Trung Quốc đã bị chỉ trích cả trong và ngoài nước về việc xử lý dịch bệnh, đặc biệt là thời gian đầu bùng phát. Bằng những lời hoa mỹ ngày càng gay gắt, Bắc Kinh nói rằng họ chỉ đang "đáp trả" những cáo buộc sai trái, đặc biệt là từ Mỹ.
Vào tháng 3, khi đại dịch hoành hành trên toàn cầu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đã công khai một thuyết âm mưu virus có thể đã được quân đội Mỹ mang đến Trung Quốc. Vài ngày sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi virus corona là “virus Trung Quốc”, gây ra sự đổ lỗi cho Trung Quốc khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại các thành phố lớn của Mỹ.
Nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở đó.
Trong những tuần gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đã liên tục đả kích Trung Quốc về việc xử lý ổ dịch, nghi ngờ số người chết và chỉ trích phản ứng ban đầu của họ đối với dịch bệnh. Cuối tháng 4 đầu tháng 5, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố, dù không cung cấp bằng chứng, rằng virus có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc.
Bắc Kinh phản ứng, cho rằng đó là chiến thuật tái tranh cử nhằm thúc đẩy vị thế của Trump trong các cử tri Cộng hòa, còn giới truyền thông của Trung Quốc dồn sang chỉ trích ông Pompeo.
Nhưng sự việc đang đi xa hơn một cuộc chiến ngôn từ. Chính quyền Trump được cho là đang lên kế hoạch trừng phạt Trung Quốc về đại dịch, trong đó các lựa chọn trả đũa bao gồm các biện pháp trừng phạt, hủy bỏ nghĩa vụ nợ của Mỹ và đưa ra các chính sách thương mại mới. Ông Trump và một số quan chức chính quyền cũng đang tranh thủ các đồng minh nước ngoài tham gia chiến dịch gây áp lực chống lại Trung Quốc.
Mối quan hệ giữa hai nước trở nên xấu đi nghiêm trọng hơn sau cuộc chiến thương mại kéo dài hai năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - một cuộc chiến thương mại đã đẩy căng thẳng lên một tầm cao mới.
Được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán miền trung Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái, dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới đã lan xa ra khỏi biên giới nước này, lây nhiễm hơn 4,2 triệu người và giết chết hơn 291.800 người trên toàn cầu.
Hoa Kỳ đã báo cáo trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên vào tháng 1 - một người đàn ông ở tiểu bang Washington vừa trở về từ Vũ Hán 1 ngày trước đó. Ban đầu, tình hình có vẻ được kiểm soát, với 1 trường hợp tử vong và 22 trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo trên toàn quốc vào cuối tháng Hai. Nhưng số ca nhiễm mới đã bùng nổ vào tháng 3 và Hoa Kỳ hiện chiếm hơn một phần tư số ca tử vong được báo cáo trên toàn thế giới.
Chính phủ Trung Quốc đã nghi ngờ về nguồn gốc của đại dịch, tuyên bố những trường hợp sớm nhất có thể không xảy ra ở Vũ Hán.
Shi Yinhong, cố vấn cho chính phủ Trung Quốc và là giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết quan hệ Mỹ-Trung hiện đã "đạt đến điểm thấp nhất kể từ năm 1972", khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon có chuyến thăm lịch sử tới Bắc Kinh để bình thường hóa quan hệ song phương với Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông chào đón Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon tại nhà riêng ở Bắc Kinh, năm 1972. |
"Kể từ đầu năm 2018, quan hệ Mỹ - Trung đã bước vào tình trạng cạnh tranh và cạnh tranh toàn diện. Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch xảy ra, các mối quan hệ đã chịu một tổn thất lớn", Shi nói.
Sự cạnh tranh và đối kháng giữa hai nước hiện đã mở rộng sang thương mại, công nghệ, địa chính trị và tư tưởng chính trị, và các dấu hiệu rạn nứt cũng đang rộng hơn khi đại dịch đã chặn đứt các chuyến bay, du lịch quốc tế và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, Shi nói.
Khi mối quan hệ song phương giảm mạnh trong đại dịch, dư luận Mỹ về Trung Quốc cũng đã đạt mức thấp mới. Một cuộc thăm dò gần đầy của Pew thấy 66% người Mỹ có quan điểm bất lợi về Trung Quốc, tỷ lệ cao nhất được ghi nhận kể từ cuộc khảo sát hàng năm bắt đầu thực hiện vào năm 2005.
Tương tự, ở Trung Quốc, chủ nghĩa dân tộc và tâm lý bài ngoại đang tăng cao. Người dân Trung Quốc, đặc biệt là người Vũ Hán, có cảm giác rằng họ đã hy sinh rất lớn để đối mặt với dịch bệnh và chịu tổn thất, nhưng đất nước của họ vẫn bị chỉ trích vì làm không đủ, và từ đó họ cũng đổ lỗi cho các chính phủ khác về phản ứng không thỏa đáng trong việc xử lý đại dịch.
Khi số ca nhiễm mới giảm ở Trung Quốc và gia tăng ở nước ngoài, truyền thông Trung Quốc đã tuyên truyền về thành công của Trung Quốc trong việc đánh bại dịch bệnh. Trong một bài bình luận vào cuối tháng trước, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã ca ngợi hệ thống chính trị của Trung Quốc là "lợi thế lớn nhất" trong việc khắc phục sự bùng phát dịch bệnh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc diễu hành kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 1/10/2019 tại Bắc Kinh. |
Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài phát biểu trước giới trẻ nước này kỷ niệm 101 năm Phong trào Bốn tháng Năm - một phong trào chính trị do sinh viên lãnh đạo phản ứng sự thất bại của chính phủ trong việc ngăn chặn sự xâm lược của nước ngoài và bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, sau này phát triển thành những lời kêu gọi rộng rãi hơn cho sự hiện đại, dân chủ và khoa học.
Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã ca ngợi những người trẻ tuổi vì đã tham gia vào cuộc chiến chống lại sự bùng phát của dịch bệnh và kêu gọi họ "làm việc chăm chỉ để thực hiện giấc mơ Trung Quốc về trẻ hóa quốc gia", đài truyền hình CCTV cho biết.
Theo tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về "giấc mơ Trung Quốc" và thúc đẩy "trẻ hóa quốc gia", Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán hơn trong chính sách đối ngoại của mình, mong muốn thể hiện tầm ảnh hưởng của mình trên thế giới và bảo vệ một cách kiên quyết các lợi ích quốc gia "cốt lõi". Cách tiếp cận này cũng thu hút nhiều quan điểm khác nhau trong cộng đồng quốc tế.
"Ký ức về đại dịch và sự tàn phá của nó sâu sắc đến nỗi tôi e là những vết sẹo sẽ đọng lại trong trái tim của cả một thế hệ", Giáo sư Shi Yinhong nói.