Cảnh giác khi bị chó tấn công

Bé gái H.A (5 tuổi, ở Hà Giang) bị chó cắn được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương
Bé gái H.A (5 tuổi, ở Hà Giang) bị chó cắn được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian gần đây, số lượng người bị chó cắn gia tăng và ghi nhận nhiều trường hợp là trẻ nhỏ. Đặc biệt, có những trường hợp trẻ bị chính chó nhà nuôi cắn dẫn đến tổn thương nặng nề.

Chó cắn nát ống tai ngoài và màng nhĩ

Điển hình như trường hợp bé B.T.Q (tên trẻ đã được thay đổi) đã phải nhập viện cấp cứu do chó nhà nuôi cắn.

Theo bác sĩ Trần Hữu Thắng, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, người nhà kể lại, ông nội cháu bé mới mua một con chó mới để nuôi, đây là giống chó pitbull rất hung dữ. Bệnh nhân từ trong nhà đi ra, không có sự phòng bị, nên bị con chó này cắn. Bé gái bị chó cắn và xé rách một đường rất dài từ má qua tai.

Ngay khi nhập viện, bệnh nhi đã được các bác sĩ tiến hành xử trí vết thương, tiêm huyết thanh, tiêm vaccine phòng dại.

“Khi bệnh nhân đến viện, toàn bộ vùng tuyến mang tai và vùng má, đặc biệt vùng tai bị lật sang một bên, tổn thương rất lớn ở vùng mặt. Đây không phải là trường hợp đầu tiên chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân bị chó cắn. Đặc tính của giống chó khi cắn sẽ là cắn nát, ở bệnh nhân này, mặc dù vành tai còn nguyên, động mạch thái dương không bị tổn thương, nhưng khi tiến hành khâu vết thương cho bệnh nhân, ống tai ngoài và màng nhĩ gần như không xác định được”, bác sĩ Thắng cho biết.

Bệnh nhi B.T.Q bị sang chấn tâm lý, hoảng loạn không hợp tác nên các bác sĩ không thể đánh giá chức năng nghe. Ảnh: Ngọc Nga

Bệnh nhi B.T.Q bị sang chấn tâm lý, hoảng loạn không hợp tác nên các bác sĩ không thể đánh giá chức năng nghe. Ảnh: Ngọc Nga

Hay như một trường hợp khác, bé gái H.A (5 tuổi, ở Hà Giang) khi đang đi chơi với bạn ở gần nhà, thì bị chó (chưa được tiêm phòng dại) bất ngờ lao ra tấn công, cắn tới tấp vào vùng vai, cánh tay và môi.

Trẻ khóc kêu cứu, mọi người xung quanh nghe thấy đã chạy ra hỗ trợ kịp thời. Sau khi được sơ cấp cứu và tiêm huyết thanh, tiêm vaccine phòng dại tại bệnh viện địa phương, H.A được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi, điều trị.

Bệnh nhi vào Khoa Cấp cứu và Chống độc – Bệnh viện Nhi Trung ương sáng ngày 28/3 trong tình trạng tỉnh táo, chơi ngoan, các vấn đề hô hấp và huyết động ổn định. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định trẻ có tổn thương xây xát nông lẫn vài điểm vết thương nhỏ sâu vùng cánh tay, vai, cạnh mắt và vùng môi trên bên phải.

Bé gái được bác sĩ truyền dịch, dùng kháng sinh để dự phòng nhiễm trùng, giảm đau và tiến hành phẫu thuật để cắt lọc làm sạch các vết thương. Đồng thời, bệnh nhi được tiêm phòng các vaccine phòng dại theo kế hoạch và theo dõi tiếp theo để phát hiện kịp thời các biến chứng sau chó cắn.

Từ đầu năm 2024, số ca mắc bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 170%). Trong năm 2024, đến nay ghi nhận 16/63 tỉnh có ca bệnh dại trên người. Miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước (9 ca). Khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng (Đắk Lắk: 4 ca, Long An: 3 ca).

Theo điều tra năm 2023, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Đáng chú ý, có đến 43,8% người không đi tiêm phòng dại là do chủ quan cho rằng chó nhà cắn, tại thời điểm cắn, chó có sức khỏe bình thường. Bên cạnh đó, có đến 16,4% người không tiêm phòng dại là do dùng thuốc nam để điều trị bệnh dại.

Hậu quả để lại lâu dài

Với trường hợp của bé B.T.Q, dù được các bác sĩ cấp cứu kịp thời, vết thương cũng đã được khâu lại và dần hồi phục. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thắng đến giờ các bác sĩ vẫn chưa đánh giá được màng nhĩ và tai giữa bị tổn thương đến mức nào, cũng không đo thính lực được để đánh giá chức năng nghe của bệnh nhân bị ảnh hưởng ra sao, vì bệnh nhân gần như không hợp tác.

