“Bắt đền” công ty
Vừa qua, nhiều hộ dân tại xã Cư Né, huyện Krông Búk đã đem theo chăn chiếu, nồi niêu rồi kéo đến trước trụ sở công ty cà phê Phước An, căng bạt ở lại nhiều ngày đêm liền để phản đối việc công ty này vi phạm hợp đồng, làm mất quyền lợi của các hộ liên doanh sản xuất cà phê.
Theo trình bày của bà con, vào năm 1995, Phước An đã ký Hợp đồng liên kết sản xuất, kinh doanh cà phê với 113 hộ dân tại thôn Ea Nguôi, xã Cư Né, Krông Búk. Thời hạn thể hiện trong hợp đồng liên kết là 25 năm (từ năm 1995 - 2020).
Phần đầu tư được chia với tỉ lệ công ty 60%, hộ liên kết 40%. Sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng, tài sản còn lại trên đất mỗi bên được hưởng chia đều (50%-50%). Sản phẩm ăn chia được tính tương đương như phần đầu tư trong hợp đồng đã ký kết.
Tuy nhiên, đến năm 2004 công ty này bị cho là đã “tùy tiện” thay đổi hợp đồng mà không có sự thỏa thuận hay bàn bạc với người dân.
Hơn thế, những nội dung trong hợp đồng lần này hoàn toàn có lợi cho phía công ty vì sau khi kết thúc hợp đồng, người dân không được hưởng 50% giá trị tài sản trên đất như lúc đầu. Điều vô lý là khi tiến hành lập hợp đồng mới, phía công ty cũng không hủy hợp đồng cũ đã lập trước đó.
Chị Nguyễn Thị Thu (SN 1970, xã Cư Né) trình bày: “Hợp đồng cũ là “Liên kết sản xuất sản phẩm cà phê”, hợp đồng mới có tên là “Giao-nhận khoán vườn cây cà phê”. Việc công ty lập ra hợp đồng mới không thông qua ý kiến người dân, khiến bà con phải chịu rất nhiều thiệt thòi”.
Cũng theo lời chị Thu, nội dung về sản lượng cà phê phải nộp trong hợp đồng 2004 còn cao hơn năm 1995. Thế nhưng lượng đầu tư phân bón lại giảm và phần thuốc sâu thì cắt hẳn.
Về sau, công ty cà phê Phước An còn tiếp tục thay đổi nội dung trong bản hợp đồng vào năm 2011 và 2014 mà người dân không được tham gia bàn bạc hay thỏa thuận. Bên cạnh đó, một số hộ dân liên kết phản ánh rằng, Công ty này còn tự ý giả mạo chữ ký của họ để hợp thức hóa các bản hợp đồng này.
Ông Y Ku Niê (SN 1959, xã Cư Né) trình bày: “Năm 2004, người dân chúng tôi không được thảo luận, bàn bạc về hợp đồng. Mọi thứ đều do phía công ty soạn ra, khi gặp người dân đâu thì đưa đó. Người phía công ty còn dọa rằng, nếu không ký vào thì sẽ thu lại lô, không cấp phân bón… để gây áp lực. Họ làm như vậy là không đúng, ép dân đủ điều”.
Người dân còn phản ánh thêm, vào vụ cà phê năm 2015, hạn hán gay gắt, nhiều hộ dân thiếu nước tưới nhưng phía công ty chậm hỗ trợ, khiến hoa cà phê bị cháy, mùa màng thất bát. Dù vậy, phía công ty vẫn tính tiền vượt sản lượng 3%, gây rất nhiều bức xúc trong lòng dân.
Nhận thấy quyền lợi của mình bị thiệt thòi, bà con đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng từ địa phương đến trung ương, mong mỏi được xem xét một cách thỏa đáng.
“Vắt chanh bỏ vỏ”
Trong cuộc đối thoại vào ngày 24/2/2016 giữa người dân và lãnh đạo công ty cà phê Phước An, các hộ dân bày tỏ nguyện vọng phía công ty phải thực hiện đầy đủ các nội dung theo hợp đồng năm 1995.
