Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chiều qua thông báo rõ ràng và đầy đủ về quyết định của cơ quan quản lý văn hóa cao nhất của Hà Nội với trường hợp Công ty TNHH Bích Ngọc đã vi phạm trong quá trình tổ chức chương trình liveshow ca sĩ Chế Linh.
“Chúng tôi không thay đổi thái độ từ nay đến cuối năm. Ít nhất cũng sau 6 tháng. Như tất cả chúng ta cùng thấy, mặc dù bị thu hồi giấy phép, không được chấp nhận biểu diễn chương trình tại Hà Nội nhưng công ty Bích Ngọc vẫn cho treo đủ các loại quảng cáo khắp Hà Nội”, ông Long nói với TTXVN.
“Chúng tôi không thay đổi thái độ từ nay đến cuối năm. Ít nhất cũng sau 6 tháng. Như tất cả chúng ta cùng thấy, mặc dù bị thu hồi giấy phép, không được chấp nhận biểu diễn chương trình tại Hà Nội nhưng công ty Bích Ngọc vẫn cho treo đủ các loại quảng cáo khắp Hà Nội”, ông Long nói với TTXVN.
Công ty Bích Ngọc “phớt lờ” việc tháo dỡ băng rôn. |
Trước đó, theo Công văn về việc hủy giấy tiếp nhận chương trình của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, thì Công ty TNHH Giải trí Bích Ngọc đã vi phạm ba điểm.
Thứ nhất là quảng cáo cho chương trình ngày 12/11 khi chưa có giấy phép quảng cáo.
Thứ hai, quảng cáo sai với nội dung xin phép. Sở chỉ cấp giấy phép tên chương trình là "Live show ca sĩ Chế Linh" chứ không phải là "Chế Linh 30 năm tái ngộ" như nội dung trên băng rôn quảng cáo.
Thứ ba, ngày 24/10, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng đã có công văn về việc nhà tổ chức chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bản quyền tác giả đối với liveshow này nhưng Nhà tổ chức vẫn cố tình không thực hiện.
Ngoài ra, chương trình đăng ký giấy phép có 35 bài, trong đó, 11 bài hát không có trong danh mục được phổ biến của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Và trong đêm nhạc diễn ra vào ngày 21/10 tại Hà Nội, nhà tổ chức vẫn cho biểu diễn 6 ca khúc khác không có trong cấp phép.
Ông Long khẳng định trên TTXVN, Công ty Bích Ngọc đã tỏ thái độ thách thức với cơ quan nhà nước, với thanh tra văn hóa. Một trong những nguyên nhân là do chế tài xử phạt quá nhẹ nhàng.
Theo ông Long: “Từ ngày 19/10, công ty này đã vi phạm, chúng tôi đã ra quyết định xử phạt 11.500.000 đồng. Đây là mức phạt cao nhất cho vi phạm treo pano. Nếu so với giá vé niêm yết là 3 triệu một người xem thì việc nộp phạt là nhỏ. Nên khi sau xử phạt, phía đơn vị tổ chức vẫn tiếp tục vi phạm. Nếu Sở Văn hóa được giao quyền xử lý như mức vi phạm quảng cáo tấm lớn là 2 triệu/ m2 thì tình hình sẽ khác”.
Khi được hỏi nếu "bầu sô" vẫn cố tình biểu diễn thì sẽ xử lý như thế nào, ông Long cho hay, nếu đơn vị này cố tình biểu diễn là vi phạm pháp luật và khi đó cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ vào cuộc.
Với những sai phạm của chương trình này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã có đề xuất với Cục Nghệ thuật biểu diễn không cho phép các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực hoạt động tổ chức biểu diễn mời các nghệ sỹ là người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia biểu diễn trong các chương trình do đơn vị đó tổ chức.
Mặt khác, Sở cũng đề nghị các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố nhắc nhở việc thực hiện cấp phép theo đúng quy định, rà soát, thẩm định kỹ nội dung biểu diễn, nhất là các tác phẩm sáng tác trước năm 1975 và nhất thiết chỉ cho phép biểu diễn những tác phẩm đã được phép phổ biến.
Theo Bee