Trên địa bàn xã Giáp Lai lâu nay được biết đến là “thủ phủ” của các mỏ khai thác, chế biến khoáng sản với trữ lượng lớn. Trong đó, công ty cổ phần Thanh Nhàn hoạt động với quy mô lớn.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác, tập kết, chế biến khoáng sản của Công ty Thanh Nhàn đã và đang tác động xấu đến môi trường xung quanh như: tác động đến cảnh quan, hình thái môi trường, tích tụ và phát tán chất thải, làm ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn nước, ô nhiễm nước, tiềm ẩn nguy cơ về mạch nước ngầm ảnh hưởng đời sống nhân dân…
Theo người dân xã Giáp Lai, từ lúc bãi tập kết, sản xuất của Công ty Thanh Nhàn đi vào hoạt động cũng là lúc người dân sống quanh đây phải hứng chịu ô nhiễm môi trường. Ngày nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì bùn đất vương vãi khắp nơi do trong quá trình vận chuyển khoáng sản các xe tải không che chắn thùng đã làm rơi vãi gây bụi bẩn ra lòng đường.
Khu chế biến, tập kết cao lanh. Ảnh: Xuân Hồng. |
“Công ty hoạt động rầm rộ ngày đêm. Hàng đoàn xe chở khoáng sản chạy liên tục khiến con đường giao thông huyết mạch của xã bị xuống cấp và hư hại nặng nề. Việc xe chạy, máy múc, máy gạt hoạt động ngày đêm gây tiếng ốn, bụi bẩn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Nguy hiểm hơn là nguy cơ mất an toàn giao thông do xe chở khoáng sản qua lại thường xuyên”, một người dân xã Giáp Lai (xin được dấu tên) cho biết thêm.
Ghi nhận của PV cho thấy, bãi tập kết, chế biến của Công ty Thanh Nhàn trải rộng đến vài hecta. Khoáng sản được tập kết lộ thiên không có che chắn; đổ tràn lan, chất cao như núi; việc tập kết khoáng sản đã tràn xuống hồ nước.
Điều đáng lo ngại, công ty đã đi vào hoạt động từ nhiều năm qua, nước thải trong quá trình chế biến khoáng sản nằm trong những hồ chứa trên đỉnh núi, lâu ngày đã thấm dần xuống lòng đất. Hiện nay, một hồ chứa nước nằm sát ngay diện tích đất sản xuất nông nghiệp, sinh sống của người dân đã bị biến màu, có mùi làm nhân dân lo lắng nguồn nước sản xuất, sinh hoạt bị ô nhiễm.
Bên cạnh việc tập kết, chế biến khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, nhiều người dân còn phản ánh việc Công ty Thanh Nhàn “chiếm đất vàng” để làm kho bãi, nhà xưởng; san lấp hồ, làm khu sinh thái Thanh Nhàn khi chưa được giao đất, phê duyệt dự án, cấp phép xây dựng.
Hồ nước thải của công ty Thanh Nhàn. Ảnh: Xuân Hồng. |
Để làm rõ thông tin phản ánh của người dân liên quan đến Công ty Thanh Nhàn, ngày 28/6 phóng viên đã đến UBND huyện Thanh Sơn, UBND xã Giáp Lai để liên hệ làm việc. Tại đây, ông Nguyễn Minh Đông, Phó Chủ tịch xã Giáp Lai đã tiếp nhận nội dung trao đổi thông tin và hứa sẽ báo cáo lãnh đạo, rồi phản hồi lịch làm việc với phóng viên. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (5/7), phóng viên chưa nhận được phản hồi về thời gian làm việc cụ thể từ những đơn vị này. Đại diện cho Công ty Thanh Nhàn cũng lấy lý do "đi lễ" nên chưa tiếp và trả lời phóng viên.
Thiết nghĩ, việc xây dựng phát triển kinh doanh sản xuất của Công ty Thanh Nhàn để thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người dân và thu thuế cho ngân sách nhà nước nhưng không vì thế mà đánh đổi môi trường sống của người dân. Đề nghị, cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ vào cuộc thanh tra, kiểm tra, làm rõ việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai, môi trường, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của Công ty Thanh Nhàn, tránh gây bức xúc trong nhân dân.
Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin./.