Đi làm công ăn lương, thế nhưng có người lao động đã phải ôm mặt khóc quay về khi bố ốm nặng mà chủ công ty nợ lương nhiều tháng chưa trả. Lao động khác phải đặt xe, vay nợ để sống qua ngày. Chuyện xảy ra với hàng chục lao động ở Cty TNHH Thương mại Tuấn Hường (Hà Nội).
Làm thì có, lương thì không
Trong câu chuyện với phóng viên, nhiều lao động của Cty TNHH Thương mại Tuấn Hường (Cty Tuấn Hường) kể, lương tháng 11, 12/2011 của lao động bị cty nợ lại, đến trước khi nghỉ Tết Nguyên đán (khoảng 19 – 20/1/2012) mới được thanh toán. Sau đó, Cty tiếp tục nợ lương từ tháng 1/2012 đến nay mà không có thông báo hay giải thích gì với người lao động (NLĐ). Vì vậy, nhiều lao động đã phải làm đơn nghỉ trong thời gian từ tháng 3/2012 trở lại đây.
“Bị nợ lương một thời gian dài nên người lao động chúng tôi rất khó khăn, có những người rơi vào tình trạng khủng hoảng về tài chính. Có người phải mang xe máy – là phương tiện đi lại để làm việc – đi cầm đồ để lấy tiền sinh hoạt do không thể vay mượn thêm được nữa” – chị Nguyễn Thị Huyền, từng phụ trách bộ phận nhân sự, kể.
Trường hợp chị Khuất Thị Chung khiến cho nhiều người biết chuyện ái ngại. Gia đình chị khó khăn, bố bị bệnh nặng phải vào viện, chỉ vì thiếu 200 nghìn mà không thể làm thủ tục nhập viên cho bố. Chị Chung liên hệ với bà Bạch Hường – Giám đốc Cty – để yêu cầu thanh toán lương thì bị từ chối, tắt điện thoại không nghe. Do quá bí bách, chị phải đến tận nhà gặp giám đốc nhưng không được tiếp đón.
Ngoài ra, Cty Tuấn Hường còn có quy định giữ bằng gốc của lao động. Nếu người lao động không nộp bằng gốc vào Cty thì mỗi tháng Cty giữ lại một khoản tiền gọi là “đặt cọc”, xấp xỉ 10% lương tháng. Mọi năm, khoản tiền đặt cọc này – thực tế là tiền lương của NLĐ bị Cty giữ lại không trả lãi – sẽ đươc thanh toán vào trước khi nghỉ Tết Âm lịch năm sau, nhưng kỳ nghỉ Tết vừa rồi , Cty không thanh toán tiền đặt cọc của năm 2011 với lý do “hết tiền”.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Hai lao động từng phụ trách công tác nhân sự của Cty này phàn nàn, dù trong Hợp đồng lao động có ghi: “Các khoản bảo hiểm xã hội/bảo hiểm y tế/ bảo hiểm thất nghiệp: theo pháp luật hiện hành”, nhưng NLĐ ở đây chưa được đóng BHXH. “Dưới sức ép của một số NLĐ có thâm niên, giám đốc cũng vài lần đồng ý cho đóng bảo hiểm, nhưng khi đã chuẩn bị xong thủ tục giấy tờ thì giám đốc yêu cầu dừng lại” – hai vị này kể.
“Tôi làm việc ở đó khoảng nửa năm, phụ trách công tác nhân sự, nhưng chưa bao giờ thấy Cty làm thủ tục hay đóng bảo hiểm cho mình cũng như các lao động khác” – chị Huyền nói. “Mỗi khi Phòng Hành chính – Nhân sự đề xuất về việc đóng bảo hiểm thì giám đốc nói rằng đợi tuyên bố giải thể Cty TNHH Thương mại Tuấn Hường, thành lập Cty Cổ phần Tuấn Hường thì sẽ đóng bảo hiểm. Đó là câu trả lời khó chấp nhận được” – chị Nguyễn Minh Thảo, anh Lê Minh Hải và nhiều NLĐ khác chia sẻ.
Cty TNHH Tuấn Hường có trụ sở nằm trên đường La Thành (Ba Đình, Hà Nội), chuyên chế tác các sản phẩm về gỗ, gỗ công nghiệp và gỗ tự nhiên, trang trí nội ngoại thất công trình, bán đồ gỗ nội thất, máy công nghiệp… Theo ước tính của một cán bộ nhân sự từng phụ trách lĩnh vực này ở Cty, số lao động làm việc cho Cty Tuấn Hường chừng 100 người.
Bách Linh