Những năm qua, công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố được các ngành, cấp quan tâm, việc phòng tránh, ứng phó với thiên tai khá chủ động và bớt lúng túng. Tuy nhiên, đây đó, vẫn có tình trạng người dân và chính quyền địa phương chủ quan, thực hiện hình thức, khi thiên tai xảy ra, việc ứng phó khá bị động.
Chủ động hơn
Có thể thấy, việc tu bổ đê điều thường xuyên hằng năm được thực hiện sớm ngay từ những tháng cuối năm trước, thủ tục lập hồ sơ, đấu thầu giản tiện. Nhờ vậy, tiến độ thi công đê thường xuyên trong 2 năm gần đây đạt thời hạn quy định, chất lượng nhờ đó cũng được nâng lên. Hai năm qua, thành phố đầu tư kinh phí lớn cho tu bổ đê điều, đặc biệt là các tuyến đê biển. Từ đầu năm 2010, Thành uỷ, UBND thành phố có chỉ thị, công điện yêu cầu các ngành, địa phương, đơn vị chủ động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, đặc biệt là trong mùa mưa bão với nhiều diễn biến phức tạp.
Nhận rõ vai trò của sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống lụt bão, nhiều năm qua, thành phố và các địa phương đặc biệt chú ý phát huy sức mạnh lòng dân trong việc chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng sẵn sàng ứng phó với thiên tai Ngoài lực lượng quản lý chuyên trách, thành phố xây dựng lực lượng quản lý đê nhân dân, các địa phương xây dựng lực lượng xung kích hộ đê, PCLB- TKCN cùng quản lý, phát hiện và xử lý sự cố trên đê điều ngay từ giờ đầu. Mỗi ngành, địa phương đều xây dựng phương án trọng điểm hộ đê và PCLB, sẵn sàng chuẩn bị vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Chuẩn bị cho công tác PCLB- TKCN năm 2010, các quận, huyện, thị xã chuẩn bị lực lượng xung kích hộ đê, PCLB hơn 26 nghìn người, chuẩn bị vật tư, phương tiện tham gia công tác PCLB tại các tuyến đê xung yếu, mất an toàn. Các xã ven sông, ven biển còn xây dựng những mô hình phòng, chống thiên tai dựa vào cộng đồng. Điển hình như mô hình cụm tàu an toàn ở Đại Hợp (Kiến Thụy), Ngọc Hải (Đồ Sơn), Lập Lễ (Thủy Nguyên). Các vùng trũng thấp, vùng ven biển còn xây dựng đội thanh niên tình nguyện, lực lượng xung kích sẵn sàng cho việc di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm khi có bão lũ…
Cấp cơ sở lúng túng, bị động
Tuy nhiên, điều gợn nhất hiện nay là việc phòng, chống thiên tai ở một số địa phương cấp xã, phường chỉ tốt khi diễn tập! Còn khi bão, lũ xảy ra thật lại lúng túng. Hằng năm, các ngành, địa phương trên địa bàn thành phố xây dựng 20 phương án phòng, chống lũ bão trọng điểm. Tuy nhiên, phần lớn các phương án này còn chung chung và giống nhau, chưa cụ thể cho từng loại hình thiên tai và tình hình cụ thể của địa phương. Ngay đầu mùa mưa bão, các địa phương chú ý diễn tập phòng, chống, lụt bão rất bài bản. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố, có bão đổ bộ, nhiều địa phương việc chuẩn bị “4 tại chỗ” đều không… tại chỗ! Vật tư, phương tiện và hậu cần khi cần nhất đều thiếu. Nhiều địa phương khi xảy ra sự cố trong mưa bão gần như không huy động được xe ô tô, lực lượng sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Trong phòng, chống thiên tai trên biển, hiện nay khó khăn nhất của thành phố là nắm chắc số lượng tàu thuyền đang hoạt động trên biển đã về nơi trú ẩn an toàn chưa? Lực lượng bộ đội biên phòng làm khá tốt việc quản lý, nắm số lượng tàu thuyền tại khu vực biên giới biển. Nhưng các địa phương- đơn vị quản lý chính- lại lúng túng trong quản lý số tàu thuyền về bờ hoặc đang còn hoạt động trên biển của địa phương. Do vậy, mỗi khi có bão, Ban chỉ huy PCLB- TKCN thành phố rất khó có con số thống nhất.
Cần chú trọng “làm thật”
Để công tác phòng tránh thiên tai thực chất, Nhà nước và nhân dân cần chung tay thực hiện, trong đó, tính chủ động của người dân phải được nhấn mạnh. Người dân được bàn, quyết định, thực hiện và kiểm tra việc chủ động phòng, chống thiên tai, chủ động việc bảo vệ chính tính mạng và tài sản của mình. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để cán bộ ở cơ sở báo cáo công tác chuẩn bị đối phó với thiên tai công khai trước dân, chịu sự phê bình, góp ý của dân…
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị “4 tại chỗ” cần phù hợp với từng địa phương, từng loại hình thiên tai để thực sự phát huy hiệu quả khi xảy ra sự cố. Chẳng hạn như phòng chống động đất, sóng thần, nước biển dâng phải có phương án phòng, chống “4 tại chỗ” khác với ứng cứu sự cố tràn dầu, cứu nạn trên biển, ứng cứu hộ đê…
Vân khánh