4 chuyến đi biển, 2 chuyến cứu người
Sáng 15/5, Đài Thông tin duyên hải TP Đà Nẵng tiếp nhận thông tin từ tàu cá QNa 90749TS do bà Nguyễn Thị Hồng Phượng (SN 1978, trú tại huyện Núi Thành, Quảng Nam) làm chủ tàu thông báo tàu bị hỏng máy thả trôi trên khu vực bắc Biển Đông, cách Đà Nẵng khoảng 500 hải lý. Trên tàu có 49 ngư dân.
Do khu vực tàu bị nạn nằm xa đất liền, lực lượng cứu hộ, cứu nạn không thể ứng cứu kịp thời nên Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng đã kêu gọi các tàu chung quanh hỗ trợ. Đến sáng 17/5, tàu cá ĐNa 90777TS do ông Trần Văn Mười (ở phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) làm chủ đang hoạt động nghề cá ở cách tàu QNa 90749TS khoảng 80 hải lý đồng ý đến ứng cứu và tiếp cận tàu bị nạn tối cùng ngày. Tàu ông Mười do Thuyền trưởng Trần Tiến Hùng điều khiển đã lai dắt tàu QNa 90749TS với tốc độ 5 hải lý/giờ. Sau hơn bốn ngày, đến ngày 21/5, tàu cá ĐNa 90777TS đã lai dắt tàu cá QNa 90749TS cùng 49 ngư dân Quảng Nam về đến âu thuyền Thọ Quang an toàn. Sức khỏe các ngư dân đều ổn định.
Tàu cá ĐNa 90777TS của ông Trần Văn Mười vừa đi biển được 14 ngày, đánh bắt chưa đủ tiền phí tổn xăng dầu nhưng khi có thuyền gặp nạn, Thuyền trưởng Trần Tiến Hùng đã điện icom thông báo với chủ tàu để quay tàu về hướng tàu bị nạn, đặt tính mạng của các ngư dân gặp nạn lên hàng đầu. Từ đầu năm đến nay, mới đi biển được 4 chuyến nhưng tàu cá ĐNa 90777TS đã 2 lần ra tay nghĩa hiệp cứu bạn giữa trùng khơi.
Trước đó, trong chuyến biển tháng 2/2018 tàu cá ĐNa 90777TS cũng đã cứu tàu cá ĐNa 90039TS hỏng máy gần quần đảo Hoàng Sa. Chuyến cứu biển lần đó tàu ĐNa 90777TS phải mất gần 10 ngày trên biển để tiếp cận và lai dắt tàu gặp nạn vì thời tiết sóng to gió lớn.
Ít người biết rằng, ngư dân Trần Văn Mười có bề dày thành tích trong cứu hộ, cứu nạn tàu cá, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, được vinh danh là một trong 20 công dân Đà Nẵng tiêu biểu, được TP Đà Nẵng biểu dương, khen thưởng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương.
Quyết tâm bám biển làm giàu
Năm 2003, ông Trần Văn Mười bắt đầu tham gia khai thác đánh cá trên biển cùng với cha với cương vị là một máy trưởng. Vùng biển xa nhất họ có thể vươn tới cách bờ khoảng chục hải lý trở lại. Hồi đó, hễ trời yên biển lặng, cứ chiều tối, cha con ông giong thuyền ra biển, tờ mờ sáng hôm sau trở về. Mỗi chuyến, thu khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Có chuyến bán cá xong không đủ bù chi phí. Rồi cơn bão Chan Chu năm 2006 nhấn chìm hàng chục tàu câu mực xà của Đà Nẵng. May mắn trong cơn bão đó, tàu cá của cha ông Mười không sao, nhưng ngư dân sợ hãi không dám ra biển. Con tàu gần 2 tỷ đồng của gia đình ông đắp chiếu nằm bờ hàng năm trời. Cứ thế lãi chồng lên nợ, trắng tay, cha ông suy sụp và phải từ giã biển cả, từ giã tâm huyết hơn nửa đời người của ông.
