Vừa bảo vệ đê vừa thi công kè…
Do ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở bờ biển tại tỉnh Cà Mau ngày càng nghiêm trọng. Mỗi năm, địa phương này mất đến hàng trăm hecta đất do xói lở. Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân ven biển, tỉnh Cà Mau đang áp dụng nhiều giải pháp khoa học công nghệ mới nhằm ứng phó với tình trạng sạt lở bờ biển, trong đó có giải pháp “Cấu kiện lắp ghép, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển”.
Cấu kiện (kè) lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ, đê biển là một giải pháp thuộc cụm công trình đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 về Khoa học - Công nghệ của Anh hùng lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Việt Nam (Busadco), tiền thân là Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Kè phá sóng bảo vệ bờ biển và gây bồi tạo bãi bằng công nghệ “Cấu kiện lắp ghép, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” do công ty Busadco thi công tại bờ biển Đông và bờ biển Tây Cà Mau có tổng chiều dài 2,1 km, với tổng mức đầu tư 37,8 tỷ đồng. Dự án đang được triển khai theo cơ chế lệnh khẩn cấp tại đoạn bờ biển bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng dài 1.200m khu vực ven biển Kinh Mới - Đá Bạc (thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Đây là đoạn bờ biển bị sạt lở liên tiếp do sóng đánh trực diện vào chân đê, tạo thành nhiều hốc lồi lõm sâu và vách đứng, nguy cơ vỡ đê là rất cao, nếu không kịp thời xử lý sẽ gây mất an toàn đối với toàn bộ khu vực dân cư thị trấn Rạch Gốc ven biển Cà Mau. Do đó, Busadco đồng thời phải làm việc trong dự án này vừa bảo vệ đê, vừa thi công kè.
Trong buổi kiểm tra thực địa ngày 29/10, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau chọn giải pháp công nghệ của Busadco vì kè Busadco được sản xuất từ vật liệu bê-tông cốt phi kim chống ăn mòn trong môi trường nước mặn. Đặc biệt, đại diện chính quyền tỉnh Cà Mau cho biết, trước đây tỉnh Cà Mau áp dụng công nghệ có giá thành rất cao, khoảng 30 tỷ đồng/km nhưng hiện nay,với giải pháp công nghệ của Busadco vừa đảm bảo tính ổn định lại vừa giảm mạnh chi phí xuống chỉ còn 18 tỷ đồng/km.
Ngoài ra, theo đánh giá của chính quyền địa phương, công trình bước đầu đảm bảo hiệu quả ổn định, có khả năng gây bồi tạo bãi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn; cấu kiện gọn nhẹ, thuận lợi cho việc thi công và lắp đặt; phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, lũ, sóng và triều cường; bảo đảm chống đứt gãy, lún sụt cục bộ, sạt lở, xói mòn...
Cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ, đê biển đã hạ thuỷ thành công ở biển Tây |
Bảo vệ đê bằng cách… “bẫy sóng”
Công nghệ kè của Busadco sử dụng vật liệu bê tông cốt phi kim kết hợp vật liệu mới cốt sợi Polypropylene thay thế cho cốt thép dùng trong bê-tông thông thường, có khả năng chống ăn mòn trong môi trường nước mặn, sản xuất trên dây chuyền bê-tông thành mỏng đúc sẵn, do đó khắc phục được những yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu, thủy văn trong quá trình thi công.
Kết cấu kè này có lỗ phá sóng, có vách ngăn đục lỗ nằm giữa kè, nhằm tiêu hao năng lượng sóng và giảm lưu tốc dòng chảy khi truyền qua công trình nhưng vẫn đảm bảo phù sa có thể vận chuyển qua và bồi lắng phía sau công trình. Lỗ mặt kè giảm sóng được bố trí ở mặt trước, sau và vách giữa kè (diện tích lỗ chiếm 32% diện tích mặt) và bố trí so le giữa các mặt.
Các lỗ mặt kè có tác dụng tiêu hao năng lượng sóng, giảm sóng phản xạ, giảm áp lực sóng tác dụng lên công trình, giảm xói trước và sau chân công trình. Tấm phai bố trí giữa kè có bố trí lỗ làm tăng khả năng giảm sóng, giảm vận tốc dòng chảy khi truyền qua cấu kiện, hạn chế tối đa hiện tượng xói cục bộ trước chân công trình.
Các module (đốt) kè được chôn xuống dưới nền đất tự nhiên 1m, liên kết với nhau bằng khớp trượt. Các module kè được đúc thành các khối bê-tông rỗng với bốn bên mặt thành đổ bê-tông, riêng phần mặt đáy để hở, mái kè có độ dốc, có gân ngang và dọc, giúp tăng cường khả năng chịu lực của cấu kiện.
Ông Hoàng Đức Thảo chia sẻ, hiểu một cách đơn giản nhất, kè Busadco ở biển Đông và Tây Cà Mau làm nhiệm vụ… “bẫy sóng” hoặc phá sóng. Khi các đợt sóng lớn tràn vào, đi qua kè của Busadco sẽ bị “nhốt” vào trong kè (bao gồm cả phù sa) thông qua các lỗ mặt kè. Trong lòng kè, sóng sẽ một lần nữa được giảm… tốc bằng các phai, do đó khi sóng đến chân đê hiện hữu, độ “hung dữ” đã được giảm đáng kể. Bằng cách này, hoàn toàn có thể bảo vệ được đê hiện hữu, đồng thời giữ lại được phù sa, tạo bãi bồi ở biển.
Công nghệ “Cấu kiện lắp ghép, bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển” của Busadco đã được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận công nghệ phù hợp. Công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi tại nhiều địa phương như Thái Bình, Hải Phòng, TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và một số tỉnh ở đồng bằng Sông Cửu Long.