Đường dây tiêu thụ xe máy ăn trộm hoạt động từ Thanh Hóa vào các tỉnh phía Nam chia thành ba nhóm. Một nhóm trộm hàng ngàn xe, một nhóm chuyên làm giấy tờ giả cho các loại xe đắt tiền, một nhóm đưa đi cầm cố, bán rẻ. Liệu những người vô tình mua nhầm xe xịn giấy giả có giữ được xe?
Công an tỉnh Đồng Nai vừa hoàn tất giai đoạn 1 chuyên án điều tra mạng lưới trộm cắp, rồi dùng kỹ thuật công nghệ cao làm giấy tờ giả để bán xe. Kết quả điều tra cho thấy đã có hàng ngàn xe máy cùng giấy tờ giả được đưa đi tiêu thụ ở nhiều địa phương, kể cả Campuchia.
Theo đại tá Nguyễn Phi Hùng - phó giám đốc Công an Đồng Nai - mạng lưới này là một tổ chức tội phạm liên hoàn, từ trộm các loại xe máy cho đến việc làm giả giấy đăng ký xe của nhiều tỉnh thành và đem đi tiêu thụ.
Lần đầu mối
Một thành viên trong ban chuyên án cho hay tháng 8-2008, Công an huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai bắt quả tang Mai Thị Thơm (30 tuổi, giáo viên một trường tiểu học huyện Long Thành) đang sử dụng giấy đăng ký môtô giả để cầm chiếc xe Air Blade tại một tiệm cầm đồ ở xã Phước Thiền (huyện Nhơn Trạch).
Qua khai thác, Thơm khai chỉ trong hai tháng đã nhận 11 xe máy Air Blade kèm theo giấy tờ giả từ một người tên “Mập” ở TP.HCM để về cầm cố ở các tiệm cầm đồ tại Đồng Nai. Sau khi xác minh, Công an Nhơn Trạch xác định toàn bộ 11 chiếc xe Air Blade đều là xe làm giả giấy chứng nhận đăng ký (có kèm CMND) của Công an Đồng Nai cấp.
Dựa vào tài liệu trinh sát và lời khai của Thơm, Công an Đồng Nai xác định có một nhóm chuyên dùng giấy tờ giả để tiêu thụ xe máy. Đó là Mai Thị Thu (chị ruột Thơm, ngụ phường Long Bình, TP Biên Hòa), Hoàng Văn Đồng (54 tuổi, ngụ Quảng Bình), Lê Minh Dũng (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM). Đây là những đối tượng từng có tiền án, tiền sự và từng móc nối với “Mập” để mang xe gian đi tiêu thụ. Cách thức phạm tội của băng nhóm này là ăn cắp xe máy, hợp thức hóa hồ sơ xe bằng giấy tờ giả, làm biển số giả đem vào các tiệm cầm đồ với giá tiền dưới 50% giá trị thật của xe rồi không quay lại chuộc.
Thấy vụ việc có quy mô lớn, trải rộng trên nhiều địa phương, ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai quyết định lập chuyên án và tung các lực lượng chuyên môn vào cuộc điều tra.
Một số tang vật bị thu giữ trong chuyên án của Công an Đồng Nai - Ảnh: Hà Mi |
Giả con dấu, chữ ký công an 22 tỉnh, thành
Ban chuyên án cho hay qua nhiều tháng khai thác theo dõi, Công an Đồng Nai phát hiện “Mập” chính là Lê Văn Nam (48 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM). Tiến hành bắt Nam và khám xét nhà, công an đã thu giữ hàng trăm giấy chứng nhận đăng ký xe, CMND, giấy phép lái xe, giấy chứng nhận bảo hiểm xe máy, hộ khẩu và dụng cụ đục số xe...
Nam khai cho đến lúc bị bắt đã làm giấy xe giả và giao cho các đầu mối trong mạng lưới của mình ở các tỉnh khoảng 1.000 bộ. Từ khoảng giữa năm 2006, Nam đã liên kết với Phạm Tấn Lợi (50 tuổi, tạm trú quận Gò Vấp, TP.HCM) để sản xuất các giấy chứng nhận đăng ký xe máy, CMND giả.
Theo đại tá Nguyễn Phi Hùng, Công an Đồng Nai bắt Phạm Tấn Lợi và lần lượt tóm gọn thêm các “mắt xích” quan trọng liên quan đến mua bán xe gian và làm giấy tờ giả gồm Nguyễn Thanh Nhàn (46 tuổi, tạm trú ở Bình Dương), Võ Công Tường (26 tuổi, ngụ Nghệ An), Nguyễn Văn Dân (47 tuổi, ngụ Đồng Nai), Nguyễn Xuân Phi (46 tuổi, ngụ TP.HCM)...
Các đối tượng này khai nhận Lê Văn Nam đã đặt làm mỗi bộ hồ sơ giả với giá 800.000 đồng sau đó bán lại 1,1 triệu đồng, riêng giấy phép lái xe và CMND giả mỗi lần bán kiếm lợi 50.000-100.000 đồng/cái. Trong số những người bị bắt giữ, Phạm Tấn Lợi được xác định là đã “sản xuất” rất nhiều loại giấy tờ các cơ quan nhà nước trên toàn quốc.
Qua giám định con dấu, mẫu chữ ký, kết quả cho thấy Lợi đã chuẩn bị toàn bộ mẫu con dấu, chữ ký của phòng cảnh sát giao thông 22 tỉnh thành như TP.HCM, Đồng Nai, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Sóc Trăng, Tây Ninh... Ngoài ra còn có mẫu con dấu, chữ ký của phòng PC 13 công an một số tỉnh, thành và mẫu con dấu, chữ ký của các UBND quận, huyện TP.HCM.
Theo ban chuyên án, đến nay riêng Công an Đồng Nai đã bắt giữ 30 tội phạm chuyên nghiệp trong mạng lưới trộm cắp, tiêu thụ xe gian, làm giấy tờ giả; thu giữ 100 chiếc xe máy, hàng ngàn giấy tờ giả và nhiều tài sản khác. Nhóm tội phạm đã bị bắt giữ trải dài từ Thanh Hóa trở vào các tỉnh phía Nam.
Hoạt động của các đối tượng bị bắt chia làm ba nhóm: một nhóm bố trí ở các tỉnh để chuyên đi trộm cắp xe máy và bán cho một nhóm chuyên tiêu thụ để lấy tiền; nhóm tiêu thụ thông qua nhóm làm giấy tờ, con dấu, CMND, biển số giả để hợp thức toàn bộ các hồ sơ xe đắt tiền như SH hoặc Air Blade hay RX, rồi đưa đi tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành dưới hình thức cầm cố, mua bán. Riêng xe Wave đánh cắp, băng nhóm tội phạm này đã phân công người đưa đến các cửa khẩu biên giới tại các tỉnh An Giang, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và đưa sang Campuchia hàng ngàn chiếc để tiêu thụ.
“Chuyên án đã kết thúc giai đoạn 1 và đang làm tiếp giai đoạn 2” - đại tá Nguyễn Phi Hùng nói.
- Theo Tuoitre.com.vn