Cục Đăng kiểm: “Nhiều trung tâm đăng kiểm cạnh tranh không lành mạnh”

Tài xế chờ ở trung tâm đăng kiểm tại QL13, Thủ Đức (TP HCM).
Tài xế chờ ở trung tâm đăng kiểm tại QL13, Thủ Đức (TP HCM).
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong báo cáo gửi Bộ GTVT mới đây, Cục Đăng kiểm nêu một số bất cập trong hoạt động kiểm định xe.

Báo cáo cho biết: Số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới (TTĐK) trên cả nước hiện nay là 280, trong đó 196 đơn vị theo hình thức xã hội hóa, 64 thuộc Sở GTVT và 20 thuộc Cục Đăng kiểm. Hà Nội có số lượng lớn nhất với 31 đơn vị, khoảng 60 dây chuyền kiểm định, trong đó hơn 2/3 do các DN đầu tư.

Sự gia tăng TTĐK được cho là bắt nguồn từ việc bỏ quy định các đơn vị đăng kiểm thành lập mới phải tuân thủ quy hoạch mạng lưới đăng kiểm, sau khi có Nghị định 139/2018/NĐ-CP. Khi tăng nhanh, nhất là do DN đầu tư, một số trung tâm đã cạnh tranh không lành mạnh để thu hút khách hàng.

"Một số nơi hoạt động sai tiêu chuẩn, quy chuẩn, bỏ nội dung, hạng mục kiểm tra, thực hiện các hành vi giả mạo trong kiểm định xe", Cục Đăng kiểm cho hay.

Qua quá trình kiểm tra, giám sát, Cục ghi nhận có đơn vị hoạt động không hiệu quả, chủ DN tự quyết định ngừng hoạt động gây khó khăn cho lái xe, chủ xe tìm lại hồ sơ. Người lao động không được bố trí việc làm và cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong theo dõi, quản lý các hồ sơ phương tiện.

Một DN đã thành lập nhiều đơn vị đăng kiểm xe, sau đó luân chuyển nhân sự hoặc đăng kiểm viên của đơn vị này tham gia đầu tư thành lập đơn vị khác. Vì vậy, việc kiểm soát các điều kiện hoạt động khó khăn, không rõ trách nhiệm của lãnh đạo, đăng kiểm viên và nhân viên nghiệp vụ.

Thậm chí, có đăng kiểm viên không làm việc nhưng chủ đầu tư vẫn khai báo và giả mạo chữ ký để ký xác nhận vào các bảng phân công nhiệm vụ, xác nhận kết quả kiểm tra.

Để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường chỉ thuê lao động mới, thiếu kinh nghiệm nên chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị đăng kiểm xã hội hóa rất hạn chế. Đăng kiểm viên chịu tác động của chủ đầu tư, không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định...

Để rà soát tổng thể hoạt động đăng kiểm, Cục Đăng kiểm đã thành lập đoàn công tác kiểm tra các hành vi tham nhũng, tiêu cực, vi phạm quy định trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới trên toàn quốc từ 1/1/2023.

Trả lời báo chí, Phó Cục trưởng Đăng kiểm Nguyễn Vũ Hải cho biết, ngoài thanh, kiểm tra, Cục Đăng kiểm sẽ rà soát các quy chuẩn, tiêu chuẩn để siết chặt việc cấp phép, quản lý hoạt động của các trung tâm, đặc biệt là siết chặt thành lập TTĐK theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP.

Cục cũng sẽ đánh giá mô hình tổ chức của Cục Đăng kiểm và các đơn vị kiểm định trên cả nước, đặc biệt là công tác xã hội hóa; nghiên cứu đề án tách chức năng quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện hoạt động đăng kiểm.

Hai tuần qua, Cục Đăng kiểm đã liên tiếp tạm đình chỉ hoạt động của nhiều TTĐK tại TP HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long do vi phạm các quy định về kiểm định xe cơ giới.

Ngày 9/12, Công an TP HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với 18 người về các hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ và giả mạo trong công tác cấp giấy chứng nhận kiểm định cho phương tiện không phù hợp với thông số kỹ thuật, tài liệu kỹ thuật, hồ sơ gốc của phương tiện xảy ra tại các DN tư nhân đăng kiểm xe cơ giới 6203D (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) và DN tư nhân đăng kiểm xe cơ giới 5015D (Thủ Đức, TP HCM). Cả hai doanh nghiệp này đều có liên quan đến cá nhân ông Trần Lập Nghĩa.

Ngoài ra, hai DN tư nhân đăng kiểm xe cơ giới khác cũng liên quan đến ông Nghĩa là 8302D (tỉnh Sóc Trăng) và 7102D (tỉnh Bến Tre).

Liên quan vấn đề, trước tình trạng một số người dân phản ánh về việc các đơn vị đăng kiểm làm việc máy móc, bắt lỗi chưa hợp lý dẫn đến ùn tắc phương tiện, Cục Đăng kiểm vừa có văn bản yêu cầu các TTĐK chấn chỉnh tình trạng này.

Cục Đăng kiểm yêu cầu trung tâm căn cứ theo quy định tại Thông tư 16/2022. Đối với hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng không gây mất an toàn kỹ thuật, ô nhiễm môi trường, yêu cầu đơn vị đăng kiểm phải cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện, tuyệt đối không được có tiêu cực, nhũng nhiễu.

Các lỗi không nghiêm trọng được Cục liệt kê như màu sơn không đúng màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe; cửa, khóa cửa và tay nắm cửa đóng, mở không nhẹ nhàng; bậc lên xuống mọt gỉ, thủng...

Các đơn vị đăng kiểm phải đảm bảo duy trì hoạt động ổn định, cung cấp dịch vụ kiểm định và có biện pháp giải quyết tốt nhất nhu cầu đăng kiểm của người dân và doanh nghiệp; phối hợp chính quyền địa phương để phòng ngừa hiện tượng cá nhân lợi dụng nhu cầu đăng kiểm tăng cao để trục lợi, gây rối trật tự công cộng.

Văn bản chỉ đạo của Cục Đăng kiểm đã giải tỏa được một số vướng mắc trong khâu đăng kiểm như việc màu sơn xe khác so với giấy đăng ký, tuy nhiên chưa liệt kê các trường hợp đang gây nhiều tranh cãi như việc độ đèn, cản trước, các thiết bị đồ chơi, giải trí trong xe…

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.