Bà là Grace Machel, phu nhân của cố Tổng thống Mozambique Samora Moisés Machel và của cả cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.
Năm 1996, khi Nelson Mandela - cựu Tổng thống, người được dân chúng Nam Phi tôn vinh là Anh hùng dân tộc, được cả thế giới coi là biểu tượng của ý chí đấu tranh cho độc lập dân tộc và người hùng chống chủ nghĩa Aparthaird – khi đó đã 78 tuổi công bố, ông lại một lần nữa mắc vào lưới tình.
Người mà ông yêu chính là Graca Machel, vợ góa của cố Tổng thống Mozambique Samora Moisés Machel. “Bà ấy là chủ nhân của tôi. Khi ở bên bà ấy, tôi thấy mình thật bé nhỏ, mềm yếu!”. Người đời thường nói: “Một tình yêu đẹp có thể khiến cho người đàn ông dù mạnh mẽ đến mấy cũng trở nên mềm yếu”. Và Nelson Mandela cũng không phải ngoại lệ.
Xuất thân nông dân nghèo khổ
Ngày 17/10/1945, Graca Simbine ra đời trong một gia đình nông dân ở Mozambique. Graca Machel sau này cũng nói: “Nhà tôi rất nghèo, nhưng tôi được hưởng sự giáo dục tốt nhất có thể”.
Cô bé Graca Simbine học giỏi, được nhận học bổng của một trường trung học phổ thông ở thủ đô Maputo, là người da đen duy nhất trong số hơn 40 học sinh. Điều đó đã dần khiến Graca Simbine trở thành người đi tiên phong chủ trương một nền giáo dục châu Phi cấp tiến. Giống như Nelson Mandela, khởi đầu Graca Simbine là chiến sĩ đấu tranh cho tự do của châu Phi, đảm nhận sứ mạng giải phóng và giáo dục đồng bào mình.
Sau một thời gian ngắn dừng chân ở Bồ Đào Nha, cô gia nhập Mặt trận giải phóng dân tộc Mozambique (Frelimo), đầu tiên làm liên lạc viên, về sau là một chiến sĩ du kích được huấn luyện cách thức sử dụng vũ khí để tiến hành chiến đấu giành độc lập.
Graca Simbine đã gặp nhà lãnh đạo của Frelimo Samora Moisés Machel – một người đàn ông có sức hút mãnh liệt, trở thành bạn đời của nhau trong chiến tranh cách mạng. Hai tháng sau khi Mozambique giành được độc lập, tháng 8/1975, hai người kết hôn, từ đó Graca Simbine mang tên Graca Machel.
Ông Samora Moisés Machel và Graca Machel |
Sau khi Samora Moisés Machel trở thành Tổng thống, Graca Machel cũng trở thành Bộ trưởng Văn hóa và Giáo dục, bắt đầu thể hiện bản lĩnh thực sự của mình. Mozambique khi đó là một trong những quốc gia có tỷ lệ mù chữ cao nhất châu Phi; chỉ trong vòng 2 năm, bà đã nâng cao được tỉ lệ trẻ em đến trường và hạ thấp rõ rệt tỉ lệ người mù chữ.
Samora Moisés Machel thực thi đường lối ngoại giao “ thêm bạn, bớt thù, quảng giao quốc tế”, khiến đất nước nhanh chóng phát triển. Ông chi viện cho cuộc đấu tranh của người da đen ở Nam Phi chống chủ nghĩa Apartheid.
Thế nhưng những ngày tốt đẹp không kéo dài; chính sách đối ngoại tiến bộ của Samora Moisés Machel đã khiến ông trở thành cái gai trong mắt những kẻ theo chủ nghĩa Apartheid Nam Phi. Chúng và tổ chức đối lập Phong trào phản kháng toàn quốc (Renamo) do CIA hậu thuẫn đã đưa đất nước non trẻ này lâm vào cuộc nội chiến, gây nên cảnh hỗn loạn, phá hoại nền kinh tế đang chập chững phát triển.
