Người nhà cho biết, nạn nhân đang quét ngõ thì bất ngờ con chó nhà hàng xóm (hơn 20 kg) lao ra tấn công. Chó quá hung dữ, liên tục cắn vào vùng mặt và tay, chân bà. Vùng mặt của bà đã bị thương rất nặng. Bà được gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà sơ cứu, sau đó bệnh nhân đã được chuyển đến Khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh, cột sống để phẫu thuật.
Bác sĩ Vũ Giang An, Khoa Chấn thương chỉnh hình và thần kinh, cột sống là người tiếp nhận và phẫu thuật cho bệnh nhân chia sẻ, các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng bị chó cắn vào vùng mặt. Tất cả các vết thương đều hở, chảy nhiều máu. Tại vùng miệng, bệnh nhân bị rách toàn bộ môi dưới thông lên khoang miệng. Trên vùng mắt có vết thương mi dưới mắt trái rách xuống cánh mũi, lộ xương. Vì vết thương rất lớn nên phải khâu gần 70 mũi.
Những vết thương này nguy cơ nhiễm trùng rất cao, vì vậy trong quá trình làm bác sĩ phải hết sức cẩn thận, tỷ mỷ để cắt lọc, làm sạch để tránh nhiễm trùng. Hiện tại sau phẫu thuật bệnh nhân đã ổn định, được hướng dẫn tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng dại và huyết thanh kháng dại.
Theo Bác sĩ Trần Quang Đại, Phòng tư vấn tiêm chủng vaccine, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với trường hợp bệnh nhân trên, vì vết thương ở vùng mặt nên ngoài tiêm phòng uốn ván, bệnh nhân cần được tiêm phòng dại đầy đủ cả vaccine và huyết thanh kháng dại.
Bác sĩ Đại cho biết thêm, hiện tại Phòng tư vấn tiêm chủng vaccine Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp đến tiêm phòng dại do chó mèo và cả động vật hoang dã cắn. Chỉ trong buổi sáng 9/4/2024, tại cơ sở Kim Chung đã có 20 người dân đến tiêm vaccine phòng dại và 5 trường hợp tiêm huyết thanh kháng dại.
Đáng nói, đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu vì chó tấn công. Trước đó, tại Bệnh viện Tai mũi Họng Trung ương cũng đã tiếp nhận trường hợp bé gái bị chó cắn. Bé gái bị chính con chó nhà nuôi tấn công. Hậu quả khiến cháu bé nát ống tai ngoài, màng nhĩ và ảnh hưởng cả về mặt tâm lý.
Hay như trường hợp bé gái H.A (5 tuổi, ở Hà Giang) khi đang đi chơi với bạn ở gần nhà, thì bị chó (chưa được tiêm phòng dại) bất ngờ lao ra tấn công, cắn tới tấp vào vùng vai, cánh tay và môi. Ngay sau đó bé H.A đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để được điều trị và thăm khám.
Bị chó, mèo cắn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh dại ở người. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong năm 2024 đến nay ghi nhận 16/63 tỉnh có ca bệnh dại trên người. Miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước (9 ca). Khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng (Đắk Lắk: 4 ca, Long An: 3 ca).
Về tình hình tiêm vaccine phòng dại trên người, theo Cục Y tế dự phòng, trong năm 2023 có đến 674.888 người tiêm vaccine phòng dại. Khu vực miền Nam có số lượng người tiêm dại cao nhất trong 6 năm qua, lên đến 65%.
Theo điều tra năm 2023, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định.
Có đến 43,8% người không đi tiêm phòng dại là do chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn, chó có sức khỏe bình thường. Bên cạnh đó, có đến 16,4% người không tiêm phòng dại là do dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại.
Vì vậy để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, bác sĩ Đại khuyến cáo khi bị chó cắn người dân nên đến cơ sở y tế để được sơ cứu, vệ sinh, sát khuẩn lại vết thương và tư vấn tiêm phòng dại. Đặc biệt là tiêm phòng dại càng sớm càng tốt. Nếu người dân bị chó cắn vào các vị trí như: đầu mặt cổ, bộ phận sinh dục, đầu bàn chân bàn tay hay các trường hợp đa chấn thương với vết thương rộng, sâu phải đi tiêm phòng dại ngay, đầy đủ cả vaccine và huyết thanh kháng dại.
Mùa hè nắng nóng là thời điểm những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Vì thế, người dân không nên chủ quan, những hộ gia đình có nuôi chó nên cho chó được tiêm phòng đầy đủ. Nếu cho chó đi ra ngoài, nên rọ mõm để phòng bệnh cho cộng đồng.