Trường hợp thứ nhất, theo điều tra của PV, trên website http://thuocviet.vn của Công ty Cổ phần Đầu Tư Tư Kim Long thời gian qua có quảng cáo thực phẩm chức năng Bổ Gan Giải Độc Livsin 94 Forte.
Sản phẩm này được Công ty mô tả: Xuất phát từ những nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ về khả năng tiêu diệt virus HBV của cây Diệp hạ châu, ở nước ta năm 1994, bài thuốc Bổ gan giải độc từ Diệp hạ châu, Chua ngút và Cỏ nhọ nồi đã được đưa vào sử dụng điều trị viêm gan B, làm giảm và sạch men gan tại Trường Đại học Dược khoa (Nay là Trường Đại học Dược Hà Nội).Để tăng hiệu quả điều trị, giúp thuốc hấp thu tốt hơn, thuận tiện cho người sử dụng Dược phẩm Kim Long đã bào chế thành công viên nang mềm Bổ gan giải độc Livsin - 94 forte, giúp phục hồi và bảo vệ chức năng gan.
Về công dụng của sản phẩm này, Công ty cho hay, sản phẩm có thể hỗ trợ điều trị viêm gan: Viêm gan B, viêm gan cấp và mãn tính, vàng da, vàng mắt, đau tức hạ sườn phải... Bổ gan giải độc: Thanh nhiệt giải độc, cải thiện mụn nhọt, mẩn ngứa, nóng trong, nước tiểu vàng... Hạ men gan, tăng cường chức năng gan trong trường hợp uống nhiều bia rượu, thuốc kháng sinh, thuốc kháng lao, đắng miệng, ăn uống khó tiêu, mệt mỏi, chán ăn... Đối tượng sử dụng bao gồm: Bệnh nhân viêm gan cấp và mãn tính, viêm gan B. Người suy giảm chức năng gan trong các trường hợp uống nhiều bia rượu, thuốc kháng sinh, thuốc kháng lao. Người men gan tăng, vàng da, nước tiểu vàng, mệt mỏi, nóng trong, kém ăn, ăn uống khó tiêu.
Theo điều tra của PV, sản phẩm này của Công ty có giấy xác nhận công bố TCSP số 27391/2013/ATTP-XNCB. Ngày 25/08/2014, Phó Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong (khi đó) đã ký Giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 1495/2014/XNQC-ATTP cấp cho Công ty Cổ phần Đầu Tư Tư Kim Long (Địa chỉ: Lô 2A - Khu Liên Cơ, Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Giấy xác nhận nội dung quảng cáo và maket đính kèm. |
Theo đó, thực phẩm chức năng Bổ Gan Giải Độc Livsin 94 Forte có nội dung quảng cáo phải tuân thủ “Theo nội dung maket được duyệt (đính kèm) của tổ chức/cá nhân phù hợp với quy định hiện hành. Tổ chức/ cá nhân có trách nhiệm quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận” – Cục ATTP quy định rõ.
Theo Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, khi tiến hành quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng bắt buộc phải có nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Tuy nhiên, quan sát toàn bộ quảng cáo của doanh nghiệp hoàn toàn không có nội dung khuyến cáo bắt buộc nêu trên. Như vậy, rõ ràng Công ty Cổ phần Đầu Tư Tư Kim Long đã vi phạm Nghị định của Chính phủ.
Trường hợp thứ 2 tương tự, đó là việc quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Cốm bổ Calcibaby. Sản phẩm này có giấy xác nhận công bố TCSP số 13156/2013/ATTP-XNCB. Mặc dù mô tả khá chi tiết về công dụng, đối tượng, cách dùng… nhưng doanh nghiệp hoàn toàn không đưa nội dung khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” vào quảng cáo của mình.
Quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Chất xơ thực phẩm FIBER PLUS BABY sai quy định. |
Một sản phẩm khác cũng vi phạm Nghị định của Chính phủ là sản phẩm thực phẩm chức năng Chất xơ thực phẩm FIBER PLUS BABY, có giấy xác nhận công bố TCSP số 27394/2013/ATTP-XNCB. Sản phẩm này được doanh nghiệp quảng cáo là sản phẩm đầu tiên tại Việt Nam được đặc chế dành riêng cho trẻ bị táo bón, trẻ có chế độ ăn thiếu chất xơ.
Với công thức ưu việt chứa 5000mg Fructo oligo saccharide kết hợp 50mg Inulin (Chất xơ tự nhiên hòa tan) bào chế dưới dạng ống uống trên dây chuyền công nghệ hiện đại, Fiber plus baby hiệu quả nhanh trong điều trị và phòng ngừa chứng táo bón ở trẻ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là sản phẩm chức năng và Công ty “phớt lờ” yêu cầu bắt buộc trong Nghị định của Chính phủ.
Trong các maket quảng cáo được Cục ATTP duyệt đi kèm luôn có nội dung ghi rất rõ: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” dành cho các sản phẩm thực phẩm chức năng. Vậy không hiểu vì lý do gì mà Công ty Cổ phần Đầu Tư Tư Kim Long lại “bỏ quên” trong hàng loạt các quảng cáo về sản phẩm của doanh nghiệp?
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin thêm về những sai phạm trong việc quảng cáo TPCN./.