn trọng luật. Trong Hiệp định phân định ranh giới thềm lục địa của Việt nam và In đô nê xi a, thể hiện ranh giới trên bản đồ rất rõ. Chúng tôi nắm rõ và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật”
Trưởng Ban Pháp chế, Hội Nghề cá Rạch Giá khẳng định: “Hội nghề cá Kiên Giang luôn nhắc nhở, khuyến cáo hội viên tuân thủ pháp luật. Qua sự kiện tàu cá ngư dân Kiên Giang bị bắt trên vùng biển Việt Nam, thông qua Báo PLVN, một lần nữa tôi khuyến cáo ngư dân phải tôn trọng luật pháp, đồng thời cũng mong muốn các cơ quan chức năng làm hế sức mình bảo vệ ngư dân”.
Hiện mong muốn lớn nhất của thân nhân 70 ngư dân đang bị phía In đô nê xi a bắt giữ là thân nhân của họ sớm được trở về đoàn tụ với gia đình.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.