Ông gửi đơn đến chính quyền xã với tâm nguyện: Nhường ưu tiên cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn hơn, vừa để làm gương cho con cháu không được ỷ lại, dựa dẫm vào chính sách.
Theo lời kể của ông Huân, ông là người gốc ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Chuyển về sinh sống tại Đầm Hà đến nay đã ngót nghét 40 năm, ông luôn được bà con lối xóm quý mến bởi sự chịu khó, cần cù lao động dù chân trái bị tật bẩm sinh, không thể đi lại bình thường.
Ông tâm sự, lúc đó cả vùng ai cũng như ai, chỉ trông chờ vào đồng ruộng, cấy cày để kiếm miếng ăn, ấy thế mà ông đang tuổi trẻ lại chẳng lao động được như người khác. Không nản chí, ông Huân học nghề đan thúng, đan giỏ tre, khi đã thuần thục, có sản phẩm thì mang ra chợ quê bán kiếm thêm tiền phụ gia đình. Tuy vậy, gia đình cũng chỉ tạm đủ bữa ăn qua ngày, nghèo khó mãi vẫn hoàn nghèo khó.
Nói về lý do xin thoát nghèo, ông Huân bảo: Nhờ được bình xét là hộ nghèo, tôi có thẻ bảo hiểm y tế để đỡ chi phí thuốc men mỗi tháng, lại được hỗ trợ xây căn nhà mới vững chãi. Sự quan tâm, chăm lo chu đáo của cấp ủy, chính quyền và sự đùm bọc của bà con lối xóm suốt nhiều năm qua là điều tôi luôn biết ơn, trân trọng.
Cụ Nguyễn Văn Huân (1945) viết đơn xin thoát nghèo |
Nay chưa thật sự khấm khá, nhưng các con tôi đã bắt đầu có cuộc sống ổn định, có thể lao động kiếm ra thu nhập và chăm lo được cho bố mẹ đến nơi đến chốn rồi. Vì thế, tôi bàn với các con làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, mong các cấp chấp nhận để có thể nhường suất ưu tiên này cho hoàn cảnh khó khăn hơn. Tôi cũng muốn nêu gương cho con cháu không được ỷ lại, dựa dẫm vào chính sách của nhà nước.
Việc ông Huân làm đơn tự nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã, khiến cho không ít người dân trong thôn bất ngờ. Hàng xóm có người mới nghe chuyện còn tưởng gia đình ông bị “tạo sức ép” nên suy nghĩ chưa thấu đáo. Cho đến khi tới nhà hỏi thăm, lắng nghe cả bài thơ ông tự sáng tác về niềm vui thoát nghèo, dành để đọc trước toàn bộ nhân dân thôn Hải An, thì mới vỡ lẽ và chia vui với gia đình ông.
Giờ đây tuy tuổi đã cao, nhưng ông Huân vẫn rất minh mẫn, mắt sáng rõ và đôi bàn tay chưa thôi làm việc. Hằng ngày, ông vẫn chịu khó vót tre, đan khung, làm nón “Đại hiệp” - sản phẩm du lịch nổi tiếng của địa phương.
Dù tốc độ không còn nhanh nhẹn, nhưng chất lượng nón ông Huân đan ra luôn được đảm bảo: Khung chắc chắn, hoa văn các nan tre kết lại vô cùng đẹp mắt. Mỗi sản phẩm làm ra, giao lại cho hợp tác xã để tiếp tục vào lá, ông Huân được nhận tiền công 70.000 đồng. Có tháng ông làm được 20 cái, cũng là một khoản thu nhập đáng kể.
Mong rằng những lá đơn xin thoát nghèo và tấm lòng tuổi cao gương sáng như của ông Huân sẽ ngày càng được nhân rộng hơn nữa, tác động tích cực trong việc động viên người dân xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khắc phục khó khăn, quyết tâm vươn lên trong cuộc sống.