Dấu ấn năm 2016
Kết quả vừa được Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố, tổng số doanh nghiệp (DN) đang thực tế hoạt động (không bao gồm các DN đã đăng ký, chưa đi vào hoạt động, các DN ngừng hoạt động có đăng ký) do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2016 trên phạm vi cả nước là 477.808 DN, tăng 8% so với năm 2015.
Trong đó, năm 2016 được xem là năm số DN thành lập mới cả nước đạt kỷ lục với 110.100 DN, tăng 16.2% so với năm 2015; Tuy nhiên số DN ngừng hoạt động, giải thể trong năm 2016 cũng đạt con só ấn tượng với tổng số DN ngừng hoạt động có đăng ký trên phạm vi cả nước là 19.917 DN, tăng 27.3% so với năm 2015 và số DN hoàn thành thủ tục giải thể của cả nước là 12.478 DN, tăng 31.8% so với năm 2015. Trong khi đó, số DN quy trở lại hoạt động là 26.689 DN.
Những tỉnh, thành có số lượng DN chiếm tỷ trọng cao trong cả nước có tốc độ phát triển DN đang hoạt động năm 2016 so với 2015 là: TP HCM chiếm 33.6% số DN cả nước, tăng 7.8%; Hà Nội chiếm 23.1% số DN cả nước, tăng 6.5%; Đà Nẵng chiếm 2.68% số DN cả nước, tăng 10.9%; Hải Phòng chiếm 2.29% số DN cả nước, tăng 11.5%;…
Sức khỏe nền kinh tế
Tuy nhiên, tại thời điểm này, tổng số lao động đang làm việc trong khu vực DN là 12,86 triệu người, bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm khu vực DN thu hút lao động tăng thêm 9.4% (giai đoạn 2000-2010 tăng 11.2%; giai đoạn 2010-2015 tăng 6.1%).
Đáng chú ý, tại thời điểm này, tổng vốn và doanh thu của khu vực DN đều tăng cao. Cụ thể tổng vốn thu hút vào khu vực DN cả nước đạt 23.656,7 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm khu vực DN thu hút tăng thêm 22.8% vốn cho sản xuất kinh doanh (giai đoạn 2000-2010 mỗi năm thu hút thêm 25.1%; giai đoạn 2010-2015 mỗi năm thu hút thêm 14%); Năm 2015 tổng doanh thu theo giá hiện hành của khu vực DN đạt 14.949,2 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm tăng 21.6% (giai đoạn 2000-2010 tăng 25.3%/năm; giai đoạn 2010-2015 tăng 14.2%/năm).
Tuy nhiên, lợi nhuận và đóng góp vào ngân sách nhà nước (NSNN) của khu vực DN lại không cùng tốc độ tăng của vốn đầu tư và doanh thu.
Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2015 đạt 552.7 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực DN tăng 19% (thấp hơn mức tăng của vốn 22.8% và doanh thu 21.6%) (giai đoạn 2000-2010 tăng 24.1%; giai đoạn 2010-2015 tăng 7.5%).
Đóng góp cho NSNN của khu vực DN năm 2015 là 746.4 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm khu vực DN đóng góp cho NSNN tăng 18.2%, thấp hơn mức tăng của vốn, doanh thu và lợi nhuận (giai đoạn 2000-2010 tăng 21.1%/năm; giai đoạn 2010-2015 tăng 11.6%/năm).
Lý giải về điều này, ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng thống kê công nghiệp (TCTK) cho biết, giai đoạn 2010-2015 do ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu, DN Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN như miễn giảm một số loại thuế; gia hạn nộp thuế thu nhập DN… nên đóng góp của DN vào NSNN thấp.
Ngoài ta, có số liệu này cũng cho thấy DN và nền vẫn phát triển theo chiều rộng chủ yếu tăng trưởng vốn, lao động nhưng hiệu quả chưa cao và thực tế với trên 97% DN nhỏ và vừa,, công nghệ lạc hậu nên lợi nhuận thấp. “Đó là thực trạng sức khoẻ của nền kinh tế Việt Nam và các DN Việt Nam”, đại diện TCTK khẳng định.
Cuối năm sẽ công bố bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp
Theo Phó Tổng cục trưởng TCTK Phạm Quang Vinh, theo Nghị quyết 35 về “Hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020” Bộ KH&ĐT được giao chủ trì cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng và công bố Bộ chỉ số đánh giá mức độ phát triển DN của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các Tỉnh, TP trực thuộc Trung ương
Thực hiện Quyết định của Bộ trưởng KHĐT, TCTK đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án xây dựng bộ chỉ số này. Dự kiến đến cuối năm 2017, Bộ KH&ĐT (TCTK) sẽ công bố Bộ chỉ số với đầy đủ các thông tin liên quan.