Ngành công nghiệp ghi âm VN “chết” vì nạn in sang, phát hành đĩa lậu và cả những bất cập trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Bức xúc, các thành viên Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (tổ chức quy tụ 36/50 hãng sản xuất băng đĩa trên toàn quốc) đã “kêu than” với đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong buổi tiếp xúc làm việc của đoàn tại TPHCM ngày 11-8.Mạt vì đĩa lậu! Lâu nay, hệ thống cửa hàng bán đĩa trong cả nước chủ yếu kinh doanh đĩa phim, nhạc nhập lậu và in sang lậu. Chuyện các tay in sang đĩa lậu nhập đĩa thành phẩm từ Trung Quốc đã hầu như không còn. Tại các thành phố lớn, những “trùm” in sang đĩa lậu nhập luôn máy in hiện đại, có công suất lớn, kích thước nhỏ gọn đặt tại căn hộ gia đình để thực hiện việc in sang và phát hành hàng loạt chương trình phim, ca nhạc mỗi ngày. Tính trung bình, các cơ sở làm đĩa lậu này đưa ra thị trường hàng chục chương trình mỗi ngày.
Nhiều năm qua, băng đĩa được in sang lậu tràn ngập thị trường trong nước. Ảnh: Hồng Thúy |
Không phải tốn tiền mua bản quyền, không phải đóng thuế nên giá thành một đĩa phim, ca nhạc, sân khấu bản in lậu chưa đến 10.000 đồng. Với giá này, các nhà sản xuất đĩa hợp pháp không thể nào chống đỡ nổi, đành phải buông tay đầu hàng. Đĩa lậu hoành hành đến mức các ca sĩ mới vào nghề phải dựa vào hệ thống này để phát hành đĩa chương trình của mình bằng cách cho không bản quyền. Các ca sĩ có tên tuổi không còn cách nào hơn là đành bán bản quyền chương trình của mình cho các tay “trùm” làm băng đĩa lậu với giá rẻ mạt để thu lại một chút vốn, còn hơn là không có đồng nào. Ở thị trường có hơn 80 triệu dân nhưng ngành công nghiệp ghi âm VN không cất đầu lên được, đó là nghịch lý. Các nhà sản xuất hợp pháp cho hay tiền đầu tư cho các sản phẩm ghi âm là không ít, trung bình một sản phẩm tạp kỹ (ca-múa-hài) tốn từ 200 - 300 triệu đồng/chương trình; một album ca nhạc có chi phí đầu tư 400-500 triệu đồng/album nhưng khả năng thu về nửa số vốn bỏ ra ở thời điểm này là điều không tưởng. Thất thu không do sức mua của người tiêu dùng giảm mà chính do mạng lưới sản xuất, phát hành băng đĩa lậu cướp mất. Chỉ sau 2 - 3 ngày phát hành, các sản phẩm của các hãng đã bị thị trường lậu “xẻ thịt”. Không chỉ người bỏ vốn đầu tư mà cả ê kíp dày công thực hiện, đầy tâm huyết cũng cảm thấy chán nản. Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN, nói: “Các hãng đầu tư tiền bạc, công sức không ít nhưng cũng chỉ làm giàu cho những người sản xuất kinh doanh đĩa lậu nên chẳng ai còn muốn làm”. Nền công nghiệp ghi âm không đứng được trên thị trường đã dẫn đến hệ quả là đời sống âm nhạc không có những tác phẩm âm nhạc ghi âm có chất lượng nghệ thuật cao, như từng được phát triển hơn 10 năm trước. Nhạc sĩ sáng tác tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao không có người sử dụng nên cũng chẳng thiết tha sáng tác ca khúc mới, có giá trị. Vòng luẩn quẩn này càng đẩy hoạt động của ngành công nghiệp ghi âm VN lâm vào tình trạng tê liệt. Đĩa hợp pháp bị “hành” đủ kiểu Ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio - Video, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi không cạnh tranh nổi với băng đĩa lậu cứ ngang nhiên vi phạm bản quyền. Thật nghịch lý khi những sản phẩm văn hóa độc hại được bày bán công khai, thậm chí những cửa hàng và siêu thị mở nhạc cấm do các trung tâm sản xuất đĩa nhạc ở hải ngoại nhập lậu về VN. Các cơ quan quản lý văn hóa chỉ “bắt giò” chúng tôi từng chi tiết một, còn lại thì thả nổi thị trường”. Nhà sản xuất đĩa chương trình bị buộc phải đóng tiền tác quyền tại Trung tâm Bảo vệ Tác quyền âm nhạc VN trước để lấy giấy chứng nhận bổ túc hồ sơ xin phép sản xuất chương trình tại các cơ quan cấp phép sản xuất nhưng đến khi cơ quan quản lý xét duyệt cấp phép cho chương trình có bỏ ra một vài ca khúc trong đó thì các hãng phải đi đòi tiền tác quyền lại và phải làm lại quy trình, rất mất công. Bài hát đã cho phép rồi cũng phải photocopy 6 bản nhạc giấy để nộp, gây lãng phí.
