Hoạt động của CQĐT mạnh, hiệu quả là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước để “lấp khoảng trống quyền lực” trong hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm sự trong sạch, vững mạnh của các cơ quan tư pháp, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với hệ thống các cơ quan tư pháp nước ta.
Thời gian gần đây, với việc ra đời của Hiến pháp 2013 và một loạt các bộ luật, luật quan trọng thì thẩm quyền của CQĐT VKSND Tối cao đã được mở rộng hơn rất nhiều. Ông có thể thông tin cho bạn đọc biết về vị thế và vai trò mới này của CQĐT VKSND Tối cao?
- Với việc Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức VKSND 2014, BLTTHS 2015 và Luật Tổ chức CQĐT hình sự 2015 thì nhiệm vụ, thẩm quyền của CQĐT VKSND Tối cao đã có sự thay đổi rõ rệt. Theo đó, CQĐT VKSND có thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của BLHS xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc CQĐT, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Có thể thấy thẩm quyền của CQĐT VKSND đã được mở rộng hơn rất nhiều so với quy định cũ. Nếu như trước đây, CQĐT VKSND Tối cao chỉ tiến hành điều tra một số tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp thì hiện nay có thẩm quyền điều tra đối với các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp (24 tội danh), tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (14 tội danh).
Ngoài ra, các quy định mới cũng mở rộng về chủ thể tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của CQĐT VKSND Tối cao. Trước đây, CQĐT VKSND Tối cao chỉ tiến hành điều tra đối với các chủ thể tội phạm là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp. Nay, theo quy định mới thì CQĐT VKSND Tối cao còn có thẩm quyền điều tra đối với người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp, bao gồm: người giám định, người dịch thuật, người định giá tài sản, luật sư, người bào chữa, cán bộ thuộc các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra… khi họ tham gia vào hoạt động tố tụng và cán bộ công an xã, phường, thị trấn, đồn công an khi những người này thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết ban đầu các tố giác, tin báo về tội phạm.
Việc quy định rõ ràng, rành mạch về thẩm quyền trong các đạo luật mới về tư pháp sẽ là cơ sở để CQĐT VKSND Tối cao khẳng định vị thế, vai trò của mình nhằm phục vụ tốt hơn nữa việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành KSND.
Thưa ông, nói đến chuyện oan sai, dư luận không thể không nhắc đến vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Tuy nhiên, khá nhiều người không biết rằng chính CQĐT VKSND Tối cao là đơn vị trực tiếp phá án để tìm ra hung thủ thực sự của vụ án, minh oan cho ông Chấn. Ông có thể thông tin về việc điều tra này cũng như hoạt động điều tra nói chung của đơn vị?
- Khoảng tháng 7/2013 thì CQĐT VKSND Tối cao tiếp nhận “đơn kêu oan” của gia đình ông Chấn. Qua nghiên cứu ban đầu, chúng tôi nhận thấy có dấu hiệu oan sai đối với ông Chấn và hung thủ của vụ án có thể là Lý Nguyễn Chung nên đã cử Tổ công tác đi Bắc Giang và Lạng Sơn để xác minh.
Với các chứng cứ đã thu thập được, CQĐT đã lập Ban Chỉ đạo chuyên án và các tổ công tác phối hợp với C45 (Bộ Công an) truy tìm Lý Nguyễn Chung cũng như thu thập tài liệu chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng này; đồng thời tập trung thu thập, kiểm tra, xác minh làm rõ các chứng cứ ngoại phạm của ông Nguyễn Thanh Chấn… Ngoài ra CQĐT còn phối hợp với Trại giam để áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn cho ông Chấn cũng như động viên, trấn an tinh thần đối với thân nhân ông Chấn.
Tuy nhiên, do Lý Nguyễn Chung đã biết việc mình đang bị điều tra nên đã bỏ trốn, liên tục thay đổi số điện thoại liên lạc, gây nhiều khó khăn trong việc truy tìm, điều tra. Sau khi xác định Chung trốn sang Trung Quốc, các điều tra viên đã tác động, cảm hóa người thân của Chung để vận động Chung ra đầu thú, hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Ngay sau khi ra đầu thú, Lý Nguyễn Chung đã khai nhận là thủ phạm giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản đêm 15/8/2003.
Một vụ án đã xảy ra trên 10 năm, vật chứng của vụ án không còn, thông tin thì mơ hồ và đối tượng nghi vấn đã bỏ trốn, nhưng bằng tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, bằng bản lĩnh linh hoạt, sáng tạo của các điều tra viên, chúng tôi đã phá được vụ án, minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
Bên cạnh vụ án này, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp về tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp cũng như làm rõ những vụ án oan sai, bỏ lọt tội phạm được dư luận xã hội quan tâm, như: Vụ “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang, vụ “Ra bản án trái pháp luật” xảy ra tại TAND tỉnh Ninh Bình; vụ Vũ Ngọc Dương ở huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội bị điều tra, truy tố, xét xử oan về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”...
Từ những kết quả đạt được, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao ngày càng khẳng định được vai trò và vị trí trong hệ thống các cơ quan tư pháp, góp phần thực hiện có hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành KSND; được Đảng, Nhà nước, các cơ quan, đơn vị hữu quan và nhân dân tin tưởng, ghi nhận.
Xin ông cho biết, ngoài công tác đấu tranh xử lý các vi phạm, tội phạm thì CQĐT VKSND Tối cao có những biện pháp gì để phòng ngừa, khắc phục sơ hở trong công tác quản lý cán bộ của các cơ quan tư pháp?
- Hoạt động của CQĐT ngành KSND được thực hiện với phương châm kết hợp giữa đấu tranh và phòng ngừa tội phạm. Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh các tội phạm, chúng tôi luôn chú trọng, tích cực xác định nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm, tội phạm để kiến nghị với cơ quan tư pháp hữu quan xử lý triệt để vi phạm; đồng thời làm tốt công tác giáo dục, phòng ngừa, khắc phục những sai phạm, sơ hở trong công tác quản lý cán bộ và trong hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp.
Từ năm 2010 đến nay, CQĐT VKSND Tối cao đã ban hành 490 văn bản kiến nghị yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa; các kiến nghị trên đều được các cơ quan tư pháp nghiêm túc tiếp thu và có biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, việc khắc phục, thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ được Cơ quan điều tra VKSND Tối cao chú trọng thực hiện. Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp trung bình đạt 55%.
Điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp là một hoạt động điều tra đặc thù, ngoài những đặc điểm như của các CQĐT thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, hoạt động điều tra của CQĐT ngành KSND còn có những đặc điểm riêng về chủ thể tội phạm và hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức CQĐT chỉ được tổ chức ở cấp Trung ương, địa bàn hoạt động trải rộng khắp 63 tỉnh, thành phố và không có “chân rết” ở địa phương…
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và VKSND Tối cao cùng với sự phấn đấu của cán bộ, điều tra viên, với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị hữu quan, CQĐT VKSND Tối cao đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, đạt được nhiều thành tích nổi bật trong công cuộc đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm thuộc thẩm quyền.
Ý thức được trách nhiệm lớn lao mà Đảng và nhân dân đã giao phó, cùng với những bài học kinh nghiệm và sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo VKSND Tối cao, CQĐT VKSND Tối cao sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, củng cố và nâng cao sự tin tưởng của nhân dân đối với hệ thống các cơ quan tư pháp nói riêng đối với các cơ quan nhà nước nói chung.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!