Năm 2007, ông trở thành chủ tàu thay cha. Ông Mười thuê thêm lao động, đổi tàu công suất lớn để vươn khơi dài ngày hơn. Tàu cá ĐNa 90567TS hành nghề chụp mực có công suất 802 CV với số lao động trên tàu là 45 thuyền viên. Để tăng hiệu quả và giảm chi phí đầu vào, tránh tình trạng thời tiết mưa gió, lượng mực đánh bắt được đổ ngược xuống biển nên cuối năm 2013, sau khi nghiên cứu và tìm hiểu, ông Mười quyết định làm hầm sấy mực khô dưới tàu, dùng sức nóng từ động cơ tàu kết hợp với gió biển để sấy mực.
Nhờ sáng kiến này, hiệu quả kinh tế đem lại tăng thêm đáng kể, thu nhập mỗi thuyền viên từ 100 triệu đồng/năm nay tăng lên từ 120-140 triệu đồng/năm. Ông Mười đã phổ biến kinh nghiệm này cho ngư dân cùng nghề trên địa bàn quận và đã được Hội Nghề cá Việt Nam chứng nhận đạt danh hiệu Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam.
Hiện nay, ông Mười có 2 chiếc tàu để ra khơi, bám biển với trị giá trên 20 tỷ đồng gồm: một chiếc tàu gỗ trị giá 5 tỷ đồng và một tàu sắt công suất lớn trị giá 18,5 tỷ đồng. Đầu năm 2016, con tàu vỏ thép đầu tiên của Đà Nẵng được đóng mới theo chương trình vay vốn ưu đãi phục vụ hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ của Chính phủ mang số hiệu ĐNa 90777TS được hạ thủy với công suất máy 822 CV, tổng kinh phí là 18,5 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng là 1,5 tỷ đồng và vốn vay ưu đãi 17 tỷ đồng. Tàu được trang bị hệ thống đánh bắt tiên tiến, đồng bộ bằng hệ thống cấp đông với 20 lao động. Tàu cá ĐNa 90777TS được ngư dân Trần Văn Mười đặt tên là tàu An Nam.
Nghề đi biển vất vả vô cùng. Hiện nay, ít người Đà Nẵng làm nghề đánh cá trên biển. Hầu hết họ chuyển lên bờ kinh doanh, buôn bán. 2 tàu cá của ông Mười với mấy chục ngư dân, nhưng chỉ có 4-5 người ở Đà Nẵng. Khi làm việc trên tàu cá ông Mười, nếu các chủ tàu khác chia lợi nhuận theo tỷ lệ 30-70% sau khi tàu cập bến, thì ông Mười lúc nào cũng chia đều 50-50.
Để đáp ứng công tác hậu cần sau khai thác, đảm bảo hải sản luôn tươi ngon, ông Mười đã đầu tư thêm 1 cơ sở sản xuất nước đá cây và 1 cơ sở nước đá xay tại cảng cá Thọ Quang, cung cấp cho tàu nhà và các tàu nghề lưới vây. Ngoài ra, ông còn đầu tư 1 cơ sở sửa chữa cơ khí gia công các loại tời kéo lưới, neo tàu và các dịch vụ sửa chữa máy móc tàu cá, xưởng gia công khoảng 50 tời kéo.
Muốn vươn khơi xa hơn nữa, tháng 10 năm nay, ông Mười và một đối tác Hàn Quốc đã thử kết hợp khai thác cá Hagfish (còn gọi là cá mức đá) bằng cách thả lờ. Sau khi thực nghiệm và khảo sát, ông Mười nhận thấy đây sẽ là một hướng khai thác mới của ngư dân Đà Nẵng vì rất ít người biết nhưng hiệu quả đem lại rất cao so với các nghề truyền thống như lưới vây, lưới cảng…
Không chỉ gắn bó với những con tàu vươn khơi xa, ông Mười còn đầu tư phát triển thêm ngành du lịch cho quận Sơn Trà. Với mong muốn thu hút nguồn khách du lịch đến địa bàn quận nhiều hơn, năm 2012, ông Mười đã thuê mặt bằng từ Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng để mở thêm bãi tắm Mân Thái, trồng cây xanh tạo cảnh quan đẹp cho bãi tắm, phục vụ nhân dân.