Từ luật định đến thực tế, trong các vụ án ly hôn, người ta chỉ xem xét quyền về tài sản của vợ - chồng, mà quên mất rằng những đứa trẻ trong các gia đình đó cũng cần được chia tài sản và có nhu cầu sử dụng tài sản chính đáng.
Nội trợ không có nghĩa là trắng tay
Cha mẹ ly hôn, gia đình tan vỡ, ít đứa trẻ nào không rơi vào khủng hoảng tâm lý, đau buồn. Nhưng cô bé gái 10 tuổi ở Hà Nam thì không vậy…
“Không biết vì lý do gì mà đứa trẻ đó có được số điện thoại của tôi và đó là một “thân chủ” mà tôi không bao giờ quên”, một nhà giáo, luật sư chuyên về pháp luật hôn nhân gia đình thuật lại với tôi, khi tôi hỏi ông có thân chủ nào khiến ông nhớ nhất.
Câu chuyện của gia đình đứa trẻ cũng giống như câu chuyện của bao gia đình phải đi đến bờ vực ly hôn khác: Bố mẹ đánh cãi nhau, ra tòa, con cái tan đàn xẻ nghé… Nhưng có một điểm khác là ở chỗ, tuy nhỏ tuổi nhưng nó không đành lòng khi nhìn thấy mẹ nó bị đá ra khỏi nhà như một cái vỏ chanh đã vắt hết nước, tay trắng.
“Bác ơi, ở nhà cháu chỉ có bố cháu đi làm xa thôi, cứ mấy tháng mới về một lần đưa tiền cho mẹ cháu. Mình mẹ cháu ở nhà vất vả ruộng vườn, tích cóp xây nhà, chăm nuôi hai chị em cháu. Giờ ly hôn, bố bảo mẹ là không đi làm, ăn bám, chỉ mình bố làm ra tiền nên tài sản, ngôi nhà là của bố hết.
Bố sẽ nuôi hai chị em, còn mẹ phải ra khỏi nhà tay không. Bác ơi, căn nhà đó là của chung gia đình cháu, thế thì liệu chị em cháu có được chia không. Để chúng cháu cho mẹ ở, chứ giờ mẹ biết đi đâu”.
Lời con trẻ nghe thật đắng lòng đúng như nhà thơ Vương Trọng đã viết: “Những bố mẹ bên bờ chia cắt/ Phút giây thôi hãy nghe tiếng con mình”.
Cách đây 3 năm, TAND tối cao đã đưa ra con số thống kê trong năm đó cả nước có 88.591 vụ ly hôn. Gần 90 nghìn vụ ly hôn cũng là gần 90 nghìn những hệ lụy phức tạp từ phân chia tài sản chung của hai vợ chồng đến việc nuôi dưỡng con cái. Rất nhiều những gia đình, khi ly hôn rơi vào hoàn cảnh như gia đình em nhỏ nói trên.
Nghĩa là người chồng là lao động chính, là người tạo ra thu nhập nuôi sống cả gia đình còn người vợ chỉ làm công việc nội trợ, chăm con. Vì thế, trong nhiều vụ ly hôn, người chồng thường dựa vào lý do đó cho rằng tất cả tài sản, của cải trong gia đình là họ làm ra và phải thuộc về họ, người vợ không hề có phần, phải ra đi tay trắng.
Theo pháp luật về hôn nhân gia đình hiện hành, lao động của vợ, chồng trong gia đình đều được coi như lao động có thu nhập (Khoản 2 Điều 95 Luật HNGĐ). Vì thế, dù là làm nội trợ, nhưng người vợ vẫn hoàn toàn có quyền căn cứ vào quy định của luật để xác lập phần quyền của mình đối với tài sản trong hôn nhân.
Về nguyên tắc, tài sản chung hình thành trong thời kỳ hôn nhân được chia đôi. Tuy nhiên, căn cứ vào hoàn cảnh mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì và phát triển tài sản thì phần tài sản chung đó có thể sẽ được chia lại theo một tỉ lệ phù hợp.
Về cơ bản, chỉ có vợ chồng mới có quyền chia tài sản khi ly hôn, còn quyền lợi của con cái vẫn được đảm bảo vì sẽ được bố mẹ cấp dưỡng đầy đủ cho đến khi trưởng thành.
Con trẻ cũng có quyền tài sản
Ở một khía cạnh khác, câu chuyện của em nhỏ ở Hà Nam cũng đặt ra một vấn đề, đó là có hay không quyền có tài sản của con trẻ trong gia đình. Trên thực tế, đã có những đứa trẻ ngay từ khi rất nhỏ đã sở hữu một khối tài sản hình thành do được thừa hưởng, thừa kế của người thân trong gia đình, hoặc bản thân tạo ra thu nhập từ các giải thưởng…
Quyền có tài sản của con cũng đã được pháp luật công nhận (Điều 44 Luật HNGĐ) và về nguyên tắc, bố mẹ sẽ thay con quản lý số tài sản đó cho đến khi trưởng thành, việc giám hộ này được xác lập bằng các thủ tục pháp lý.
Nhưng trên thực tế, rất ít bố mẹ nghĩ đến chuyện thủ tục giám hộ tài sản riêng cho con, thay vào đó đa số bố mẹ đã sát nhập khối tài sản riêng đó vào tài sản chung. Để đến khi ly hôn, đứa trẻ sẽ bị nhiều thiệt thòi về quyền tài sản.
Từ bất cập này, trong tiến trình sửa đổi, bổ sung Luật HN&GĐ năm 2000 đã có kiến nghị rằng đối với con từ 18 tuổi, luật cần ghi nhận cụ thể quyền yêu cầu chia tài sản riêng trong khối tài sản chung của cha mẹ (hoặc gia đình) khi con cùng lao động, sản xuất hoặc có đóng góp vào.
Quan điểm này được đánh giá là hướng đến xu hướng hội nhập để tránh bị lạc hậu và gây bất cập sau này.Tuy nhiên, cũng có băn khoăn rằng việc luật cho phép con chia tài sản với bố mẹ khi có chút công sức đóng góp là quá sòng phẳng và trái với truyền thống hiếu nghĩa của người Việt.
Hồng Minh