Sau khi dẹp bỏ được cuộc phản loạn, đất nước bắt đầu khôi phục được hòa bình thì tai họa ập đến: Trung tuần tháng 10/1986, Samora Moisés Machel sang thăm và dự một hội nghị quốc tế ở Lushaka, thủ đô Zambia. Ngày 19/10, chiếc máy bay chở ông trên đường về nước, đến khu vực biên giới 3 nước Nam Phi – Swaziland – Mozambique thì bị sự cố, ông Samora Moisés Machel và 24 người đi cùng đều tử nạn.
Khi đó cả Nelson Mandela đang còn ở trong nhà tù và vợ ông, bà Winie, đều gửi điện chia buồn. Trong bức điện trả lời Nelson Mandela, bà Graca Machel viết: “Gửi Nelson! Từ trong ngục tối, ông đã đem đến cho tôi ánh sáng trong lúc đang chìm trong bóng đêm hắc ám”. 5 năm sau đó, Graca Machel luôn mặc tang phục màu đen. Cho đến năm 1991, theo sự thúc giục của cậu con trai 12 tuổi, bà lấy lại tinh thần, quay trở lại công việc bằng cách thành lập một quỹ chống nghèo đói và một lần nữa lại thể hiện năng lực lãnh đạo xuất chúng.
Năm 1995, bà được LHQ trao Giải thưởng Fridtjof Nansen về những cống hiến xuất sắc cho việc cứu trợ trẻ em tại các trại tỵ nạn. Năm 1996, có người thúc giục Graca Machel hãy ra ứng cử chức Tổng thư ký LHQ (về sau Koffi Annan đã trúng cử). Bà đã thẳng thắn từ chối: “Ở đó không thể hiện được ý nguyện chính trị. Ngồi ở đó thì tôi làm được gì?”
Trở thành phu nhân Nelson Mandela
Bà Graca Machel gặp ông Nelson Mandela lần đầu vào năm 1990, khi ông vừa ra khỏi nhà tù sau 27 năm bị giam cầm và đón nhận đủ mọi tin bê bối của bà vợ thứ hai Winnie. Cuộc sống riêng tư của Nelson Mandela khi đó triệt để vỡ vụn, bà Winie từ bỏ quan hệ hôn nhân và sử dụng vụ án ly hôn của họ khi đó để công khai làm nhục ông.
Nelson Mandela từng đau khổ mà rằng: “Thời gian đó, tôi là người cô độc nhất trên thế giới”. “Cả hai chúng tôi đều rất, rất cô đơn” – Graca Machel nhớ lại – “Cả hai chúng tôi đều muốn có người lắng nghe mình và hiểu mình”.
Nụ hôn ngọt ngào giữa Graca Machel và Nelson Mandela |
“Sau khi cuộc hôn nhân đó kết thúc, chúng tôi bắt đầu gặp nhau nhiều hơn”. Lúc đầu Graca Machel từ chối tái hôn với Nelson Mandela vì bà từng tuyên bố: “Tôi thuộc về Mozambique, tôi mãi mãi là vợ của Samora Moisés Machel”. Điều đó khiến Nelson Mandela phải nhượng bộ dù rất muốn kết hôn cùng bà.
Lần đầu tiên họ xuất hiện công khai bên nhau trước mọi người là bên mộ Samora Moisés Machel. Đến năm 1996, tin đồn về quan hệ giữa họ được xác nhận: Các paparazzi đã chụp được ảnh họ tay trong tay. Văn phòng Tổng thống Nam Phi ra tuyên bố: “Graca Machel là bạn đời chính thức của Nelson Mandela”.
Khi có người khuyên bà hãy nói gì đó về tin tức chấn động này, một lần nữa Graca Machel lại thể hiện phong thái lãng mạn nhưng cũng rất lạnh lùng: “Tôi và Nelson sau khi sống với nhau một thời gian, tình yêu mới đến. Giữa chúng tôi không có tình yêu sét đánh. Chuyện đó không xảy ra đối với tôi”.
