“Công chúa” Sara Al Amoudi đến tòa hầu kiện bằng xe Rolls-Royce gắn biển số dành cho các nhân vật hoàng gia, tay cầm điện thoại di động nạm kim cương trị giá 75.000 USD và được ba cận vệ lực lưỡng đeo kính đen tháp tùng. Người đàn bà bí ẩn này bị vợ chồng triệu phú bất động sản Ian Paton và Amanda Clutterbuck kiện về tội lừa đảo chiếm đoạt 6 căn hộ sang trọng tại thủ đô London trị giá 20,8 triệu USD.
Công chúa hay… gái điếm?
Bên trong cánh cửa toà án, đôi bên kịch liệt tố cáo nhau. Vợ chồng Paton và Clutterbuck thẳng thừng gọi Sara Amoudi là gái điếm làm tiền, đào mỏ, lừa đảo chứ chẳng phải công chúa nào của xứ “Ngàn lẻ một đêm” như cô ta tự xưng. Trả miếng lại, nàng “công chúa” tự cho mình là con gái của các tỷ phú Hoàng gia A-rập Xê-út tố cáo vợ chồng Paton và Clutterbuck đánh cắp tiền của cô gửi và dựng chuyện để chạy tội.
Trùm kín mít trong tấm khăn choàng, “Công chuá” Amoudi rời toà bằng hơi mang biển VIP |
Sara Amoudi khai với tòa rằng tuy sống ở London nhưng mỗi tuần cô nhận một vali đựng khoảng 150.000 USD tiền “tiêu vặt” của gia đình từ quê nhà gửi cho và cô đã nhờ ông Paton quản lý hộ số tiền này. “Công chúa” nói cô chẳng hề định góp vốn làm ăn gì với gia đình Paton, còn 6 căn hộ nọ là của cô vì ông Paton đã đem số tiền của cô gửi dùng vào việc khác mất sạch và phải đem các căn hộ đó gán nợ.
Luật sư Jonathan Seitler của cô Sara Amoudi nói giữa thân chủ của mình và ông Paton “trăng gió” với nhau đằng sau lưng bà Clutterbuck và vợ chồng nhà này dựng chuyện cô Amoudi gạt tiền để che lấp bê bối này, cũng như việc ông ta nghiện ma tuý.
Ngược lại, ông Paton khai với tòa rằng vợ chồng ông quen với cô Sara Amoudi 10 năm trước qua lời giới thiệu của nhà kinh doanh bất động sản Elliot Nichol. Sau khi cô Amoudi nói cho ngài Nichol biết rằng cô có hàng triệu đôla tiền gửi ở Dubai thì bà Clutterbuck lấy tiền quỹ công ty của bà cho cô vay để tham gia dự án kinh doanh bất động sản chung.
Cô Sara nói cô đã chuyển 10 triệu USD vào dự án đó cho ngài Nichol nhưng khổ nỗi doanh nhân này đã chết mà cô lại chẳng có chứng từ nào làm chứng việc chuyển tiền.
Bà Clutterbuckn nói trước Tòa : “Ông Nichol trong một lần say rượu đã thú nhận với tôi rằng cái người được gọi là công chúa của xứ A-rập Xê-út ấy thực ra là một ả điếm” sống trong một căn hộ sang trọng trị gía hơn 1 triệu USD ở gần khu siêu thị Harrods.
Chưa hết, vì cũng tin vào nguồn gốc giàu có của cô Amoudi, vợ chồng Paton đã giao cho cô 6 căn hộ ở London nay được định giá là 20,8 triệu đôla để cùng tham gia vào một dự án đầu tư bất động sản khác. Thế nhưng, tiền mà cô Amoudi hứa mãi vẫn chưa thấy chuyển, nhưng 6 căn hộ nọ thì đã được sang tên cho cô ta. Nay vợ chồng Paton tố cáo cô lừa đảo và đòi lại số tiền hơn 20 triệu USD, trị giá của 6 căn hộ.
Hôn thê bỏ trốn của hoàng tử?
Vậy cô Sara Amoudi này là ai ? Có thực cô giàu có nhờ gia đình hoàng tộc tỷ phú ? Người ta thấy cô sống rất vương giả. Khi vụ kiện xảy ra, Tòa án phát lệnh cấm cô bán đi bất kỳ bất động sản nào mà cô đang đứng tên, bao gồm 13 căn hộ trong khu thượng lưu Knightsbridge và Chelsea, một căn nhà nghỉ ở West Sussex và một toà nhà lớn khác ở Cornwall. Cô từng tặng bạn trai cũ cả một chiếc xe hơi Ferrari.
