[links()]Để minh chứng cho việc không thể trục lợi khi đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình EPS, ông Lee Myung-hee, Trưởng đại diện Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam khi trao đổi với báo giới đã nhấn mạnh: không có cá nhân nào có thể can thiệp để cho lao động trúng tuyển, được chủ chọn nhanh, công ty tốt hay lương cao. Thậm chí dù “con trai của Thủ tướng muốn đi Hàn Quốc nhanh cũng không được”.
Trái với những cam kết mạnh mẽ của chính phía bạn, tại nhiều địa phương ở nước ta trong những ngày qua- trước kỳ thi tiếng Hàn(sẽ diễn ra từ 12/2011) vẫn rộ lên thông tin các đường dây có thể lo liệu cho thí sinh trúng tuyển và…“bay nhanh”.
Chưa thi đã lo tiêu cực
“Nhận chạy suất”, “bao trúng tuyển kỳ thi tiếng Hàn”, “được chủ sử dụng chọn nhanh sau khi đưa hồ sơ lên mạng”, “được bố trí để làm việc ở nhà máy có lương cao, nhiều giờ làm thêm”…là những thủ đoạn không hề mới các “cò mồi”, môi giới đưa ra để lừa đảo người lao động có nguyện vọng đi làm việc ở Hàn Quốc.
“Uy tín cá nhân” của những đối tượng này cao tới nỗi trước các kỳ kiểm tra tiếng Hàn, Bộ LĐTBXH cùng với các cơ quan, ban ngành liên quan nỗ lực tuyên truyền, phát tờ rơi cảnh báo nhưng không kỳ thi nào không có người trở thành “bị hại”, “nạn nhân” của các vụ lừa đảo kiểu trên.
Nguy cơ càng tăng cao khi vừa qua thông tin về việc Hàn Quốc dừng tiếp nhận lao động Việt Nam do tỷ lệ bỏ trốn cao, kỳ thi tiếng Hàn dự định diễn ra vào tháng 8/2011 bị dừng lại.
Sau đó, giữa tháng 11 vừa qua, phía Hàn Quốc lại tiếp tục cho tổ chức đăng ký dự thi tiếng Hàn và thông báo chỉ tiêu dành cho Việt Nam là 15.000 lao động.
“Cơn sốt” Hàn Quốc tiếp tục lan tỏa ở các vùng quê.
Hàng ngàn người chen lấn để mong có một "suất" dự thi tiếng Hàn |
Theo báo cáo của các Sở và các trường nghề thuộc Bộ Quốc phòng, tổng số lao động tới đăng ký tham gia kỳ kiểm tra tiếng Hàn vào hai ngày 17-18/12/2011 lên tới 66.222 người ( tăng khoảng 15.000 người so với dự kiến).
Có những địa phương như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…người lao động đã chen lấn, dẫm đạp để có được một “suất” đăng ký.
“Cầu thấp cung cao” khiến cho cơ quan chức năng thêm một lần lo lắng người lao động bị lừa đảo.
“Chưa thi đã lo có tiêu cực” là tâm trạng khá phổ biến của lãnh đạo các sở LĐTBXH- nơi tiếp nhận đăng ký của người lao động- cũng như lãnh đạo Trung tâm lao động ngoài nước, Cục QLLĐNN ( Bộ LĐTBXH).
Trong rất nhiều cuộc phỏng vấn với báo giới cũng như tại các cuộc họp báo chính thức, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh- Cục trưởng Cục QLLĐNN, ông Phan Văn Minh- giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước- đều đưa ra những khẳng định, cảnh báo người lao động: việc tổ chức thi tiếng Hàn là do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc chủ trì tổ chức và không ai có thể can thiệp, không giao cho doanh nghiệp của cả Việt Nam và Hàn Quốc vì có tiêu chí phi lợi nhuận.
Cả phía Hàn Quốc và Việt Nam đều khẳng định quy trình thi rất nghiêm ngặt, toàn bộ bài thi dưới dạng trắc nghiệm đều được niêm phong đưa về Hàn Quốc, việc trúng tuyển do phía Hàn Quốc quyết định.
Thế nhưng lợi dụng sự nhẹ dạ và thiếu thông tin của người lao động, đặc biệt là tâm lý sợ bị trượt vì đông người tham gia thi trong khi chỉ tiêu có hạn, những đối tượng lừa đảo "có thâm niên, kinh nghiệm, uy tín (vì từng "giúp" được một số người trúng tuyền-pv)” về thị trường Hàn Quốc vẫn lừa được người lao động.
Thực tế, Bộ LĐTBXH đã ghi nhận nhiều trường hợp được kẻ lừa đảo, hứa hẹn “bao trúng tuyển” với chi phí 5.000 - 6.000 USD/người. Nhiều trường hợp chúng đã “ăn tiền” trót lọt khi người lao động may mắn trúng tuyển thật, nhưng kể cả khi không trúng tuyển chúng cũng không trả lại tiền cho người lao động.
