Dù thủ tục của dự án mới gửi các cơ quan xem xét, nhưng Cty CP Vạn Đức (số 10, ngõ 101 phố Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội) tự vẽ bản thiết kế 1/500 và chia lô để bán.
Nhưng dù bản vẽ đó chẳng có cơ quan chức năng nào đóng dấu, vẫn có hàng chục người đã nộp tổng cộng hàng chục tỉ đồng (gọi là góp vốn) để được mua những lô đất liền kề ở xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, nhiều nạn nhân đã gửi những đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng. Điều đáng tiếc là vụ việc kiểu này đã xảy ra không ít, nhưng vẫn nhiều người bị mắc bẫy. Vậy đâu là lý do?
Vi phạm pháp luật quá rõ
Điều đáng báo động ở đây là tình trạng mua bán kiểu này đã lặp đi lặp lại không ít. Vậy, ngoài việc bất chấp giấy tờ chưa có đủ căn cứ pháp lý, nhưng bên bán vẫn cứ bán và người mua vẫn cứ đặt hàng tỉ đồng để lấy “suất” thì trách nhiệm của các bên liên danh, liên kết trong các dự án làm các khu nhà ở đến đâu? Nếu không quy được trách nhiệm của những đối tác này, thì chắc chắn tình trạng trên còn tiếp diễn.
Theo những tài liệu chúng tôi có trong tay, thì ngày 8.6.2009, Cty TNHH XD&TM Ngân Hằng (viết tắt là Cty Ngân Hằng, có trụ sở ở xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) và Cty CP Vạn Đức (Cty Vạn Đức) ký hợp đồng hợp tác đầu tư. Theo hợp đồng này, bên B (Cty Vạn Đức) có nhiệm vụ nhận mọi thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất của dự án từ đang làm dịch vụ sinh thái (với tên gọi: Dự án đầu tư xây dựng khu sinh thái Ngân Hằng ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) thành dịch vụ nhà ở (với tên gọi: Khu dịch vụ và nhà ở Lê Trọng Tấn), có quyết định thu hồi đất của TP giao cho Cty Ngân Hằng và Cty Ngân Hằng (bên A) vẫn là chủ đầu tư.
Điều đáng chú ý trong hợp đồng này là, Cty Ngân Hằng trước khi hợp tác đầu tư với Cty Vạn Đức đã có 5,1ha đất sạch (đã đền bù và giải phóng mặt bằng xong), nay Cty Vạn Đức chỉ có nhiệm vụ chuyển đổi mục đích sử dụng. Sau khi thực hiện những nghĩa vụ của mình xong, quyền lợi của bên B là được quyền “huy động vốn bằng những căn hộ liền kề”. Đây cũng là dạng hợp đồng không hiếm gặp hiện nay và cũng chính là lý do khiến nhiều bên B (ở nhiều dự án) đã sớm bán nền nhà trên giấy, dù giấy tờ vẫn đang rất mù mờ và cơ quan điều tra đã phải khởi tố một số vụ án dạng này.
Trong vụ án này, dù giấy tờ chưa biết khi nào mới được (mà cũng có thể là không bao giờ được), nhưng Cty Vạn Đức đã bán nền nhà với tên gọi là “hợp đồng hợp tác đầu tư” và đã bán được hàng chục nền nhà (theo hoá đơn chúng tôi có trong tay, còn thực tế Cty này đã bán bao nhiêu thì cũng chưa thể biết).
Không chỉ thế, theo đơn tố cáo của ông Phạm Quý Kha (khu chung cư 9 tầng, Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm, HN), giá thoả thuận là 26 triệu đồng/m2, nhưng trong hợp đồng lại chỉ ghi giá 18 triệu đồng/m2. Vì vậy, khi ông Phú nộp tiền đặt cọc là 1,7 tỉ đồng, thì phiếu thu chỉ ghi có 900 triệu đồng, còn lại 800 triệu đồng không có phiếu thu và cũng không có phiếu biên nhận gì(!?).
Bên A liệu có lỗi?
Điều có thể khẳng định rằng, việc Cty Vạn Đức đem vẽ, phân lô để bán nền là hoàn toàn bất hợp pháp và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật; nhưng chúng tôi muốn đề cập ở đây là, Cty Ngân Hằng có trách nhiệm gì không, khi để đối tác của mình dễ dàng bán cho hàng chục người những nền nhà... trên giấy?
Theo hợp đồng hợp tác đầu tư này, thì bên B phải hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng và cơ quyết định thu hồi đất của TP.Hà Nội giao cho bên A trong 6 tháng. Nếu trong 6 tháng chưa thực hiện xong thì hợp đồng này không còn giá trị. Như vậy, hợp đồng này được ký ngày 8.6.2009 thì sẽ đương nhiên hết hiệu lực vào ngày 9.12.2009. Vậy tại sao khi hợp đồng hết hiệu lực, bên A không thông báo bằng văn bản đến bên B? Mặt khác, bên B đã bán nền ngay trong thời điểm hợp đồng giữa hai Cty này vẫn còn hiệu lực (bán từ thời điểm tháng 11.2009) vậy bên A có biết? Thực tế, mảnh đất đó đang được bên A quản lý, mà bên B đem bán lại không biết thì thật khó hiểu. Đặc biệt, việc bán này kéo dài cả năm trời, lẽ nào bên A vẫn không biết?
Mặt khác, tại sao mãi đến ngày 5.11.2010 (tức gần 1 năm sau ngày đương nhiên hợp đồng hết hiệu lực) thì bên A mới thông báo cho bên B việc chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư? Và 4 ngày sau đó, Cty Ngân Hằng có văn bản gửi tới Công an Hà Nội để phủi trách nhiệm khi cho rằng “mọi vấn đề về mua bán hợp tác đầu tư giữa Cty cổ phần Vạn Đức với các nhà đầu tư, Cty TNHHXD&TM Ngân Hằng không chịu trách nhiệm”. Lẽ nào thế là xong?
Lao Động