Như cách một người cha có hàng nộm nổi tiếng trên phố cổ Hà Nội, khi con hỏi, cha để lại cho con cái gì? Ông chỉ hai cái rổ và nói: Gia tài cho con đó! Và người con ấy đã sống ổn với hàng nộm rong vào mỗi chiều trên phố…
Chưa từng nghĩ tuổi già khi còn trẻ
Theo Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ rất nhanh, ước số người cao tuổi (NCT) sẽ tăng gấp ba lần hiện nay vào năm 2050. Trong khi đó, phần lớn NCT có mức lương hưu thấp, nhiều người vẫn phải tự làm việc kiếm sống. Làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống NCT là vấn đề rất cần được chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện năm 2014 của Viện Chính sách công và quản lý (thuộc ĐH Kinh tế quốc dân) công bố tại Hà Nội cuối tháng 11-2014, hầu hết NCT chưa từng nghĩ cho tuổi già từ khi còn trẻ, thậm chí họ quên đi việc cần phải phòng bị cho lúc về già.
Điều này có nguyên nhân từ truyền thống gia đình đa thế hệ với những ràng buộc trách nhiệm chặt chẽ giữa các thế hệ, theo quan niệm “trẻ cậy cha, già cậy con”. Họ cho rằng, chỉ cần đầu tư cho con, nhất là con trai, khi trưởng thành, con cái sẽ có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ, ông bà.
PGS.TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (ĐH Kinh tế quốc dân) cho biết, trên thực tế, chỉ gần 10% NCT có tích lũy cho bản thân. Không ít NCT sau khi chia hết tài sản cho con đã trở nên mất vị thế ngay trong gia đình. Thực tế cho thấy, nếu họ có khoản thu nhập ổn định như lương hưu, có thu nhập từ làm thêm, kinh doanh buôn bán hoặc có tài sản thì đó sẽ là hình thức để NCT bảo đảm cho cuộc đời, khẳng định vị thế trong gia đình, cộng đồng.
Trong khi đó, phần lớn NCT không có nhận thức đầy đủ về tình trạng bệnh tật của mình, thường tự đoán bệnh và chữa trị theo thói quen, kinh nghiệm dân gian; không có biện pháp phòng ngừa và chữa bệnh kịp thời từ khi còn trẻ, dẫn đến bệnh về già càng nặng, càng khó chữa khỏi và chi phí rất tốn kém…
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quan trọng nhất là chú trọng giáo dục, nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ về việc chuẩn bị, tích lũy tài sản, sức khỏe; giúp thế hệ trẻ cách lập kế hoạch cho tuổi già từ khi còn trẻ. Để làm tốt điều này, rất cần có nghiên cứu, đánh giá về nhận thức và sự chuẩn bị cho tương lai khi về già của những người trẻ hiện nay…
Và ngày nay, nhiều người đến tuổi hưu cũng đã khá chủ động sắp xếp cuộc sống của mình! Từng là nhân viên một công ty xây dựng, bà Tuyết Lê (sinh năm 1968, trú phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) về hưu đã 5 năm. Suốt 5 năm nay, cuộc sống của bà và chồng là những chuyến đi thiện nguyện, du lịch trong và ngoài nước.
Một ngày của bà Lê bắt đầu bằng việc tập thể dục ở bãi biển cùng hội bạn thân. Sau đó, nhóm bạn của bà cùng ăn sáng, uống cà-phê. Đến 9 giờ, bà mới đi chợ rồi về nhà. Đó cũng là lúc con dâu chở cháu nội qua gửi.
Bà nói rằng, quan điểm của bà từ đầu; ông bà chỉ có trách nhiệm nuôi dạy con, còn việc nuôi dạy cháu là trách nhiệm của bố mẹ chúng nó. Dù chỉ có 1 đứa con trai nhưng từ khi con cưới vợ, bà đã sắp xếp cho con ở riêng. Theo bà, khi con cái ở cùng ba mẹ, chúng sẽ cứ mãi nhỏ bé. Mục đích của bà là để con tự lo, tự có trách nhiệm với bản thân, với gia đình nhỏ của mình.