Có thật “thủ tướng cũng không thể can thiệp”?
Trong cuộc họp báo gần đây nhất về chương trình kiểm tra tiếng Hàn sẽ diễn ra vào tháng 12 tới ddaauy, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh- Cục trưởng Cục QLLĐNN “tiết lộ” với báo giới: toàn bộ vấn đề về ra đề, bảo quản đề và chấm thi đều do phía Hàn Quốc đảm nhiệm. Để bảo mật đề thi và bài kiểm tra, các cán bộ phía Hàn Quốc sẽ xách tay đề và bài kiểm tra lên máy bay.
Khi về khách sạn, các cán bộ này sẽ thay phiên nhau bảo vệ đề để chống mọi hành vi có nguy cơ làm lộ đề. Về phía Việt Nam, công an, UBND các tỉnh có tổ chức địa điểm thi cũng đã được gửi văn bản nhằm phối hợp hỗ trợ trong quá trình thi. Sau khi về Hàn Quốc, bài thi được chấm bằng máy nhằm hạn chế tối đa sự can thiệp của con người.
Đại diện cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc tại cuộc họp báo cũng khẳng định: Đây là chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ cho nên không có một doanh nghiệp nào được phép tham gia. Không có bất kỳ ai có thể "can thiệp" để thí sinh nhận được sự "ưu ái" trong kết quả và việc tiếp nhận từ chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. “Dù con trai Thủ tướng muốn đỗ, đi nhanh hay lương cao cũng không được”, vị đại diện này nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng khẳng định : “tuyệt đối không có chuyện có thể... giúp đỡ trong chuyện này, cho dù ứng viên là người thân của cán bộ Bộ LĐ, TB&XH hay của lãnh đạo Cục QLLĐNN".
Đăng ký tham dự kỳ thi tiếng Hàn |
Không chỉ “nói”, các đơn vị này còn thực sự “làm” khi tuyên bố sẽ thắt chặt kỳ luật phòng thi để tránh chuyện tiêu cực, gian lận.
Theo đó sẽ không có chuyện “thầy giáo tiếng Hàn” đi thi để kèm hay nhắc bài ( đã từng xảy ra trước đây).
Ngoài đề thi được bảo mật tuyệt đối, Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc - đơn vị tổ chức thi tuyển lưu ý: Trước 9h30 và 14h30 các ngày 17 và 18/12, thí sinh dự thi phải có mặt tại các địa điểm thi, sau các mốc giờ nêu trên, cổng các điểm thi sẽ bị đóng cửa, cấm tuyệt đối không cho bất cứ ai ra vào. Các thí sinh sẽ bị cấm đưa điện thoại di động vào phòng thi.
Tại cổng các địa điểm thi sẽ có cán bộ coi thi chia làm các tốp nam, nữ kiểm tra và thu toàn bộ điện thoại di động trước khi thí sinh vào phòng thi. Tại phòng thi sẽ tiến hành kiểm tra thêm một lần nữa, thí sinh nào vi phạm, cố tình đưa điện thoại vào phòng thi sẽ bị đình chỉ thi ngay lập tức.
Cùng đó, thí sinh cũng bị cấm đưa các thiết bị nghe, nhìn khác như cassette, MP3, từ điển điện tử và tất cả các phương tiện điện tử nhằm sử dụng cho mục đích gian lận trong kỳ thi.
Các thí sinh có hành vi gian lận sẽ bị hủy bài kiểm tra và bị cấm dự kiểm tra các kỳ tiếp theo trong vòng 2 năm. Khi kiểm tra xong, nếu có sự khác biệt về thông tin cá nhân giữa CMND/hộ chiếu và đơn đăng ký dự kiểm tra tiếng Hàn thì sẽ bị hủy đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc dù điểm kiểm tra đạt yêu cầu.
…Chỉ còn 1 tháng nữa kỳ thi tiếng Hàn lần thứ 9 sẽ diễn ra. “Hiệu quả” của những “tuyên bố” trên vẫn còn chờ sự kiểm chứng qua kỳ thi thực sự.
Trong khi đó ở các địa phương người lao động vẫn tìm và tin các thông tin “ngoài luồng”, những lao động thuộc 23 xã phường trong danh sách Bộ LĐTBXH khuyến nghị “cấm thi” do có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao cũng đang loay hoay, thậm chí tách, chuyển hộ khẩu để được tham dự kỳ thi.
Tất cả những hiện tượng đó là câu hỏi nhức nhối mà “những người trong cuộc” cần nhìn nhận thấu đáo để đưa ra một “đáp án”, một câu trả lời…
[poll(508)]
Anh Phương