Chẳng thướt tha, yểu điệu và cũng chẳng sang trọng như thường thấy với một nghệ sỹ piano - Phó An My gợi cho mỗi người gặp một ấn tượng mạnh về cá tính riêng biệt. Và cũng từ đây, những cuộc “hôn phối” gây sốc khi kết hợp piano với tuồng, chầu văn và tới đây là hát then liên tục ra lò.
Lạ hoắc và lập dị
Trong ngôi nhà nhỏ trên con phố Tô Ngọc Vân yên tĩnh, yên tĩnh tới lạ lùng với một kẻ tự nhận mình là “ham chơi”, nhìn mái tóc cắt ngắn và xoăn tít như điện giật của chị cùng giọng nói thuốc lá đá thuốc lào, tôi không thể kìm lòng bật cười trước sự... đáng yêu của chị.
Chị cười, ngày tôi còn học ở trường nhạc, mọi người nhìn tôi như chẳng liên quan gì tới việc học đàn piano. Một con bé lạ hoắc, lập dị. Còn khi lớn, tôi đã từng có thời gian cạo trọc đầu, chỉ đơn giản: Cho mát! Cho dù, tôi không cố tình tạo ra điều này nhưng có lẽ Phó An My không phù hợp với hình ảnh mọi người vẫn thường thấy về các nghệ sỹ piano. Có khán giả khi xem chương trình của tôi về nói rằng, ấn tượng về Phó An My với mái tóc xoăn tít và buộc túm cùng cặp kính tròn xoe trên mặt.
Và chỉ khi ngồi bên piano, Phó An My như thoát xác thành con người khác đầy đam mê, cuốn hút mọi ánh nhìn. Từ cái nôi âm nhạc truyền thống của gia đình, nên khi 5 tuổi Phó An My đã làm quen với chiếc đàn piano. Năm 13 tuổi, chị sang Berlin (Đức) vào Trường E.M. Phillips Bach - một trong những trường đào tạo âm nhạc tốt ở Đức học piano.
"Nhập đồng" bên chiếc Piano |
Nhớ lại 8 năm học tại Đức, nhạc sỹ Phó An My nói: “Thời gian đó tôi như người tu trên núi. Suốt ngày chỉ biết đến luyện đàn”. Nỗ lực ấy góp phần giúp tài năng toả sáng, trong thời gian học tập chị đoạt giải nhất cuộc thi song tấu piano - clarinette của thành phố Berlin năm 1996 và tốt nghiệp loại xuất sắc, năm 1998. Gặt hái những thành công danh giá ban đầu, nhưng khi về nước Phó An My như chim xổ lồng, chị rong chơi khắp nơi bao lời hứa hẹn những đêm biểu diễn cứ xếp xó dài dài.
Thế rồi, con người ham chơi ấy cũng lập gia đình, vợ chồng họ coi nhau là bạn nhiều hơn. 30 tuổi chị sinh con đầu lòng, bốn ngày sau sinh chị đã mang con ra ngồi vắt vẻo ở quán cà phê gần nhà. Cái tính người mẹ đểnh đoảng, nên con cứ tự ăn mà lớn vì thế mà con gái khôn sớm, độc lập sớm. Rồi chị khoe, “Này nhé, 3 tuổi con bé đã biết yêu rồi đấy. Nó đến ông ngoại chơi, nhìn thấy một anh 10 tuổi học đàn. Ngưỡng mộ lắm, nó suốt ngày tìm sang nhà ông khi “thần tượng” có mặt, về nhà thì gọi điện xem anh có đến không”. Với người khác chắc sẽ tá hoả, hay lo lắng vì con “lớn” sớm, nhưng với Phó An My lại khác, chị lại nói giọng... ngưỡng mộ: “Biết biểu lộ tình cảm sớm càng tốt”.
“Cơn điên” Phó An My
Nhớ về buổi biểu diễn “Piano - Chầu Văn Phó An My” vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Phó An My kể: “Khi đi xin cấp phép biểu diễn, nhiều người đã nghi ngại, tôi phải đưa ra những mối quan hệ mới có phép biểu diễn. Có lẽ người ta còn e ngại tôi tạo ra thế giới tâm linh trên sân khấu. Thực sự ở đây, tôi chỉ muốn giới thiệu nghệ thuật dân gian bằng nhạc cụ phương Tây hiện đại”.
Dù piano kén người nghe, nhưng khi nó được thể hiện trong những giá đồng, và người nghệ sỹ làm sợi dây nối âm - dương, tiếng piano bỗng thật quen thuộc. Người ta cảm nhận được tiếng nước toé lên khi Cô Bơ ngã xuống nước, tiếng cười hồn nhiên trong sáng của Cậu bé, rồi mải chơi bất ngờ lăn ra ngủ, hay cảm nhận sự thướt tha, dịu dàng của các cô tiên trong giá ông Hoàng Bảy... “Nhận bản nhạc biến thể từ Chầu Văn của Đặng Tuệ Nguyên tôi thấy hay quá. Nhập đồng khi đang tập, khiến tôi bỗng cảm giác có bóng người lướt qua, người sợ ma như tôi bỗng giật mình ngừng đàn” - Phó An My bật mí.
Bắt đầu với Tuồng và giờ là Hát văn, người ta không hiểu Phó An My có ý đồ nghệ thuật gì khi kết hợp Hát văn cùng piano. Chị chia sẻ, tất cả những điều tôi làm đều bắt nguồn từ niềm yêu thích. Hiện nay, khi nghệ thuật truyền thống đang loay hoay với kế hoạch bảo tồn và phát triển cũng như cách tiếp cận với giới trẻ, nhưng mấy ai biết rằng, những điều cơ bản nhất về các bộ môn nghệ thuật của dân tộc như Tuồng, Hát văn, Chèo... nhiều người còn không biết và không hiểu.
Riêng mình, tôi hiểu và tin rằng, với lối đi thẩm mỹ nghệ thuật của riêng mình rồi chị sẽ tới với số đông công chúng, vừa gần gũi, sang trọng và tinh tế bởi sự tài hoa và niềm đam mê cháy hết mình cùng tiếng dương cầm của một Phó An My... nhập đồng.
“Kết duyên” lạ lùng
Là một nhạc sỹ piano cận đại, Phó An My đã thể hiện được một tiếng đàn giàu cảm xúc, phô diễn kỹ thuật điêu luyện với phong thái ngẫu hứng riêng biệt. Những chương trình như Phiêu Thanh, Lửa thiêng (2008). Những điều còn mãi với Bồng Bềnh (2009), Tiếng thốt (2010) đều được sử dụng những ngôn ngữ âm nhạc dân gian Việt Nam như Tuồng tích, Hò mái đẩy Huế, Hát Cọi dân ca Tày, đặc biệt phù hợp với phong cách piano cận đại được cho là độc đáo nhất Việt Nam của Phó An My. |
Miên Thảo