Ẩn mình trong rừng đồ chơi sặc sỡ có xuất xứ từ Trung Quốc như: Siêu nhân, súng nước, robot... là những con kèn kẹt, ông tiến Sỡi, tò he..., với màu sắc mộc mạc, giản dị của thời gian và truyền thống.
Kèn kẹt... kèn kẹt - Lần theo những âm thanh lạ tai ấy, chúng tôi tìm đến cụ Nguyễn Thị Kiệm, một cụ bà nay đã 80 tuổi đang bán những con kèn kẹt hay còn gọi là con quay trên một góc phố nhỏ trên đường Hàng Mã.
Con kèn kẹt là thứ đồ chơi nhỏ xinh, phát ra những tiếc “kèn kẹt” vui tai và chỉ xuất hiện trong những ngày Trung thu, cho trẻ em mang đi chơi trong lúc rước đèn trong đêm trăng. Không những thế, cụ Kiệm còn kể ngày xưa khi trẻ quấy khóc, người sẽ mang con kèn kẹt ra quay, sau một lúc trẻ sẽ nín.
Bà Kiệm bên "mẹt" đồ chơi. |
Lặng nhìn những hàng quán xung quanh ngập tràn những đồ chơi Trung Quốc bà thốt lên: “Bây giờ trẻ con toàn thích mấy cái thứ đồ chơi Trung Quốc, chắc có mấy đứa tìm đến với mấy con kèn kẹt của bà!” Dứt câu, bà lại quay con kèn kẹt trên tay, hướng đôi mắt mở đục về những người khách lặng lẽ qua gian hàng của bà, để mời chào họ về với những âm thanh vọng lại từ những ngày trung thu xa xưa ấy.
“Ông tiến sĩ” là ai ạ?. Bà giật mình nói khi chúng tôi hỏi về những đồ chơi truyền thống của Trung thu. “Phải gọi là – ông tiến Sỡi – bây giờ sao người ta gọi sai tên ông hết vậy?. Ông tiến Sỡi - dâng trông trăng - ngày xưa, luôn xuất hiện bên mâm cỗ Trung Thu để dâng lễ lên cho ông Trăng, ông Sao trên trời. Nhưng bây giờ chẳng mấy gia đình còn giữ nết cũ! Ông tiến Sỡi không chỉ có đêm Trung Thu mà còn có trong ngày Tết to (tết Âm lịch) nữa. Nhà bà vẫn còn giữ tục ấy, trong ngày Tết to vẫn có một ông tiến Sỡi trong nhà”, bà Kiệm tâm sự.
Ông tiến Sỡi đủ bộ có 3 ông. Ông ngồi ghế chính giữa có lọng được gọi là ông tiến Sỡi. Hai ông nhỏ hơn đứng hai bên múa gậy để bảo vệ được gọi là ông đánh gậy.
Ông tiến Sỡi trong đêm trung thu không chỉ có ý nghĩa dâng mâm cỗ lên cho trăng cho sao mà còn mang sự hy vọng của bố mẹ dành cho con cái ngày càng ngoan ngoãn, cố gắng chăm chỉ học hành để sớm thành tài, đỗ đạt.
Tạm biệt cụ Kiệm với câu chuyện về con kèn kẹt, về ông tiến Sỡi chúng tôi tìm đến anh Đào Hữu Thủy – người đã gắn bó gần 15 năm cuộc đời mình với tò he trên một góc khác của phố Hàng Mã.
Tò he bây giờ không còn mang những dáng vẻ ban đầu của nó |
Nhìn trên gian hàng tò he của anh chúng tôi không tìm thấy những món tò he truyền thống như 12 con giáp, con giống, liền anh liền chị quan họ... mà thay vào đó là những: Doraemon, thủy thủ mặt trăng, siêu nhân, Angry Birds....
Ngước nhìn đám tò he thân thuộc mà lạ lẫm, Anh Thủy tâm sự: “Bây giờ trẻ con phần nhiều chỉ thích những nhân vật trong hoạt hình hay trong game chứ chẳng còn thích những con Tò he truyền thống nữa – thế nên những con Tò he bây giờ không còn mang những dáng vẻ ban đầu của nó nữa”.
Tiếng kèn kẹt trong đêm trống hội, những con tò he từ thủa ban sơ, những ông tiến Sỡi mang ước mong con cháu thành tài đỗ đạt... còn hay mất, đi đến những bậc thang cuối cùng hay còn đi theo mãi với thời gian của đất nước còn phụ thuộc vào ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống của người lớn – những người hướng dẫn, nâng bước cho trẻ biết gìn giữ các giá trị truyền thống của cha ông một thời.
Đặng Tuấn