Chia sẻ thêm về tình trạng của bệnh nhân B.T.Q, bác sĩ Thắng cho rằng, hậu quả của việc chó cắn để lại là ống tai ngoài của bệnh nhân bị tổn thương, sau này sẽ ảnh hưởng đến chức năng nghe. Bệnh nhân sẽ phải tiếp tục điều trị nhiều lần nữa, tức là các bác sĩ phải đợi ống tai ngoài liền sẹo, tiến hành phẫu thuật cắt sẹo ống tai ngoài và mở rộng ống tai xương. Ngoài ra, bệnh nhân bị sang chấn tâm lý, hoảng loạn rất nhiều và không hợp tác, bệnh nhân khi vào viện đều khóc nhiều và liên tục, rất khó để dỗ bệnh nhân.

Cũng theo bác sĩ Thắng, thực tế, có rất nhiều trường hợp bị chó cắn, với những con chó nhỏ, hiền thì ít xảy ra hậu quả, nhưng những dòng chó to, lớn, hung dữ các bác sĩ gặp rất nhiều. Như ở nông thôn, trẻ bị chó hàng xóm cắn, chó lang thang cắn rất nhiều. Hậu quả để lại bệnh nhân có thể bị chó cắn đứt chóp mũi, đứt tai, chó cắn vào mặt, cổ, tay, chân…

“Chúng tôi đã gặp những trường hợp bị chó cắn rách tai, đứt chóp mũi hoặc cánh mũi… Việc tái tạo lại vùng tai, chóp mũi hoặc cánh mũi là điều vô cùng khó, do đây là vấn đề thẩm mỹ, và một nguyên nhân nữa là khi chó cắn nó sẽ xé nên vết cắn sẽ nham nhở, rách nhiều nên việc tái tạo rất khó. Chúng tôi cũng gặp một vài trường hợp bệnh nhân bị chó cắn vào cổ, vì vậy các bác sĩ phải tiến hành mở khí quản, phục hồi đường khí quản cho bệnh nhân, điều đó gây ra tổn thương rất nghiêm trọng cho bệnh nhân là sẹo hẹp khí quản”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.

Theo Nghị định 90/2017, hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng bị phạt tiền từ 600.000 đến 800.000 đồng. Clip: Ngọc Nga

Để phòng tránh nguy cơ bị chó, mèo cắn, các bác sĩ khuyến cáo: Khi nuôi chó, mèo, người nuôi cần phải tiêm phòng cho vật nuôi đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông vật nuôi, chó ra đường, nếu dắt chó, vật nuôi ra đường phải được đeo rọ mõm. Trẻ không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

Các bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý tránh để trẻ chơi với chó lạ hay chó, mèo có kích thước lớn, dữ tợn. Nên cho trẻ vui chơi ở những địa điểm an toàn, có sự giám sát chặt chẽ của bố mẹ và người lớn.

Khi trẻ bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hoặc gây tổn thương, cần nhanh chóng đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng.Tuân thủ các biện pháp dự phòng để có hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt lưu ý với những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ. Dự phòng dại bằng huyết thanh và vaccine là giải pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bệnh bị phơi nhiễm.

Hà Nội tăng cường đội bắt chó thả rông

Đầu tháng 3/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản số 563/UBND-KGVX về việc chủ động tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn.

Trong văn bản UBND TP Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thành lập, duy trì, tăng cường hoạt động có hiệu quả của các đội bắt chó thả rông và có cơ chế, chính sách cho các đội bắt chó thả rông, đặc biệt tại các khu vực đô thị. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo thực hiện tốt việc quản lý chó nuôi; thống kê chính xác đàn chó, mèo nuôi. UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức tiêm phòng vaccine dại tại các điểm tập trung ở các thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư... cho đàn chó, mèo. Ngoài ra, tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, về tiêm phòng vaccine dại được quy định tại Nghị định số 04/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Đọc thêm

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn

TP HCM có thêm bệnh viện đa khoa hiện đại, chuyên sâu hiếm muộn
(PLVN) - Sáng 19/12, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh khai trương thêm một bệnh viện đa khoa tại Quận 8, góp phần tăng cường hệ thống y tế TP HCM, phục vụ nhu cầu thăm khám, điều trị chuyên sâu, công nghệ cao, chi phí hợp lý cho người dân khu vực Tây Nam thành phố và các tỉnh lân cận.

Cứu sống 2 bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh bằng kỹ thuật ghép tủy đồng loại

Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ ra viện cho các cháu.
(PLVN) - Bệnh viện Trung ương Huế vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinh hiếm gặp. Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.

Bệnh gây chết người từ Congo có nguy cơ lây tới TP HCM không?

Đoàn của CDC châu Phi đến Congo hỗ trợ (Ảnh: AFRICACDC)
(PLVN) - Dù WHO đánh giá nguy cơ lây lan bệnh là thấp ở cấp độ khu vực và toàn cầu, song TP HCM vẫn đang theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh lạ nguy hiểm gây chết người hàng loạt tại Congo, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng phương án đáp ứng theo từng mức độ nguy cơ của dịch.

Vinmec cứu sống bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn muộn

Bác sĩ đa chuyên khoa phối hợp tìm ra phương án điều trị cho bệnh nhân.
(PLVN) - Bệnh nhân 54 tuổi mắc ung thư thực quản giai đoạn muộn, lại bị huyết áp cao, tiểu đường. Ngỡ không qua được cửa tử khi bị nhiều bệnh viện từ chối phẫu thuật, nhưng may mắn, nhờ đội ngũ bác sĩ Vinmec Times City (Hà Nội), bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.