Tháo gỡ vướng mắc GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trưởng đoàn giám sát, nói: “Việc hỗ trợ mọi điều kiện để các hãng sản xuất băng đĩa trong nước phát triển là việc làm cấp thiết. Những vi phạm về luật phát sóng, luật sở hữu trí tuệ có liên quan đến hai bộ: Thông tin - Truyền thông, Văn hóa - Thể thao - Du lịch chúng tôi sẽ đệ trình lên Quốc hội để có sự thống nhất trong cách quản lý, tháo gỡ ngay những vướng mắc để thị trường băng đĩa trong nước phát triển đúng định hướng của Nhà nước, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh”. |
Bà Trương Thị Thu Dung nói: “Có nhiều chương trình CD, VCD, DVD nộp lên cơ quan quản lý địa phương trong Nam không cấp phép nhưng ra các địa phương phía Bắc thì chỉ một tuần đã có giấy phép. Việc tem nhãn kiểm soát cũng hết sức nhiêu khê. Hiện nay, hầu hết các trung tâm đều dư lượng tem nhãn mua từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn đến hàng trăm ký. Số lượng tem này gây lãng phí lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng không thể tái sử dụng vì tên chương trình này không thể dán lên tên chương trình khác, mà thủ tục xin cấp tem nhiêu khê vô cùng, có khi lịch phát hành chương trình đi qua cả tháng trời mới có tem vì phải chờ tem của Cục Nghệ thuật Biểu diễn từ Hà Nội gửi vào. Tính thời vụ vì vậy không còn giá trị và hiệu quả kinh doanh không đạt được”. Ông Huỳnh Tiết đưa ra hai văn bản của Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TPHCM trả lời hai nội dung khác nhau về việc Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN kiến nghị việc xin trả tiền tác quyền tác giả sau 3 tháng phát hành băng đĩa. Theo đó, cục bảo cứ dựa theo Luật Sở hữu trí tuệ để trả tiền tác quyền sau, còn sở thì khẳng định phải làm đúng quy trình mà họ yêu cầu, không có biên nhận đóng tiền cho tác giả thì không cấp phép. Bà Trương Thị Thu Dung bức xúc: “Chúng tôi không biết phải làm theo ai?”. Về vấn đề thuế, các hãng cho rằng ngành sản xuất băng đĩa chưa bao giờ được miễn giảm thuế. Trước tình hình mất bản quyền trắng trợn như hiện nay, các nhà sản xuất băng đĩa trong nước đã sống cầm cự để giữ thương hiệu, không dám đầu tư cho chương trình. Từ năm 2009, thuế lên 10%, đẩy giá thành sản xuất tăng lên. Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN đã nhiều lần kiến nghị về việc xin giảm thuế nhưng cứ chờ đợi mỏi mòn mà chẳng thấy phản hồi.
Theo Thanh Hiệp - Thùy Trang
NLĐ
NLĐ