Đồng thời, bà con đưa ra yêu cầu phải làm rõ việc phía công ty cắt đất, nói để làm sân bóng, làm vườn thực nghiệm, nhưng sau đó lại phân lô bán cho các cá nhân.
Trả lời người dân trong buổi đối thoại này, ông Hồ Sỹ Trung - Giám đốc công ty cho rằng, vào năm 2004, sau khi công ty tổ chức hội nghị công nhân viên chức đã thống nhất thu hồi hợp đồng năm 1995.
Trên cơ sở đó, công ty lập lại hợp đồng năm 2004 theo luật doanh nghiệp, theo nghị quyết của đại hội công nhân viên chức. Các hộ dân đã nhận hợp đồng, đã thống nhất các nội dung trong đó.
Nói về việc thu tiền vượt sản lượng 3%, công ty cho rằng thực hiện để nộp vào quỹ bảo hiểm vườn cây theo quy định của pháp luật. Về nội dung tưới nước, ông Trung cho rằng, phía công ty đã thực hiện theo đúng quy trình kĩ thuật.
Một số điểm bị ảnh hưởng của hạn hán dẫn đến mất mùa, phía công ty đã xem xét để giảm sản lượng thu - chi. Về việc bán đất thanh lý, vị giám đốc giải thích, phía công ty thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh.
Công ty thực hiện thu hồi một số diện tích để bàn giao cho địa phương. Trong đó, nhiều hộ dân nhận khoán cũng được mua thanh lý. Phía công ty hoàn toàn không lợi dụng việc này để thu lợi cho cá nhân.
Người dân tiếp tục thắc mắc về việc phía công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng năm 1995 nhưng không thông báo. Sau đó lại thảo ra hợp đồng năm 2004 rồi đưa dân ký là chưa công bằng, chưa khách quan.
Bên cạnh đó, một số hộ nhận đất nhưng chẳng có hợp đồng mới. Trả lời vấn đề này, vị giám đốc chỉ nói chung chung là hợp đồng 1995 không còn giá trị. Hiện tại chỉ có hợp đồng năm 2004 và 2014 mới có hiệu lực. Việc giao hợp đồng chậm cho dân là lỗi do phía công ty và đã khắc phục.
Không đồng ý với câu trả lời chung chung này, ông Thân Trọng Cần phát biểu rằng, phía công ty không trả lời đúng trọng tâm, chưa rõ ràng tất cả các câu hỏi của người dân.
Bởi vậy, người này đề nghị các cơ quan chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra lại những nội dung bà con phản ánh trong buổi đối thoại để đảm bảo quyền lợi cho họ.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Phạm Đăng Khanh - Trưởng ban dân vận huyện Krông Pắk cho rằng, người dân và công ty chưa tìm được tiếng nói chung. Bởi vậy, ông đề nghị phía công ty nên có thiện chí để đi đến thống nhất với người dân.
Trên cơ sở những ý kiến của bà con đóng góp, công ty nên rà soát lại, nếu ý kiến nào xác đáng, thiết thực thì nên giải quyết cho người dân.
Trao đổi với XLPL về vụ việc trên, ông Y Ku-người đại diện cho các hộ dân chia sẻ: “Chúng tôi thật sự rất thất vọng vì phía công ty làm việc kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Bà con chúng tôi ai cũng cực khổ, ngày trước phải khai hoang, cuốc hố, trồng cây, chăm bón… mới có được rẫy cà phê.
Ban đầu, công ty đã làm hợp đồng rất tử tế, trong đó đã ưu tiên cho bà con nhiều quyền lợi. Thế nhưng không hiểu sao công ty lại lập ra hợp đồng mới mà chẳng thu hợp đồng cũ, cũng chẳng có văn bản thông báo cho chúng tôi.
Mong sao phía công ty xem xét lại, đồng thời các cơ quan có thẩm quyền cũng rà soát, kiểm tra lại những nội dung bà con phản ánh để có cách xử lý khách quan, đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi của người dân”.