Trong một buổi tọa đàm về vấn đề bạo hành đối với người cao tuổi, nhà văn Trang Hạ đã đưa ra một nhận định mới mẻ, rằng, không chỉ chửi bới, đánh đập, không cho ăn, đuổi ra đường... mới là bạo hành người cao tuổi. Mà tước đoạt của người cao tuổi cuộc sống riêng tư, buộc họ phải có trách nhiệm trông cháu, giữ nhà, thay vì nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân, thăm thú bạn bè, đi chơi... cũng là một sự bạo hành thầm lặng.
Cha mẹ cần nhập môn… tự lập
“Trẻ cậy cha, già cậy con” vốn là một đạo lý của người Việt Nam. Văn hóa sống này của chúng ta khác hẳn lối sống phương Tây và cũng là một niềm tự hào của người Việt. Tuy nhiên ngày nay, nhịp sống hiện đại giữa các thế hệ cần có cuộc sống riêng. Trong khi đó, không ít phụ huynh vẫn luôn nghĩ bao bọc- “hy sinh đời bố, củng cố đời con”…
Thế nhưng, nếu bạn cho con cái quá nhiều mà không lo được gì cho mình thì về già bạn sẽ làm cho con bạn phải khổ bởi bạn trở thành gánh nặng của chúng, đấy là chưa nói gì đến khi ốm đau, bệnh tật. Cho con vừa đủ và quan trọng là cho con thành NGƯỜI, cho con khả năng tự lập! Dù thương con đến thế nào thì cha mẹ nên để con được vấp ngã, được chông chênh trên đường đời. Có như thế, con cái mới có cơ hội được lớn lên, được trưởng thành, con cái mới biết yêu thương, mới hiểu nỗi vất vả của cha mẹ.
Tiền bạc có nhiều, cha mẹ nên giữ lại cho mình để dưỡng già, hưởng thụ, đi du lịch, đi ăn những món ngon, bù lại những ngày tháng đã làm việc vất vả, quần quật để nuôi các con. Các con khi đã thực sự trưởng thành cũng chỉ mong cha mẹ hãy dành tiền để sống một cuộc sống cha mẹ mong muốn khi về già!
Chị Kiều Thị An Giang, sống tại Đức chia sẻ: “Mình làm ở trại dưỡng lão kiêm cai nghiện rượu. Người nghiện thì ngẩn ngơ, người già thì đờ đẫn, phất phơ như ngọn đèn sắp tắt. Nhìn họ càng không dám bấu víu vào ai, nhất là các con. Người già vô dụng, con cái có thương đến mấy cũng sớm muộn gửi vào trại dưỡng lão.
Trong khi đó, cụ bà Schmid 102 tuổi vẫn đi mua hoa xoe xóe. Cụ ở tận tầng 5 ngày nào cũng tự leo cầu thang. Bí quyết sống lâu của cụ chính là học sống tự lập khi chưa kịp già. Chỉ có người khác cần cụ, cụ chả cần ai, cụ bảo thế. So với cụ mình vẫn trẻ chán. Bài học tự lập mình học lâu rồi. Mà sao nghe con gái nhắn tin về thăm, chưa chi đã hớn ha hớn hở, chuẩn bị nấu món này món nọ chỉ để chờ nghe con nó nói một câu: con đói.
Hôm nay con gái đi du lịch về, nhắn tin: con về rồi, đợi kết quả xét nghiệm nếu âm tính sẽ đến thăm bố mẹ. Con mình là một trong 29 người nhiễm covid đầu tiên ở Berlin từ hồi tháng hai. Con chỉ mệt, không có triệu chứng gì bất thường.
Niềm vui chưa được bao lâu, con ngậm ngùi công nhận, kháng thể chỉ tồn tại sau hai tháng, bị rồi vẫn bị lại như thường. Nên mới có chuyện phải làm xét nghiệm sau nửa năm. Nghe con đến thăm, mình tỏ ra bình thường, không cuống quýt nấu nướng ghênh tiếp như mọi khi.
Mình luôn nhắc chồng ngay từ khi bọn trẻ còn nhỏ, rằng phải xác định rõ, cha mẹ phải tự lập để tự chăm sóc mình, không lệ thuộc vào con cái, để chúng sống cuộc đời của chúng. Rất sợ cảnh về già hai ông bà suốt ngày mong con ngóng chó trông mèo, hiu hắt như ngọn đèn không tự mình thắp sáng. Trẻ có niềm vui của trẻ, già có lẽ sống của già.