Mãi đến năm 1998, tại tiệc mừng thọ Nelson Mandela 80 tuổi, Graca Machel mới đồng ý kết hôn với ông – người nhiều hơn bà 27 tuổi. Bà nói: “Con người đặc biệt này đã khiến tôi thay đổi ý định không tái giá”. Còn người vợ trước Winnie của ông Nelson Mandela thì giận dữ trách mằng Graca Machel, nói bà là người đàn bà xảo quyệt và đùa giỡn với tình cảm, còn gọi bà là “vợ bé”.
Hôn lễ của họ được tổ chức tại nhà riêng của Nelson Mandela ở thị trấn Howton, ngoại ô Johannesburg. Ông thị trưởng Johannesburg làm chủ hôn. Khi chủ hôn yêu cầu họ hôn nhau, Mandela đã nhẹ nhàng đặt nụ hôn lên môi bà và tuyên bố: Đây là lần đầu tiên ông hôn Graca Machel.
Nelson Mandela là người đầu tiên thừa nhận Graca Machel đóng vai trò quan trọng trong những năm tháng cuối của cuộc đời ông. Năm 2007, ông nói: “Bà ấy là chủ nhân của tôi. Khi ở bên bà ấy, tôi thấy mình thật bé nhỏ, mềm yếu!” Còn Graca Machel thì không muốn mọi người lý tưởng hóa chồng mình một cách cảm tính.
Bà từng trả lời một tờ báo Anh: “Có lẽ mọi người đều nói chồng tôi là bậc thánh nhân; nhưng đối với tôi, ông chỉ là một người bình thường đôn hậu, giản dị và thân thiện. Khi Madiba (tên Nelson Mandela ở bộ lạc) mới bước vào cuộc đời tôi, tôi chưa có sự chuẩn bị tốt; nhưng hiện chúng tôi đều gắng sức sống tốt bên nhau. Chúng tôi đều vốn rất cô đơn. Đời người chỉ có một lần thôi”.
Graca Machel biết thân phận đặc biệt có nghĩa là gì. Bà là người phụ nữ duy nhất là đệ nhất phu nhân của hai quốc gia. Nhìn lại lịch sử thế giới trước nay mới chỉ có Eleanor of Aquitaine là người như thế: đầu tiên bà kết hôn và là hoàng hậu của vua Pháp Luis VII, sau đó lại trở thành hoàng hậu Anh Quốc khi kết hôn với vua Henrry Đệ Nhị.
Câu chuyện tình yêu của Graca Machel mang sắc thái kịch của William Shakespeare. So với chuyện tình của các cặp vợ chồng trẻ, kiểu “tình yêu hoàng hôn” của Graca Machel và Nelson Mandela mang ý nghĩa “dựa vào nhau để sống” nhiều hơn, nhưng tình yêu muộn màng giữa họ lại rất ngọt ngào, nồng ấm.
Nelson Mandela bên Graca Machel những năm cuối của cuộc đời ông |
Sau khi rút khỏi ghế Tổng thống, Nelson Mandela đã sống cuộc sống gia đình bình lặng và yên ấm bên Graca Machel. Bà luôn ở bên, chăm sóc ông rất chu đáo. Nelson Mandela từng nói đùa: “Từ nay về sau, cuộc đời tôi có hai nội dung quan trọng nhất: thứ nhất là Graca, thứ hai là đến Mozambique ăn tôm hùm”.
Bà Graca Machel thì nói: “Yêu tôi không phải là hai lãnh tụ mà là hai người đàn ông chân thực. Được sống bên cạnh hai người đàn ông tuyệt vời như thế là vinh hạnh của đời tôi”.
Ngày 5/12/2013, Nelson Mandela chia tay Graca Machel về cõi vĩnh hằng. Graca Machel lại quay trở lại cuộc sống độc thân khi đã xấp xỉ tuổi 70. Bà vẫn tiếp tục bôn ba khắp nơi vì sự nghiệp bảo vệ quyền lợi cho trẻ em.../.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu