Chị Nguyễn Thị Duyên, kế toán của một công ty tại Hà Nội đã phải gọi điện đến các trung tâm tư vấn tâm lý vì mâu thuẫn với con trai về sự thay đổi trong cách ứng xử, lối sống kể từ khi con trai chị du học ở Australia trở về.
Chị kể: Hôm về nước, Vinh (con trai chị Duyên) dẫn theo bạn gái người Singapore về ra mắt. Vì muốn gặp lại đứa cháu yêu và cũng muốn xem mắt cô cháu dâu tương lai, nên cả nhà chị Duyên tụ họp rất đông đủ. Vinh không cho ai ra sân bay đón mà muốn tự đi taxi về. Bước chân vào nhà, trước hàng chục con mắt ngóng đợi của bố mẹ, ông bà, chú bác, Vinh chỉ gật đầu chào rồi dẫn người yêu đi thẳng lên phòng.
Sau hơn 2 tiếng đồng hồ, Vinh và cô người yêu “tây” vẫn không thèm xuống chào hỏi những bậc cao niên, sinh thành ra mình. Mãi đến khi cậu em trai lên gõ cửa phòng nhắc nhở thì Vinh mới dẫn người yêu xuống nhà ra mắt, đồng thời xin đưa người yêu ra tiệm ăn trưa, mặc cho mâm cơm được mẹ và các cô, dì đã chuẩn bị từ sáng.
Cả nhà thấy “sốc” về cách ứng xử của Vinh, còn vợ chồng chị Duyên cảm thấy vô cùng xấu hổ và lo lắng. Chị Duyên nhắc nhở con thì Vinh tặc lưỡi: “Ôi giời, mẹ cứ quan trọng hóa hình thức. Bọn con đi xa về, cũng phải nghỉ ngơi tý chút chứ!”.
Vinh còn chứng tỏ cách suy nghĩ và lối sống “thoáng, hiểu đời” và sành điệu bằng việc tổ chức liên tục những bữa tiệc nhảy nhót hát hò thâu đêm suốt sáng, "nốc" rượu như nước. Sau nhiều năm mong chờ cậu con trai trở về, chưa đầy một tuần ở bên con mà chị Duyên gầy rộc đi. Có lần, hai mẹ con to tiếng với nhau, Vinh còn nói sẽ quay trở lại Australia sinh sống mặc cho chị khóc xin con.
Cùng nỗi buồn với chị Duyên, chị Hoàng Minh Đức ở khu tập thể Giảng Võ, Hà Nội cũng luôn than phiền vì những thay đổi trong cách ứng xử và lối sống của cô con gái sau khi du học ở Pháp về. Nhiều lần, hai mẹ con mâu thuẫn chỉ vì cách ăn uống. Mỗi lần bất đồng nảy sinh, cô con gái cãi lại mẹ rồi bỏ nhà “đi hoang”.
Chị Đức kể: “Ngày đầu nghe tin con về, mình dậy từ sớm đi chợ chuẩn bị cho con những món ăn mà trước khi đi du học con vẫn rất thích. Sau một buổi sáng vất vả nấu nướng, mình chưng hửng khi con “phán”: “Tạm được, chứ không ngon lắm!”.
Cháu còn nói: “Con ở nước ngoài đã quen như vậy rùi. Nhận xét thẳng thắn, nếu ngon thì nói ngon, không ngon thì nói tạm được”. Nói rồi, con gái bỏ bát đũa, lạnh lùng đứng dậy, mặc cho chị Đức “sốc” không nói được lời nào.
Cần thời gian để con tái hoà nhập
Những hiện tượng nêu ở trên hoàn toàn không phải là cá biệt. Nguyên nhân chủ yếu là do các bạn trẻ ngày nay thường có tư tưởng rất mở trong việc tiếp nhận nền văn hoá của các nước sở tại. Trong việc tiếp nhận đó, có những luồng văn hoá tiên tiến, đáng học hỏi. Nhưng bên cạnh đó cũng có những lối sống, cách ứng xử không phù hợp với Việt Nam.
Thậm chí, có bạn trẻ còn cố tình thể hiện mình là độc đáo, là khác người bằng sự “tây hóa” táo bạo. Chính vì vậy, họ đã gây “sốc” cho không ít phụ huynh, gia đình và những người xung quanh. Những bất đồng về quan điểm và lối sống trong sinh hoạt chính là mầm mống nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình.
Trên thực tế, nhiều bạn trẻ sau khi đi du học trở về đã gặp khó khăn trong giao tiếp và hòa nhập. Lúc “xuất ngoại” là lúc tuổi còn nhỏ. Sang nước ngoài học tập, họ được tiếp cận với những kiến thức mới, mở rộng tầm nhìn và mất nhiều thời gian để thích nghi với môi trường đó.
Thời gian của ngưỡng cửa trưởng thành đó là lúc họ “tập nhiễm” nhanh nhất. Ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu. Ở "trời tây" cũng vậy. Lúc này, nếu không có sự định hướng của bố mẹ, thì việc các em nhiễm phải lối sống sai trái, những thói hư tật xấu là điều rất dễ xảy ra.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Tuệ, Trung tâm tham vấn tâm lý trẻ em Cpec (Hà Nội), việc bất đồng trong lối sống, cách ứng xử sẽ gây ra những cản trở trong cuộc sống sinh hoạt của cả người mới trở về và những người trong gia đình. Người trở về sẽ cảm thấy lạc lõng dù sống giữa những người thân.
Những thói quen sinh hoạt không còn được thoải mái như trước có thể gây ức chế về tâm lý, buồn chán, thậm chí nhiều người có ý định sẽ lại ra đi. Đối với những người thân, bạn bè, họ thấy khó chấp nhận sự thay đổi này của con em mình và cũng thấy không thoải mái. Vô hình trung tình cảm gia đình đã bị ngăn cách bởi một rào cản đó là sự thay đổi về văn hoá, lối sống.
Lời khuyên cho các bậc cha mẹ là cha mẹ nên cho con cái thời gian thích nghi lại, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của con khi trở về nước. Nên thường xuyên gần gũi, chia sẻ để giúp con. Trong trường hợp cha mẹ và con cái khó nói chuyện với nhau thì hãy tìm đến sự hỗ trợ cần thiết từ người thân, bạn bè khác, những người mà tiếng nói có sức nặng đối với cả 2 bên, hoặc tìm đến nhà tư vấn tâm lý.
Phương Thuận