Chuẩn bị tốt cả vật chất lẫn tinh thần, không phụ thuộc con cái về kinh tế và càng không nên dựa dẫm quá đáng về tình cảm. Tình cảm gia đình là một thứ tự nguyện, nghĩa vụ chỉ là tượng trưng, nó chả có giá trị gì khi gặp phải một đứa con bạc bẽo và mình lại cầm tinh cô quả, thì có banh da xẻ thịt cả chục lần cũng vẫn cô độc như thường. Chỉ có sự tự nguyện mới mang lại hạnh phúc cho cả đôi bên”.
Trên trang facebook cá nhân, nhà văn Hoàng Anh Tú cũng chia sẻ quan điểm về việc sinh con và nuôi con đừng mong nương cậy lúc tuổi già. “Nhiều cha mẹ giờ vẫn giữ ý nghĩ rằng sinh con, nuôi con khôn lớn, đầu tư học hành, công việc cho con là để sau này mình già yếu có đứa chăm mình. Thực ra ý nghĩ đó không sai.
Nhưng nghe nó sòng phẳng quá, nó mục đích rõ ràng quá. Chuyện sinh con hoá ra chỉ để có kẻ sau này nuôi mình? Chuyện đầu tư cho con ăn học hoá ra chỉ để mai sau mình yếu, mình già thì chúng nó phải trả công dưỡng dục? Thế chả hoá sự hy sinh hôm nay của chúng ta vốn là một cuộc đầu tư mua bảo hiểm cho tương lai? Nếu thế, số tiền đầu tư cho con cứ quẳng cho các bạn bảo hiểm có khi còn thu lợi gấp nhiều lần ấy chứ.
Vì thế, nếu nghĩ báo hiếu chỉ là vậy thì thật buồn. Nuôi con mà chỉ nghĩ đến việc sau này dựa cậy chúng lúc tuổi già thì nghe thật giống… công cụ. Tôi vẫn nghĩ về chữ Hiếu được viết bằng sự mãn nguyện vì con cái trưởng thành. Rằng chúng ta đã tạo nên một gắn kết bền vững. Việc 3 đứa nhỏ sau này có gia đình, thứ khiến chúng tìm đến bố mẹ vì nhớ bố mẹ chứ không phải để chăm bố mẹ.
Nhất quyết hai vợ chồng phải tích luỹ đủ để sau này chỉ giúp đỡ chúng chứ không cần chúng gánh vác. Mà muốn thế thì… đừng có mà chăm chăm kiếm tiền để lại cho chúng làm gì. Hãy để chúng tự bươn chải. Hãy giúp chúng bằng kinh nghiệm và kiến thức của mình thôi.
Hãy để chúng đi trên đôi chân của chúng, tự lập ra thế giới của chúng, giang san của chúng. Bố mẹ chả để lại gì sất. Cùng lắm là 1 số vốn nho nhỏ ban đầu. Nhưng vẫn là phải vay để có trách nhiệm trả. Khi nào bố mẹ chết đi rồi thì tài sản chia đều.
Cuộc sống càng về sau sẽ càng khó khăn. Thế nên, làm ơn, hãy lo cho chính bản thân mình trước đã. Đừng để mai này trở thành gánh nặng cho con cháu. Như gần đây, trên một bài báo tôi đọc được về những thanh niên Singapore trầm cảm và khổ cực khi phải mang vác gánh nặng cha mẹ. Chỉ vì cha mẹ khi còn trẻ kiếm được bao nhiêu đổ hết tiền vào lo cho con cái ăn học. Đến khi chúng học xong thì cha mẹ cũng vào cơn khánh kiệt. Lũ trẻ học xong ra trường thất nghiệp lại phải nuôi lại cha mẹ. Nghĩ mà sợ thay!”
Có thể nói, nhà của cha mẹ bao giờ cũng là nhà của con cái, nhưng nhà của con cái không phải là nhà của cha mẹ Vậy nên, trong hành trình bước về phía hoàng hôn, mỗi chúng ta cần có sự chủ động cho cả hai, rằng, các con chỉ cần sống hạnh phúc là đủ! Và chúng có thể trở về với ngôi nhà của mẹ cha bất cứ khi nào, cho những yêu thương đong đầy…