Quanh chuyện tiền bạc của Sara Amoudi, tin tức mâu thuẫn nhau. Có tin cô ta thuyết phục được ngân hàng HSBC cho vay 6 triệu USD trong khi thông tin từ ngân hàng Barclay nói cô ta có tài khoản tiền gởi lên tới gần 250 triệu USD.
Ông Stuart Cakebread, luật sư của gia đình Paton trình Toà rằng cô Sara Amoudi luôn tìm cách khoe cho mọi người tin rằng cô ấy lấy một người trong hoàng tộc A rập Xê Út và rằng cô ấy được hưởng thừa kế từ một người cha giàu sụ. Theo vị luật sư này, Sara Amoudi từng nêu tên hai người nổi tiếng thuộc họ Al Amoudi là cha mình.
Người đầu là Sheikh Mohammed Hussein Al Amoudi, nhà tỷ phú gốc Ethiopia với tài sản ròng 12,3 tỷ USD, được xếp thứ 63 trong danh sách những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes năm 2011, người thứ hai là Mohammed Aboud Al Amoudi – em họ của nguời thứ nhất, đồng thời là chủ của chuỗi 5 khách sạn Intercontinental ở Jeddah.
Cô Sara Amoudi nói mẹ cô, bà Maryam Hassan Abdullah Baroom, là vợ của Hussein Al Amoudi, thế nhưng về chuyện nhận họ hàng này thì các luật sư của nhà tỷ phú đã lên tiếng bác bỏ rằng “Thân chủ của chúng tôi không có bà vợ nào và đứa con nào có tên như vậy”.
Không ai biết tuổi chính xác của Sara Amoudi, người nói cô 30, kẻ cho rằng cô đã 43. Thường nhật, kể cả ra trước tòa, lúc nào cô ta cũng trùm khăn che kín mít cả đầu lẫn mặt chỉ để hở 2 con mắt, thế nhưng đám phóng viên vẫn chớp được những bức ảnh cô ”công chúa” của xứ A Rập cổ kính mặc những bộ trang phục tân thời, thậm chí là quần jean khi chui vào các hộp đêm uống rượu say mèm.
Sara Amoudi khai với viên chức di trú Anh một câu chuyện đời như cổ tích rằng năm cô 13 tuổi, cha cô gả cô cho một hoàng tử nhưng ông này đã già lại tàn tật. Không nghe lời cha, cô bỏ trốn. Cha cô cho người truy tìm, vì lo sợ cho tính mạng, cô tìm cách thoát khỏi A Rập Xê út.
Vì bà nội cô là người Yemen nên bằng cách nào đó, Sara Amoudi xin được hộ chiếu Yemen vào năm 2000 – thời mà việc cấp hộ chiếu Yemen không phải chuyện khó nếu có tiền – và rời quê cha để tránh bị bản án ném đá đến chết.
Ở Anh Sara Amoudi chẳng phải nhân vật mới gì với toà án và báo chí. Cô ta từng bị đặt biệt danh “Con mụ trùm mạng che mặt chuyên mồi chài đàn ông” sau khi quyến rũ được vô số nhân vật danh tiếng, trong đó có chân sút bóng danh tiếng người Thuỵ Điển Freddie Ljungberg, các ngôi sao điện ảnh như Joaquin Phoenix hay Colin Farrell.
Sara Amoudi cũng từng ra tòa vì liên luỵ đến vụ anh chàng bồ của cô – người mẫu nam Thuỵ Điển Patrick Ribbsaeter – nện vỡ mõm người tài xế riêng của cô. Lần đó, cô Amoudi nổi điên khi từ Thái Lan quay về bắt gặp Ribbsaeter đang ở trong căn hộ của mình với hai phụ nữ.
Trong cuộc nói chuyện “phải trái” giữa cặp đôi, anh chàng người mẫu đã lao vào cô bạn gái định “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” nhưng bị tài xế của cô chặn lại. Trong cơn cuồng nộ, Ribbsaeter đã đập nguyên một cái ly vào mặt người tài xế. Tuy nhiên, qua năm 2012 từng có tin đồn rằng cô Amoudi có thai với Ribbsaeter nhưng moị chuyện đã chìm lắng sau khi Ribbsaeter lãnh án tù 5 năm về tội hành hung một cô bạn gái khác vì ghen tuông.
Cô Sara Amoudi còn có một “bạn trai” 81 tuổi, cụ Dominick Browne, người nối dõi tước vị quý tộc đời thứ 4 của gia đình Oranmore and Browne. Tập tước của cha mình từ năm 2002, sau khi ông cụ mất ở tuổi 100, ngài Dominick Browne không mấy thích thú với nhiệm vụ của ngài ở Thượng viện mà thích làm thơ, viết kịch. Bạn bè của ngài Dominick Browne có quan hệ gần gũi vài năm nay, thậm chí ngài còn nhận được lời cầu hôn của cô công chúa 28 tuổi.
Phi Anh