Trong mức giảm 0,03% của CPI tháng 5/2020 so với tháng trước có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó: Nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,21% do ảnh hưởng của đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 28/4/2020 và tăng giá xăng, dầu vào thời điểm 13/5/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 4,98% (tác động làm CPI chung giảm 0,21%). Bên cạnh đó, nhiều chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng của các hãng xe ô tô đưa ra nhằm giảm lượng hàng tồn kho làm giá ô tô giảm 0,25%.
Nhóm bưu chính - viễn thông và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch đều giảm 0,02%. Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,01% chủ yếu do các cửa hàng thời trang đã áp dụng nhiều chương trình giảm giá để thu hút khách hàng sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34% (trong đó: Lương thực giảm 0,08%, Thực phẩm tăng 0,43%; Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,35%); Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,25% do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng cao; Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,25%, chủ yếu do giá gas tăng 12,08% (làm CPI chung tăng 0,14%) và giá nước sinh hoạt tăng 0,17%; Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,04%; nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,07%. Riêng nhóm giáo dục không thay đổi.
CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 tăng 4,39% so với bình quân cùng kỳ năm 2019 (các năm 2018-2020 lần lượt là: 3,01%; 2,74%; 4,39%); CPI tháng 5/2020 giảm 1,24% so với tháng 12/2019 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 2,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.
Theo TS Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính), CPI tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước và chỉ tăng 2,40% so với cùng kỳ năm trước là tin tốt.
Chuyên gia này phân tích:Trong 5 tháng đầu năm, mặc dù giá thịt lợn neo ở mức cao, thậm chí còn tăng dẫn đến giá thực phẩm bình quân 5 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước, nhưng may mắn là giá dầu đã giảm rất mạnh khiến cho giá giao thông giảm khoảng 7,5% trong cùng giai đoạn nên cũng cân đối được khá nhiều tác động từ giá thịt lợn đến lạm phát.
Một yếu tố khác giúp kiềm chế CPI 5 tháng đầu năm 2020 là Covid-19, khiến cho giá nhiều hàng hóa tăng thấp, hoặc giảm như giá các hàng hóa thuộc lĩnh vực văn hóa, giải trí, du lịch… “Bởi vậy, mặc dù CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2020 tăng 4,39% so với 5 tháng đầu năm 2019, nhưng vì CPI so với cùng kỳ năm trước chỉ ở mức 2,40%, nên CPI trung bình các tháng sau sẽ giảm dần. ..” - TS Độ dự báo.
Về triển vọng CPI từ nay đến cuối năm, theo chuyên gia, hiện có 2 yếu tố cần quan tâm. Thứ nhất là giá xăng dầu tăng trở lại. Tuy nhiên, khả năng sẽ không tăng quá mạnh vì kinh tế thế giới còn yếu, chưa thể phục hồi hoàn toàn trong năm nay. Mặc dù vậy, để kiểm soát lạm phát dưới 4%, Nhà nước vẫn cần xả Quỹ bình ổn xăng dầu, hiện có số dư tương đối lớn. Thứ hai là giá thịt lợn. Vì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giá thịt lợn tăng là do thiếu cung, nên giải pháp cơ bản vẫn là tái đàn và tăng nhập khẩu.
“Về tổng thể, nếu giá xăng dầu không tăng quá mạnh và giá thịt lợn giảm dần trong những tháng tới, thì mục tiêu lạm phát dưới 4% vẫn đạt được…” - chuyên gia Nguyễn Đức Độ khẳng định.