Sự phát triển “nóng” của nghề công chứng nhờ chủ trương xã hội hóa theo Luật Công chứng (năm 2006) vừa tạo “sức sống mới” cho nghề công chứng nhưng cũng đặt ra những vấn đề không thể không quan tâm.
Nâng cao chất lượng công chứng phải bắt đầu từ “siết” tiêu chuẩn Công chứng viên |
Lo khi 67% công chứng viên được miễn đào tạo
Trước khi có Luật Công chứng, đội ngũ công chứng viên mới có khoảng 200 người. Do “độ mở” của Luật Công chứng, chỉ trong vòng 5 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa, đội ngũ công chứng viên phát triển nhanh chóng về số lượng, đến nỗi gần đây phải “phanh” như nhận xét của TS.Trần Thất (Vụ trưởng Vụ Hành chính tư pháp – Bộ Tư pháp).
Song điều khiến những người làm công tác quản lý nhà nước và cả các chuyên gia “ái ngại” từ sự phát triển của đội ngũ công chứng viên là thiếu sự “chắc chắn” khi có đến 67% công chứng viên thuộc những đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng.
Ông Đặng Văn Khanh (Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) cho biết, đa số đều trên 60 tuổi vì trước đó họ là cán bộ các cơ quan tư pháp (có bằng luật) nghỉ hưu (như ở TP.Hà Nội, có đến 50% công chứng viên là những người như vậy).
Thực trạng này đã từng khiến một công chứng viên có thâm niên phải đề nghị xem xét lại điều kiện và độ tuổi hành nghề công chứng, “đừng để công chứng thành “cái sọt”. Ngay cả những người “ngoại đạo” như đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cũng nhận thấy “nếu cứ để cán bộ về hưu chuyển sang làm công chứng viên thì khó có đội ngũ công chứng viên chuyên nghiệp”.
Bên cạnh đó, nghề công chứng ngoài kiến thức pháp lý còn rất nhiều kỹ năng đòi hỏi phải được đào tạo, mà không phải cứ người từng làm việc hay nắm các chức vụ cao ở các cơ quan tư pháp là có thể biết như phản ánh của bà Đỗ Hoàng Yến (Vụ trưởng Vụ Bổ trợ Tư pháp – Bộ Tư pháp).
“Ngại” học sao thành chuyên nghiệp?
Cũng như nhiều nghề khác, đối với nghề công chứng, thời gian đào tạo và tập sự là rất cần thiết. Do đó, quan điểm của Tổ Biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng là giữ nguyên qui định về miễn đào tạo, sửa đổi qui định về miễn tập sự theo hướng một số đối tượng được giảm 50% thời gian tập sự nhưng tất cả đều phải kiểm tra hết tập sự trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề công chứng. Đồng thời, xem xét để qui định “mức trần” độ tuổi hành nghề công chứng là 70 và để được bổ nhiệm là công chứng viên là 65.
Đa số các chuyên gia đều cho rằng, nâng cao chất lượng công chứng phải bắt đầu từ “siết” tiêu chuẩn công chứng viên. Trong đó, phải “trẻ hóa” đội ngũ công chứng viên theo hướng trong giai đoạn trước mắt có thể “chấp nhận” xu hướng cán bộ về hưu chuyển sang làm công chứng viên, còn sau đó thì chấm dứt. Như vậy cũng là phòng ngừa tình trạng làm công chứng viên chỉ để “đóng dấu ăn tiền, không quan tâm đến hậu quả pháp lý”, cũng như không để có những phát ngôn như “tôi không nghĩ về hưu lại kiếm tiền dễ như thế” (vì chuyển sang làm công chứng).
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính (Phó Trưởng ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng) còn nhấn mạnh đến qui định bắt buộc phải học mới được hành nghề, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức hàng năm và tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động công chứng.
Sáng qua (3/1), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường – Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng - đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban soạn thảo để thông qua kế hoạch và một số nội dung quan trọng của dự thảo như giới hạn tuổi bổ nhiệm và tuổi hành nghề của công chứng viên, giá trị pháp lý của văn bản công chứng, các loại hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng, giao cho công chứng viên chứng nhận chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản… Theo kế hoạch, dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2013. |
Huy Anh